Theo lãnh đạo một số bệnh viện, tại các quốc gia phát triển, hệ thống dữ liệu về người bệnh được ngành y tế xây dựng và liên kết giữa các cơ sở với nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đi khám chữa bệnh.
Tất cả thông tin của bệnh nhân được số hóa, bác sĩ ở bệnh viện này có thể tra cứu kết quả bệnh nhân từng thăm khám, điều trị trước đó ở những bệnh viện khác thông qua phần mềm ứng dụng chung, từ đó nắm rõ tình trạng bệnh nhân và có phương án can thiệp, điều trị tiếp mà không cần phải thực hiện lại việc thăm khám lâm sàng và đưa ra các chỉ định phù hợp giúp quá trình điều trị cho bệnh nhân đạt hiệu quả tối ưu.
Để “đi tắt đón đầu” các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, TPHCM đã chủ động triển khai Đề án Y tế Thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Thay vì sử dụng bệnh án điện tử, bệnh án giấy vẫn khiến nhân viên y tế tốn nhiều thời gian Ảnh: Vân Sơn |
Thế nhưng, từ cuối tháng 10/2022 đến nay, Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM tổ chức giám sát tại các bệnh viện tuyến thành phố như Hùng Vương, Nhi Đồng 1, Nhân Dân 115, Trưng Vương và phát hiện nhiều hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện đề án trên.
BS Huỳnh Ngọc Hớn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Trưng Vương, cho biết, từ năm 2004 bệnh viện đã tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, bệnh viện đã triển khai nhiều phần mềm như quản lý bệnh nhân ngoại trú, khám bệnh; số hóa toàn bộ đơn thuốc thay vì bác sĩ kê đơn thuốc bằng viết tay. Hiện nay, tại bệnh viện, thanh toán viện phí sử dụng hóa đơn điện tử đạt tỷ lệ 100%.
Bệnh viện cũng đã triển khai máy phát số tự động, màn hình thông báo điện tử hiển thị thông tin nhận bệnh nhân, thứ tự khám bệnh, thứ tự nhận thuốc bảo hiểm y tế; đặt lịch khám trực tuyến qua tổng đài điện thoại, app...
Để quản lý bệnh nhân nội trú, bệnh viện số hóa các chỉ định điều trị, giấy tờ chuyên môn, hồ sơ bệnh án và dịch vụ kỹ thuật tại khoa lâm sàng. Các ứng dụng đã giúp lãnh đạo bệnh viện giám sát và kiểm soát chi phí điều trị, bác sĩ và điều dưỡng tiết kiệm thời gian thay vì phải thực hiện bằng thủ công như trước đây.
Tuy nhiên, BS Huỳnh Ngọc Hớn thừa nhận, sự thiếu đồng bộ về phần mềm công nghệ thông tin giữa Bệnh viện Trưng Vương và các bệnh viện khác trên địa bàn khiến dữ liệu của người bệnh chưa thể chia sẻ nguồn tài nguyên, vì không liên kết được với nhau.
Theo TS.BS Lê Trường Giang (chuyên gia tư vấn về công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế, thành viên đoàn giám sát của HĐND TPHCM), các bệnh viện hiện nay đang nỗ lực để phát triển công nghệ thông tin. Tuy nhiên, việc phát triển chưa theo kịp công nghệ 4.0 mà thực hiện theo chuẩn của công nghệ thông tin từ khoảng 20 năm trước.
Các bệnh viện vẫn đang loay hoay trên những nền tảng đã lạc hậu để đáp ứng những công việc quản lý của bệnh viện theo yêu cầu của Nhà nước, đặc biệt là của Bảo hiểm Y tế, chứ chưa có giải pháp tiếp cận công nghệ 4.0.
“Các bệnh viện cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế, không nên tự bịt mắt mình và cho rằng đã làm tốt. Các bệnh viện cần định hướng rõ đối tượng phục vụ là người dân để ứng dụng công nghệ thông tin, mang lại tiện dụng trước khi bệnh nhân đến bệnh viện và sau khi rời bệnh viện. Y tế thông minh không chỉ dừng lại ở việc lưu trữ trong nội bộ bệnh viện, chuyển hình ảnh kiểm tra của bệnh nhân cho bác sĩ xem mà cần phải tính tới giải pháp đưa những phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và kết nối liên thông dữ liệu giữa người bệnh với bệnh viện, giữa các bệnh viện với nhau và giữa bệnh viện với cơ quan quản lý, đối tác”, TS Trường Giang nói.