Điện Biên tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS

T.H | 12/11/2021, 15:26

Trong những năm gần đây, tỉnh Điện Biên đã tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho người dân, đặc biệt là công tác hỗ trợ người dân vùng DTTS phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự

Đẩy mạnh CĐS, tập trung ứng dụng CNTT toàn diện và hiệu quả

Thực hiện "Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" theo Quyết định số 749/QÐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát triển chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính phủ số, đô thị thông minh và nền kinh tế số

UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 8 lĩnh vực được xác định ưu tiên chuyển đổi số, gồm: Y tế; giáo dục; tài chính - ngân hàng; nông nghiệp; giao thông vận tải và logistics; năng lượng; tài nguyên môi trường; sản xuất công nghiệp.

Kết quả thực hiện về phát triển hạ tầng, nền tảng chuyển đổi số, về hạ tầng mạng băng rộng, kết nối Internet cho các cơ quan Nhà nước và các khu vực dân cư với 69% cơ quan Đảng, Nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã đã kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; 80% khu vực dân cư sinh sống, làm việc (thôn, bản, tổ dân phố) được kết nối Internet băng rộng cố định (cáp quang); 97,7% thôn/bản đã được phủ sóng điện thoại di động; 75% khu vực dân cư sinh sống, làm việc (thôn, bản, tổ dân phố) được phủ sóng thông tin di động mạng 3G, 4G, 5G; 31% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định (cáp quang); Số thuê bao điện thoại di động 67 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong các cơ quan Đảng và Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt trên 90%.

Đến nay, Điện Biên đã xây dựng nền tảng chia sẻ và tích hợp dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) làm nền tảng phục vụ việc phát triển ứng dụng dịch vụ Chính quyền điện tử và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Quốc gia (NGSP) để khai thác các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương.

Trên địa bàn tỉnh hiện đang ứng dụng các hình thức thanh toán trực tuyến qua thẻ, thanh toán qua Internet banking, Mobile banking, ATM/POS... trên nền tảng Core banking. Với 31 máy ATM được lắp đặt tại thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng, huyện Mường Nhé, huyện Tuần Giáo; huyện Tủa Chùa và thị xã Mường Lay và 111 máy POS (máy quẹt thẻ). Tỉnh đã đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tập trung trước hết cho lĩnh vực Y tế - Giáo dục.

Về kết quả CĐS trong lĩnh vực khám chữa bệnh: 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện (HIS); 04 Bệnh viện tuyến tỉnh, 10 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thực hiện triển khai phần mềm chuẩn đoán hình ảnh (PACS/RIS), phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS). 50% đơn vị triển khai hệ thống khám bệnh, chữa bệnh từ xa (TELEMEDICINE). 80% đơn vị có hệ thống giao ban trực tuyến.

Trong lĩnh vực du lịch đã ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống tái hiện 3D Di tích lịch sử đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ; thực hiện số hóa hiện vật; xây dựng trang thông tin điện tử, sử dụng các mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch Điện Biên nhằm hỗ trợ phát triển và quảng bá du lịch tỉnh Điện Biên…

Phát triển Chính phủ số với hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh kết nối liên thông vào Trục liên thông văn bản Quốc gia với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Tổng số chứng thư số chuyên dùng Ban cơ yếu Chính phủ đã cấp phát cho tỉnh Điện Biên là khoảng 2.300 chứng thư số cho tổ chức và chữ ký số cá nhân; 100% cơ quan, đơn vị các cấp triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 90%.

Hệ thống phần mềm một cửa điện tử thống nhất, tập trung toàn tỉnh đã được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước các cấp tỉnh, huyện, xã; kết nối tích hợp với Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong.dienbien.gov.vn để đăng tải công khai kết quả giải quyết TTHC và cung cấp Dịch vụ công trực tuyến với 1.727 TTHC, trong đó: cung cấp 230 Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 399 Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Thực hiện tích hợp 409 dịch vụ công mức độ 3, 4 của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đạt tỷ lệ 65%. Việc triển khai thực hiện gửi nhận TTHC qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn…

Điện Biên tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS - Ảnh 1.

Công chức bộ phận một cửa xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Tích cực ứng dụng CNTT hỗ trợ DTTS

Trong thời gian qua việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Điện Biên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Cụ thể, trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã đầu tư hiện đại hóa hệ thống đài truyền thanh cấp xã, hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở hiệu quả hơn.

Nhờ đó đồng bào DTTS đã tiếp cận được với các nguồn thông tin chính thống nhanh chóng, hiệu quả, có độ phủ rộng hơn, giúp bà con có nhận thức đúng về chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần đẩy lùi các thông tin xấu của các thế lực phản động gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng DTTS.

Đối với việc xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tác nghiệp chuyên ngành tại các Sở, ban, ngành, tỉnh triển khai xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu thông tin kinh tế - xã hội nhằm chuẩn hóa quy trình thu thập, xử lý, lưu trữ, cung cấp thông tin chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đồng bộ, thống nhất, chính xác, hiệu quả, tiết kiệm; phục vụ sự chỉ đạo điều hành của tỉnh, khai thác dữ liệu của các cấp, các ngành.

Đồng thời, đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng trang thiết bị CNTT đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông đa chiều cho các cơ quan nhà nước, phục vụ hiệu quả nhu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Đảm bảo kết nối đồng bộ, thông suốt và có khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin đảm bảo an toàn, thuận tiện giữa Ủy ban Dân tộc và cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.

Hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các cơ quan Nhà nước tỉnh Điện Biên cũng đã được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng CNTT. 100% cơ quan Nhà nước từ cấp huyện trở lên được kết nối mạng nội bộ (LAN), mạng số liệu chuyên dùng và mạng Internet băng thông rộng; 100% xã được kết nối Internet. Tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt trên 84%.

Hệ thống giao ban trực tuyến của tỉnh đã được nâng cấp kết nối với 10 huyện, thị xã, thành phố và một số xã trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm các điều kiện về kỹ thuật cho 100% các cuộc họp trực tuyến của UBND tỉnh với Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và với UBND các huyện, thị xã, thành phố. Việc tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được đẩy mạnh; đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Thông qua Cổng Dịch vụ công, người dân sử dụng dịch vụ và cán bộ cơ quan Nhà nước có thể truy cập thực hiện giải quyết các Thủ tục hành chính bằng phương thức trực tuyến, góp phần thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn lây nhiễm, phòng chống dịch bệnh COVID - 19.

Nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo các xã, Trưởng thôn, người có uy tín, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các xã vùng DTTS và miền núi, tỉnh đã lồng ghép tập huấn, tuyên truyền công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tổ chức cung cấp, phổ cập các kiến thức về CNTT; hỗ trợ người có uy tín ứng dụng CNTT để tuyên truyền cho đồng bào DTTS.

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân hưởng ứng việc sử dụng các ứng dụng CNTT trong việc góp ý, đánh giá hiệu quả thực thi các chính sách, pháp luật và trao đổi thông tin tương tác hai chiều giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước. Hỗ trợ đồng bào DTTS tìm kiếm, sử dụng các Dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 do các cơ quan nhà nước cung cấp…

Có thể thấy, việc ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã và đang tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chủ động phòng chống các tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO