Vi phạm trong lĩnh vực an ninh mạng: Đề xuất mức phạt nặng để răn đe

01/10/2021, 10:08

Bộ Công an đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng. Trong đó, đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất áp dụng mức phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi mua bán dữ liệu cá nhân trên 10.000 chủ thể dữ liệu, đồng thời, tăng mức xử phạt thông tin sai sự thật.

Phạt nặng hành vi mua bán dữ liệu cá nhân

Theo Tờ trình Dự thảo Nghị định của Bộ Công an, các hành vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng chưa được xác định cụ thể; nhiều hành vi được quy định rải rác trong các văn bản xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực khác nhau, một số chưa có cách áp dụng thống nhất hoặc chưa được đồng thuận trong thực tiễn. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng được quy định trong Luật An ninh mạng và một số văn bản hướng dẫn thi hành nhưng chưa có chế tài xử phạt.

Để có cơ sở xử lý các vi phạm, Dự thảo quy định về các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh thông tin; vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; vi phạm quy định về phòng, chống tấn công mạng; vi phạm quy định về triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; vi phạm quy định về phòng, chống sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự kinh tế, trật tự xã hội.

Vi phạm trong lĩnh vực an ninh mạng: Đề xuất mức phạt nặng để răn đe
Một cá nhân bị xử phạt vì có hành vi tung tin sai sự thật trên Facebook. (Ảnh: Sở TTTT Hà Nội)

Theo Bộ Công an, an ninh thông tin, an ninh dữ liệu đã được quan tâm nhưng chưa có chế tài xử lý. Dữ liệu thông tin cá nhân bị sử dụng, đánh cắp, công khai, trao đổi, rao bán nhằm trục lợi, chào mời khách hàng sử dụng các loại hình dịch vụ. Thông tin cá nhân người sử dụng các ứng dụng, dịch vụ trên không gian mạng đang bị thu thập, khai thác, sử dụng công khai bởi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số, thương mại điện tử, nhiều ứng dụng lưu trữ dữ liệu tại nước ngoài. Đây là những hành vi cần có mức xử phạt để tăng hiệu lực của pháp luật, tăng sức răn đe, ngăn ngừa tội phạm.

Chị Trần Thu Hương (trú tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) bức xúc vì thường xuyên nhận được tin nhắn, cuộc gọi mời chào đủ các loại dịch vụ từ học thêm cho con đến chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, mua bất động sản, tham gia chứng khoán, mua tour du lịch, mở thẻ tín dụng... Trong khi đó, bản thân chị khá cẩn thận khi cung cấp thông tin cá nhân, không để số điện thoại trên mạng xã hội Facebook hay Zalo...

“Tôi nghĩ nhiều người cũng như tôi, không hiểu vì sao các sàn giao dịch bất động sản, chứng khoán, spa, trung tâm gia sư, trung tâm Anh ngữ... lại có được số điện thoại, tên, thậm chí biết cả con tôi tên gì, học lớp mấy để mời chào các loại dịch vụ. Rõ ràng, dữ liệu thông tin cá nhân của người dân đã bị sử dụng không đúng quy định, bị trao đổi, rao bán nhằm trục lợi. Tôi nghĩ cần xử phạt thật nặng các hành vi này để răn đe”, chị Hương nói.

Liên quan đến nội dung này, Dự thảo Nghị định đã dành riêng Mục 2 với 17 điều (từ Điều 14 đến Điều 30) để quy định xử phạt vi phạm trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó đề xuất áp dụng mức phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi mua bán dữ liệu cá nhân trên 10.000 chủ thể dữ liệu…

Tăng nặng mức phạt với hành vi phát tán thông tin sai sự thật

Tính đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép hoạt động cho 455 mạng xã hội trong nước. Đáng nói, một số mạng xã hội bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, bảo mật, kiểm duyệt, kiểm soát thông tin công cộng, để cho người dùng đăng tải thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hiện có khoảng 200 trang thông tin điện tử không phép, đăng ký “ẩn danh”, máy chủ đặt tại nước ngoài hoạt động như tờ báo tư nhân trá hình, mạo danh các cơ quan, tổ chức trong nước đăng tải thông tin không chính thống từ nhiều nguồn, tin giả, tin sai sự thật.

Theo Dự thảo Nghị định, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng là 1 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, cung cấp, khai thác, xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm.

Bên cạnh đó, nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội có lượng thành viên lớn, đăng các bài viết bịa đặt, bình luận tiêu cực về các vấn đề chính trị, xã hội, sự kiện “nóng” trong nước, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc tin tức “giật gân”. Trong khi đó, hoạt động tán phát thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật vẫn diễn ra thường xuyên trên các nền tảng dịch vụ của Facebook, Youtube...

Trong điều kiện nhiều thông tin trên mạng xã hội còn thiếu kiểm chứng, không an toàn, trong khi học sinh phải học online cũng khiến không ít cha mẹ học sinh lo ngại. Là một giáo viên, chị Nguyễn Thùy Dung (trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) mong muốn, cơ quan chức năng có các biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm, để đảm bảo cho học sinh học trực tuyến an toàn, hiệu quả, sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh, hạn chế được những tác động tiêu cực. Qua đó, giúp các em học sinh tránh được hiện tượng bắt nạt trực tuyến và bạo lực học đường hay các hệ lụy khác từ mạng xã hội... và có ứng xử ngày càng văn minh trên mạng xã hội.

Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, các hành vi: “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” có mức phạt 10-20 triệu đồng. Trong Dự thảo Nghị định, Bộ Công an đề xuất tăng nặng hơn, cụ thể phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Phát tán, tàng trữ thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Mức phạt trên cũng được áp dụng cho các hành vi phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; phát tán, tàng trữ thông tin xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; giả mạo trang thông tin điện tử, mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo cũng quy định hành vi “thiết lập các trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoặc tài khoản, chuyên trang trên mạng xã hội, diễn đàn điện tử để đăng tải, hướng dẫn thực hiện việc làm ra, đăng tải thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm, làm nhục, vu khống, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” với khung phạt từ 40-60 triệu đồng.

Hiện nay, có hai hình thức xử phạt chính được áp dụng với hành vi vi phạm an ninh mạng là cảnh cáo và phạt tiền. Tuy nhiên, anh Nguyễn Quốc Hoàn (trú tại phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, với đặc thù của an ninh mạng, cần áp dụng thêm một số hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả. “Dự thảo đã đề xuất một số biện pháp bổ sung, khắc phục hậu quả được như: Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; buộc gỡ bỏ chương trình, phần mềm; buộc xóa dữ liệu bị chiếm đoạt, mua bán, trao đổi trái phép; buộc hoàn trả địa chỉ IP, ASN, tên miền, tài khoản số… Tôi cho rằng yêu cầu các bên vi phạm phải khắc phục hậu quả như trên là rất cần thiết, đây sẽ là các biện pháp phù hợp, hiệu quả để góp phần xử lý nghiêm các vi phạm về an ninh mạng”, anh Hoàn nói.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội, các mức xử phạt hành chính cần được xây dựng phù hợp, cân xứng với điều kiện thực tiễn. Đặc biệt, bên cạnh việc xây dựng các hành lang pháp lý phù hợp, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành./.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO