Vĩnh Phúc: Nhiều kết quả nổi bật trong ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Bình Minh | 13/11/2021, 07:54

Từ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đến nâng cấp nền tảng CNTT quản lý công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở và phát triển kết cấu hạ tầng viễn thông, mạng lưới bưu chính... là những kết quả nổi bật tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trong thực hiện Quyết định 414/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019-2025".

Vĩnh Phúc: Nhiều kết quả nổi bật trong ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Vĩnh Phúc hoàn thành việc đưa cáp quang về từng thôn, xóm, khu dân cư và nhiều vùng đồng bào DTTS được phục vụ dịch vụ viễn thông, công ích. (Ảnh: nhandan.vn).

Thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin

Cụ thể, trong nhóm giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực kinh tế - xã hội về an ninh quốc phòng, tỉnh Vĩnh Phúc đã giao Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các địa phương nghiên cứu tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Bộ dữ liệu về các DTTS. Tập trung vào các lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán các DTTS; các sản phẩm truyền thống của đồng bào DTTS; thông tin địa lý vùng DTTS có tích hợp dữ liệu thông tin đa phương tiện. Đồng thời, xây dựng hệ thống ứng dụng CNTT thuận lợi trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ phổ biến đường lối chính sách, pháp luật; giáo dục về giới tính, quyền phụ nữ, quyền trẻ em cho đồng bảo DTTS; cung cấp thông tin việc làm phù hợp với trình độ, nhu cầu của đồng bào DTTS...

Việc xây dựng, phát triển các ứng dụng CNTT vào hỗ trợ cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn vùng đồng bảo dân tộc thiểu số cũng được chú trọng. Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư phát triển mạng lưới khí tượng, thủy văn; ngoài các trạm khí tượng thủy văn, trạm đo mưa tự động do Trung ương quản lý, trên địa bàn tỉnh còn có trên 60 điểm đo mưa, đo mực nước chuyên dùng phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai, sản xuất nông nghiệp. Năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các phần mềm đã triển khai, các ứng dụng cũng được hiện thực hóa để khai thác dữ liệu, dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai, đi kèm với việc phổ biến, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức của các Sở, ban, ngành, các địa phương về ứng dụng " Phòng chống thiên tai".

Tiếp đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám xây dựng hệ thống thông tin giám sát biến động của rừng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Nghiên cứu, ứng dụng CNTT trong quản lý, vận hành hồ chứa nhằm hỗ trợ công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi và phòng, chống lụt bão lưu vực sông Phan - Cả Lồ, tỉnh Vĩnh Phúc...

Như vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sẵn có thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và ứng dụng CNTT.

Vĩnh Phúc: Nhiều kết quả nổi bật trong ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Cột sóng phục vụ nhu cầu nghe, nhìn của khu dân cư. (Ảnh: Bình Minh).

Nâng cấp nền tảng CNTT quản lý công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở

Hiện nay, hệ thống công nghệ thông tin truyền thống của tỉnh Vĩnh Phúc đã được triển khai đầu tư, nâng cấp đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu; các ứng dụng nền tảng để hướng tới Chính phủ điện tử: phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến tất cả các xã trên địa bàn tỉnh. 100% văn bản (trừ văn bản mật) được lưu chuyển trên phần mềm; thư điện tử công vụ được cấp cho 100 % cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ công tác.

Đáng chú ý trong đó, hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối đến 169 đơn vị, địa phương, đồng bộ đến cấp xã (trong đó có 40 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Hạ tầng cáp quang được doanh nghiệp triển khai đến 136 xã, phường, thị trấn (gồm có 40 xã, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi ) đã giúp trang bị và nâng cấp nền tảng CNTT phục vụ công tác nói chung và công tác dân tộc nói riêng.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan phục vụ người dân và doanh nghiệp. Có thể kể đến phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã triển khai cho các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và 136 xã, phường, thị trấn ( trong đó có 40 xã vùng DTTS và miền núi). Dịch vụ công trực tuyến cũng được phát triển. Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh đăng tải 1.796 thủ tục hành chính công, trong đó có tổng số 772 Dịch vụ công, nhóm Dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Cổng Dịch vụ công trực tuyển thực hiện từ 01/2020 và đã kết nối liên thông, đồng bộ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia... qua đó người dân nói chung và người dân vùng DTTS nói riêng được phục vụ.

Phát triển kết cấu hạ tầng viễn thông, mạng lưới bưu chính đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của đồng bào DTTS

Một kết quả nổi bật khác, hiện nay mạng lưới viễn thông của tỉnh Vĩnh Phúc đảm bảo phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã đầu tư chú trọng vào chất lượng dịch vụ, bên cạnh đó không ngừng cung cấp các dịch tiện ích cho khách hàng đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Theo thống kê về hạ tầng mạng lưới, dịch vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp hoạt động bưu chính; mạng lưới phục vụ ổn định, rộng khắp toàn tỉnh trong đó có 40 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc và miền núi với tổng số 144 bưu cục, điểm phục vụ, bán kính phục vụ bình quân 1,7km/điểm, số dân phục vụ bình quân khoảng 7.000 người/điểm, đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ bưu chính công ích. Địa phương cũng tăng cường sử dụng dịch vụ bưu chính nhằm bảo đảm an toàn thông tin, khảo sát, điều tra sản lượng và giá cước bình quân đối với dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí trên địa bàn tỉnh...

Đặc biệt, về hạ tầng mạng lưới, dịch vụ viễn thông, hạ tầng truyền dẫn trên địa bàn tinh đã được cáp quang hóa 100%, tạo ra tính tuyệt đối về băng thông, tốc độ, chất lượng. Doanh nghiệp đã phát triển hạ tầng mạng lưới đến các xã vùng DTTS và miền núi vùng khó khăn của tỉnh đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân.

Chưa kể, cáp quang đã được kết nối đến tất cả các xã, phường, thị trấn, thôn, làng, bản trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 10/3/2021, toàn tỉnh có 2.675 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G toàn tỉnh đạt 100%, đã triển khai lắp đặt thử nghiệm 02 trạm 5G của Viettel, phát sóng 5G vào tháng 3/2021; 1.181.625 thuê bao điện thoại di động, trong đó 908,460 thuê bao sử dụng điện thoại thông minh; 198.446 thuê bao Internet băng rộng cố định và 760.565 thuê bao Internet băng rộng di động, tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng cố định là 64,5 %.

Ngoài những kết quả nổi bật nói trên về ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS, tỉnh Vĩnh Phúc cũng triển khai tốt các công tác: đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về việc ứng dụng CNTT cho đồng bào DTTS và xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo để thực hiện Đề án theo Quyết định 414/QĐ của Thủ tướng Chính phủ...

Tỉnh Vĩnh Phúc thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc gặp phải như: trình độ, năng lực, kỹ năng về CNTT và truyền thông của một bộ phận cán bộ làm công tác dân tộc cấp huyện, xã và đặc biệt là người dân vùng đồng bào DTTS vả miền núi còn hạn chế; việc xây dựng, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn vùng đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn; chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng CNTT phục vụ lao động, sản xuất.

Do vậy, tỉnh trung du miền Bắc Việt Nam đề nghị Ủy ban Dân tộc có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc phù hợp, đồng bộ, thống nhất. Đồng thời, thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ theo dõi tham mưu triển khai thực hiện ứng dụng CNTT của Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO