Những nền móng đầu tiên
Thông tin từ Vụ Thư viện cho biết, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 23/7/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng 2030” của Bộ.
Theo đó, Vụ Thư viện chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 206/QĐ-Ttg ngày 11/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong giai đoạn 2021-2025 tập trung hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số ngành thư viện; giai đoạn 2025-2030 tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, dữ liệu số ngành thư viện ở giai đoạn 2021-2025, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình, chuẩn bị liên thông ở mọi loại hình thư viện. Đến nay, đã có Bộ Công an và 32 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch về chuyển đổi số ngành thư viện.
Vụ Thư viện cũng đã thực hiện các nhiệm vụ triển khai phục vụ chuyển đổi số và quản lý ngành thư viện về chuyển đổi số, bao gồm xây dựng trang thông tin điện thử quản lý hoạt động thư viện; điều tra, khảo sát các thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành về nguồn lực thư viện phục vụ chuyển đổi số; truyền thông về chuyển đổi số và kết nối liên thông thư viện; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về thư viện; tổ chức hội thảo-tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số, quản trị thư viện số theo hình thức trực tuyến dành cho hệ thống thư viện tỉnh/thành phố trên cả nước, với hơn 600 đại biểu của 61 thư viện tỉnh/thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng một số thư viện trường đại học, thư viện chuyên ngành tham gia.
Báo cáo của đại diện Thư viện Quốc gia cho biết, bước đầu đã có những hệ thống dùng chung tài nguyên thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực thư viện.
Trước hết, Trung tâm tri thức số của Trung tâm thư viện - Tri thức số (VNU-LIC) liên thông với các thư viện số của các trường đại học, học viện toàn quốc. Hệ thống này kết nối và tích hợp dữ liệu thư mục của nhiều thư viện số độc lập thành một hệ thống thống nhất, liên thông dữ liệu thông qua hệ thống tìm kiếm tập trung.
Hệ thống Thư viện Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh liên kết các thư viện của các đơn vị thành viên trong Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, liên kết, chia sẻ dữ liệu thư mục, dữ liệu số cho các thư viện thành viên của hệ thống.
Hệ thống Thư viện trung tâm-chi nhánh của Viện Thông tin Khoa học-Xã hội, bao gồm thư viện trung tâm và 32 viện thành viên thuộc 3 miền đất nước. Các đơn vị trong hệ thống chia sẻ và dùng chung dữ liệu biểu ghi thư mục.
Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng cũng đã có một số biên bản về hợp tác, chia sẻ, liên thông thư viện như Thư viện Tạ Quang Bửu (Đại học Bách khoa Hà Nội), Thư viện Công an nhân dân, Trung tâm số Đại học Thái Nguyên, Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân, Liên chi hội Thư viện Đại học khu vực phía bắc…
Phía nam có hợp tác liên thông và chia sẻ thông tin giữa Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Trường Cao đẳng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương…
Những khó khăn, thách thức
Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi số và liên thông thư viện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả khảo sát của Thư viện Quốc gia năm 2021 cho thấy, những khó khăn nằm ở các lĩnh vực cụ thể như hạ tầng, tài nguyên thông tin số, phần mềm chuyên ngành và cả nhận thức của nhiều địa phương, ban, ngành…
Cụ thể, về hạ tầng trang thiết bị cho việc số hóa tài liệu, còn thiếu nghiêm trọng nguồn tài nguyên thông tin số tại các thư viện, chỉ một số thư viện lớn được trang bị các loại máy scanner chuyên dụng. Phần lớn các thư viện được trang bị rất ít máy scanner, thậm chí có thư viện còn chưa được trang bị các thiết bị số hóa, đặc biệt là tại các thư viện công cộng…
Về phần mềm chuyên ngành, các thư viện cả nước dùng nhiều loại phần mềm khác nhau để quản trị thư viện điện tử, thư viện số, trong đó có rất ít phần mềm đạt chuẩn, ảnh hưởng lớn đến khả năng liên thông, tích hợp, chia sẻ tài nguyên thông tin dùng chung cho các loại hình thư viện.
Về nguồn tài nguyên thông tin dạng số, phần lớn các thư viện cả nước đã phát triển cơ sở dữ liệu thư mục, tuy nhiên, việc chia sẻ dạng tài nguyên thông tin này cho các thư viện khác rất hạn chế, do nhiều nguyên nhân. Số lượng tài liệu dạng này cũng còn hạn chế. Dữ liệu, phần mềm nghiệp vụ của các thư viện cũng không đồng nhất, gây khó khăn cho việc chia sẻ, trao đổi thông tin, liên thông giữa các thư viện…
Nguồn kinh phí cũng như nhân lực dành cho công tác số hóa tài liệu tại các thư viện còn hạn hẹp, thiếu và yếu. Khảo sát của Thư viện Quốc gia cũng chỉ ra rằng, có tới 96% thư viện có nhu cầu đào tạo hoặc đào tạo lại kiến thức công nghệ thông tin. Con số thống kê này ở các khối thư viện chuyên ngành, quân đội, công an… đều cao.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 thực hiện chuyển đổi số, liên thông với mọi loại hình thư viện, chắc chắn ngành thư viện còn phải vượt qua nhiều thách thức, khó khăn.