Sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong thực hiện cải cách hành chính

23/02/2022, 10:28

BDK - Bến Tre đang phấn đấu đến năm 2025, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh đạt nhóm 20 tỉnh dẫn đầu cả nước. Để đạt mục tiêu này, rất cần sự nỗ lực không ngừng từ các ngành, các cấp của cả hệ thống chính trị.

Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: T. Đồng

Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: T. Đồng

Những năm qua, tỉnh luôn xác định cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nên đã chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương triển khai đồng bộ, toàn diện, quyết liệt các giải pháp về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp; mang lại sự hài lòng ngày càng cao cho người dân và doanh nghiệp.

Mặc dù đã có nhiều hành động, biện pháp quyết liệt, song vẫn còn có những hạn chế tỉnh tiếp tục tháo gỡ. Tinh thần cải cách và đổi mới chỉ thật sự hiệu quả khi trở thành hành động thống nhất từ tỉnh đến huyện, xã; thấm sâu trong nhận thức và hành động từ cấp trên xuống cấp dưới, từ sở, ngành này sang cơ quan, đơn vị kia, từ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp…

Từ lâu, tỉnh đã xác định công tác CCHC là triển khai thực hiện trong toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh (Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 4-3-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy). Về phía các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo CCHC quyết liệt, mạnh mẽ theo từng cấp, từng ngành. Tuy nhiên, có nhiều tổ chức, cá nhân vẫn còn quan niệm cho rằng, CCHC là trách nhiệm của UBND, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông… nên còn không ít tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, thiếu sự phối hợp đồng bộ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ về CCHC của tỉnh. 

Những hạn chế, vướng mắc nêu trên phần nào đã được nhận diện, từng bước được chấn chỉnh, khắc phục. Song nhiều ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý và cả người dân cho rằng, để CCHC có bước chuyển biến thật mạnh mẽ thì các giải pháp cần được thực thi đồng bộ, trong đó việc nâng cao nhận thức của đội ngũ CB, CC, VC về CCHC phải được coi là một trong những yếu tố hàng đầu.

Để bảo đảm cho việc hoàn thành mục tiêu trên, Kế hoạch thực hiện CCHC giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh đã xây dựng 6 nhóm nhiệm vụ về: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Cùng với đó là 6 nhóm giải pháp về: tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện CCHC; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho CB, CC, VC, người dân, doanh nghiệp và xã hội; bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực cho CCHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tạo động lực cải cách trong đội ngũ CB, CC, VC; đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ.

Có thể thấy, các mục tiêu cụ thể, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã bám sát tình hình thực tiễn và có sự dự báo về thuận lợi, thách thức của tỉnh nhà trong giai đoạn phát triển tới để xây dựng, bảo đảm các yếu tố khoa học, khách quan, tính hiệu quả. Tinh thần và điểm nhấn nổi bật của kế hoạch đó là đẩy mạnh CCHC theo hướng toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách; hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Điều còn lại bây giờ là sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân.

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách quyết liệt và đồng bộ. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo một cách sâu sát và toàn diện, thường xuyên kiểm tra, giám sát và luôn có những định hướng để UBND tỉnh cùng với các ngành, các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác này. Sự ra đời của Đề án số 01-ĐA/TU ngày 29-12-2020 của Tỉnh ủy về CCHC giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn năm 2030, với nhiệm vụ đột phá là đưa Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của tỉnh vào nhóm 20 cả nước đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà.

Đăng Phong


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO