Bắc Giang: Ứng dụng công nghệ và tăng cường truyền thông thực hiện chính sách dân tộc phát huy hiệu quả

XT | 24/08/2021, 16:31

Nhờ ứng dụng CNTT, công tác cải cách hành chính cũng như truyền thông thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân trong tỉnh nói chung và đồng bào DTTS nói riêng.

Ứng dụng CNTT đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

Bắc Giang có 188 xã là dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 72% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Trong đó, có hơn 257 nghìn người là DTTS, chiếm 14,26% số dân toàn tỉnh. Nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nói chung, bà con DTTS nói riêng trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Đặc biệt, công tác tuyên truyền các chính sách dân tộc đến đồng bào DTTS luôn được tỉnh quan tâm, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Bắc Giang, xác định việc phát triển và ứng dụng CNTT là khâu then chốt trong CCHC, tỉnh luôn quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông, CNTT đồng bộ, rộng khắp. Đến nay, hạ tầng mạng viễn thông phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn, trên 95% thôn, bản. Hạ tầng kỹ thuật CNTT hiện đại, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư, nâng cấp, mở rộng đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng dùng chung của tỉnh, đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu và phục vụ cho việc triển khai chuyển đổi số.

Ứng dụng CNTT nhằm đẩy mạnh CCHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nói chung, bà con DTTS nói riêng.(Ảnh minh họa)

Bắc Giang đã phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 2.0; duy trì, vận hành tốt các hệ thống thông tin dùng chung cốt lõi của tỉnh phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành như: Hệ thống một cửa điện tử; phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; hệ thống thư công vụ; phần mềm ký số; hệ thống họp trực tuyến; Cổng Thông tin điện tử; Cổng Dịch vụ công của tỉnh (nâng cấp 1.380 dịch vụ công mức độ 3,4 đạt 100% dịch vụ công đạt tiêu chuẩn) góp phần nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh, đưa Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thực hiện kết nối từ nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang (LGSP) đến nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP)…

Việc phát triển và ứng dụng CNTT đã góp phần từng bước thay đổi phương thức làm việc truyền thống sang làm việc trên môi trường số hiện đại, công khai, minh bạch, trách nhiệm, giảm giấy tờ, tiết kiệm chi phí, thời gian, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác truyền thông thực hiện các chính sách dân tộc đối với bà con DTTS.

Cầu nối của Đảng với đồng bào DTTS

Cũng theo Sở TT&TT, trong những năm qua, bên cạnh việc ứng dụng CNTT để cải cách hành chính, phục vụ đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số,  công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS cũng đã được các báo, đài của tỉnh chú trọng.

Các cơ quan báo chí của tỉnh, hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã đã làm tốt công tác đưa thông tin tuyên truyền từ tỉnh đến đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, trở thành cầu nối của Đảng với toàn thể nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, các cơ quan: Báo Bắc Giang, Đài PT&TH tỉnh đã tuyên truyền lồng ghép trên 1.500 tin, bài, chương trình, chuyên trang, chuyên mục có nội dung về giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe và phát triển nguồn nhân lực các DTTS trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa các thành phần dân tộc, giữa vùng dân tộc với các vùng khác trong tỉnh và cả nước; tuyên truyền về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách khác có liên quan đến vùng DTTS trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và kết quả thực hiện.

Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS  luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo.

Báo chí đẩy mạnh tuyên truyền việc triển khai các chính sách pháp luật liên quan đến vùng DTTS: việc phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực vùng DTTS, nâng cao trình độ dân trí, tăng cường chất lượng dịch vụ công, bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định quốc phòng, an ninh.

Một số tác phẩm tiêu biểu đã được đăng trên Báo Bắc Giang như: “Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS: Đa dạng hình thức tuyên truyền, bảo đảm hiệu quả”; “Cung cấp thông tin cho người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS”; “Bắc Giang: Biểu dương gương sáng vì cộng đồng và người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS”; “Giải quyết những vấn đề bức thiết của đồng bào DTTS và miền núi”; “Đào tạo nghề cho lao động DTTS: Sát nhu cầu để tăng hiệu quả”; “Vinaphone triển khai tổng đài tiếng dân tộc”; “Hội thi tìm hiểu pháp luật cho đồng bào DTTS”; “Cấp 18 ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi”; “Cán bộ DTTS huyện Lục Ngạn: Rèn luyện, trưởng thành từ thực tiễn”…

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang cũng đăng tải nhiều tác phẩm như: “Sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn xuất khẩu”; “Giải pháp tăng năng suất và giá trị quả vải thiều”; “Trồng rừng gỗ lớn, hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp”; “Trồng nấm Linh Chi - Mô hình mới xóa đói giảm nghèo”; “Mô hình liên kết và tiêu thụ gà đồi ở Yên Thế”; “Phát triển chỉ dẫn địa lý cho Vải thiều Lục Ngạn”; “Xóa đói giảm nghèo từ chương trình hỗ trợ xuất khẩu lao động”…

Đặc biệt, từ đầu năm 2020, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng 02 chương trình tiếng dân tộc Sán Chí/tuần với thời lượng 30 phút/chương trình phát chính thức và phát lại vào tất cả các ngày/tuần dành cho đồng bào DTTS. Chương trình đã không ngừng đổi mới nội dung, kết cấu cho phù hợp với nhận thức của đồng bào vùng cao, sát với thực tế góp phần tích cực trong việc đưa thông tin tuyên truyền từ tỉnh đến với cơ sở, giúp đồng bào DTTS hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không nghe và tin theo người xấu, xóa bỏ mê tín dị đoan, du canh du cư...

Có thể thấy, các chính sách dân tộc đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS, làm thay đổi nhận thức, tạo việc làm, thu nhập, giúp bà con từng bước thoát nghèo. Những kết quả đó là động lực giúp cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh tiếp tục vươn lên, xóa đói giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống, góp phần thu hẹp khoảng cách văn hóa - xã hội với vùng trong tỉnh.

Thông qua công tác truyền thông, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước; vận động đồng bào các DTTS xây dựng xã hội lành mạnh, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, nhằm ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi.

Bài liên quan
  • Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, nhiều khu vực bị phong tỏa, cách ly, giữa khó khăn của nền kinh tế, ngành phần mềm dù gặp nhiều trở ngại, nhưng vẫn tăng trưởng tốt và đang là điểm sáng.
Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO