Diễn đàn cao cấp chuyển đổi số Việt Nam châu Á 2022 do Bộ TT-TT, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức đã khai mạc sáng nay, 25.5.
Diễn đàn cao cấp chuyển đổi số Việt Nam khai mạc sáng 25.5 Song hà |
Theo số liệu của Google và Temasek, nền kinh tế internet Việt Nam đạt trị giá 21 tỉ USD vào năm 2021 và đóng góp hơn 5% GDP cả nước. Các nghiên cứu cho thấy, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam cao gấp 7 lần so với 2015 và dự kiến đạt hơn 57 tỉ USD vào 2025, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy bức tranh chi tiết hơn. Năm 2021, ước tính kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỉ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước, trong đó cấu phần kinh tế số CNTT và viễn thông đạt 126 tỉ USD, chiếm 5,5% GDP, kinh tế số internet/nền tảng đạt 14 tỉ USD, chiếm 1% GDP và kinh tế số ngành/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỉ USD, chiếm 1,7% GDP.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, kinh tế số đang có nhiều đóng góp quan trọng vào nền kinh tế toàn cầu nói chung và ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
"Việt Nam đang đứng trước cơ hội thúc đẩy nền kinh tế internet, nhất là các nền tảng chuyển đổi số”, ông Khoa nói.
Mục tiêu Chính phủ đặt ra là kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025, trong đó tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực phải đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, con số tương ứng là 30% GDP và tỷ trọng trong từng lĩnh vực là 20%.
Phát biểu tại phiên khai mạc, các chuyên gia quốc tế đánh giá cao cơ hội của Việt Nam trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Theo ông David Wong Chủ tịch ASOCIO, châu Á chiếm 60% người dùng internet toàn cầu và thương mại điện tử khu vực đã tăng gần gấp đôi. Chuyển đổi số đã thay đổi khu vực châu Á và tạo ra các "thế hệ" mới.
"Việt Nam cũng đang trong vị thế chưa từng thấy để đón nhận được các cơ hội tuyệt vời khi có thế hệ mới tài năng cũng như khát khao để hội nhập với thế giới", ông David Wong đánh giá.
Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ phó Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT-TT), Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số Việt Nam đặt ra mục tiêu đưa các hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số. Chiến lược được xây dựng trên cơ sở tham khảo quốc tế một cách có chọn lọc, kết hợp với thực tiễn Việt Nam để xác định tường minh khái niệm về kinh tế số và xã hội số.