Việt Nam không nhất thiết đi sau trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số

06/06/2022, 10:09

Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng" là một trong những nội dung quan trọng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư diễn ra ngày 5/6 tại TP.HCM.

Việt Nam không nhất thiết đi sau trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số - Ảnh 1.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển. Ảnh: B.D

Chuyển đổi số là chìa khóa xây dựng chuỗi cung ứng

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, với đặc điểm nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, những thách thức từ môi trường kinh tế quốc tế có thể ảnh hưởng nhanh, mạnh và khó đoán định tới việc thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030.

"Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số giúp thúc đẩy xây dựng và phát triển nền kinh tế sáng tạo, tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đa dạng hóa chuỗi cung ứng chính là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, có khả năng thích ứng cao trước những biến động lớn của kinh tế thế giới và khu vực, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu", ông Nguyễn Đức Hiển nói.

Về đổi mới công nghệ, năm 2020, nhà nước đã cấp 4.319 bằng độc quyền sáng chế; 18.197 công bố quốc tế; tỷ lệ chi cho nghiên cứu triển khai khu vực ngoài nhà nước tăng lên đạt 40,07%, khu vực FDI 12,87%, khu vực nhà nước 47,05%. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã huy động được gần 800 tỷ đồng từ doanh nghiệp cho các dự án đang thực hiện. Bên cạnh đó còn có thể kể đến chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2021 với mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%-20%/năm.

Về chuyển đổi số, tính đến hết quý I/2022, đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương thành lập Ban Chỉ đạo; 55/63 địa phương đã ban hành nghị quyết, chỉ thị, văn bản của các tỉnh ủy, thành ủy về chuyển đổi số; 59/63 địa phương và 19/22 bộ, ngành ban hành chương trình, kế hoạch, đề án về chuyển đổi số giai đoạn 5 năm.

Về đa dạng chuỗi cung ứng, Việt Nam đã tham gia và ký kết 17 hiệp định FTAs với các đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới, trong đó có nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, RCEP, EVFTA. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng tham gia có hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất khu vực và toàn cầu, liên tục mở rộng thị trường đầu ra và đầu vào cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Nền kinh tế có độ mở lớn nhưng thiếu bền vững

Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo kết quả phân tích I-O, nhóm ngành hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ có mức lan tỏa và độ nhạy thấp hơn mức bình quân chung khá nhiều. Bên cạnh đó, hiệu quả đổi mới công nghệ chỉ đóng góp khiêm tốn ở mức 28,44% trong TFP giai đoạn 2016-2018; tỷ lệ cấp bằng độc quyền sáng chế cho người Việt Nam rất thấp, năm cao nhất (2018) chỉ đạt 9,2% tổng số bằng được cấp tại Việt Nam.

Việt Nam không nhất thiết đi sau trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số - Ảnh 3.

Chuyển đổi số là chìa khoá xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Ảnh minh họa

"Đến nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với sự đồng bộ của các khâu nguồn cung khoa học – công nghệ của khối đại học và viện nghiên cứu, khả năng áp dụng và năng lực đầu tư cho khoa học – công nghệ của khối doanh nghiệp và hệ thống quản lý, chính sách của nhà nước.

Chuyển đổi số trong các ngành sản xuất còn chậm; còn thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả về chuyển đổi số, cơ chế đột phá đa dạng hóa chuỗi cung ứng để doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số chưa nhiều. Nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập cao nhưng lại chỉ tập trung vào một số ít thị trường dẫn đến phụ thuộc và thiếu bền vững", ông Hiển nhìn nhận.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng nhận định, tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng đại dịch Covid-19 đã tác động tới nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. "Điều này đã buộc các doanh nghiệp phải tổ chức lại chuỗi cung ứng, đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới thông qua việc ứng dụng các thành tựu vượt bậc của công nghệ số", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định.

Theo đó, gián đoạn chuỗi cung ứng đã thúc đẩy quá trình dịch chuyển đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài và đẩy nhanh quá trình đổi mới, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số đối với các hoạt động sản xuất và kinh doanh của cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Việt Nam không nhất thiết đi sau trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số - Ảnh 4.

Chuyển đổi số là một trong ba chủ đề chính tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Ảnh: B.D

Cụ thể hơn xu hướng này, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: Tương lai của chuỗi cung ứng là số hóa và tự vận hành. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy một số xu hướng đã có từ trước diễn ra nhanh hơn, trong đó dễ nhận thấy nhất là xu hướng tự động hóa, robot hóa, và chuyển đổi số.

Xu hướng này hứa hẹn những lợi ích vô cùng lớn đối với các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày - những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dù vậy cũng là thách thức không nhỏ bởi sự thiếu thông tin và hiểu biết đúng đắn về chuyển đổi số trong sản xuất, cũng như thiếu nguồn lực để thực hiện.

Ông Hoàn cho rằng, việc đơn thuần áp dụng các công nghệ số trong nhà máy không đồng nghĩa với việc sẽ hình thành nên chuỗi cung ứng số và tự vận hành, nó đòi hỏi có sự kết nối xuyên suốt mọi hoạt động diễn ra bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, từ việc lập kế hoạch cho đến kế hoạch thu mua, hoạt động sản xuất và logistics.

"Dù là nước đang phát triển, Việt Nam không nhất thiết sẽ đi sau trong tiến trình đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng", ông Hiển khẳng định. Theo ông, cần thay đổi cơ chế về tài chính cho khoa học công nghệ, cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ khoa học công nghệ trích lập tại doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, bởi thống kê hiện chỉ có 0,1% doanh nghiệp trích lập quỹ này.

Kiến nghị chính sách đổi mới sáng tạo, xem xét hình thành Luật về đổi mới sáng tạo, cơ chế cho doanh nghiệp dễ dàng thương mại hoá sản phẩm khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, tăng chi cho khoa học công nghệ và năng lực nghiên cứu phát triển. Đặc biệt, coi doanh nghiệp là trọng tâm của đổi mới công nghệ và chuyển đổi số.

Về chuỗi cung ứng, theo ông Hiển, khu vực hóa thay vì toàn cầu hóa... là những xu hướng mà Việt Nam cần xem xét để có điều chỉnh phù hợp. Cần thúc đẩy mọi hình thức liên kết theo "mạng cung ứng". Đặc biệt, chính sách thu hút FDI cần được cụ thể hóa và thay đổi những hình thức hỗ trợ.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO