Parag Agrawal (Twitter), Sundar Pichai (Alphabet), Shantanu Narayen (Adobe), Nikesh Arora (Micron Technology), Vinod Khosla (Sun Microsystems) chỉ là vài cái tên trong số rất nhiều người Ấn đang nắm giữ các vị trí quan trọng tại thung lũng Silicon.
Xét theo tiêu chuẩn toàn cầu, Viện nghiên cứu công nghệ Ấn Độ (IIT) với 23 phân viện trên toàn đất nước, đang tụt hạng trên bảng xếp hạng học thuật đại học (QS World University Ranking). Năm 2021, IIT tại Bombay đứng đầu trong số tất cả các cơ sở giáo dục tại Ấn Độ, xếp thứ 177/200 trường đại học hàng đầu thế giới, theo bảng xếp hạng của QS. Trong khi đó, Viện công nghệ Massachusetts (MIT) ở vị trí dẫn đầu.
IIT ghi ấn tượng với nhà tuyển dụng khi đạt điểm số 70/100, nhưng lại có hạn chế là thiếu sinh viên, đội ngũ giảng viên quốc tế. Giám đốc IIT Delhi, ông V. Ramgopal Rao giải thích lý do có quá ít sinh viên quốc tế theo học tại các cơ sở IIT là do người nước ngoài khó có thể vượt qua cái mà ông cho là “kỳ thi tuyển sinh khó nhất hành tinh”.
Dù tổ chức các kỳ thi đầu vào tại những trung tâm như Dubai và Singapore, sinh viên nước ngoài “có bất lợi lớn khi không theo học tại Ấn Độ và hoàn thành chương trình giảng dạy nghiêm ngặt”, ông Rao cho biết. Thực tế, IIT Delhi chỉ có duy nhất một học sinh nước ngoài vượt qua kỳ thi đầu vào, đó là một sinh viên Hàn Quốc từng theo học trung học tại Ấn Độ.
Trong khi đó, việc thiếu đội ngũ giảng viên quốc tế là do mức lương quá thấp tại các cơ sở do chính phủ tài trợ. Giám đốc IIT Delhi chỉ kiếm được 60.000 USD/năm trong khi con số trả cho vị trí tương đương tại MIT là 1,25 triệu USD (năm 2018). Vị trí trợ giảng tại IIT được trả mức lương 25.000 USD/năm.
Mặc dù vậy, Chetan Bhagat, một tiểu thuyết gia Ấn Độ từng tốt nghiệp IIT, cho biết: “thương hiệu của trường vẫn có thể giúp bản lý lịch xin việc trở nên hoàn hảo”.
Các nhà tuyển dụng hàng đầu 2021 đến từ Microsoft, Qualcomm, Google, Airbus và Amazon đang tìm kiếm các kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật phần mềm, R&D (nghiên cứu và phát triển), phân tích tài chính, khoa học dữ liệu cũng như các lĩnh vực khác. Cũng trong năm nay, một sinh viên 22 tuổi vừa tốt nghiệp kỹ sư công nghệ phần mềm tại IIT đã được Uber đề nghị mức lương 263.000 USD/năm.
Kỳ thi đầu vào “siêu khó”
Một trong những yếu tố khiến sinh viên tốt nghiệp IIT luôn được săn đón, đó là kỳ thi tuyển sinh đầu vào cực khó của trường nhằm phân loại và chỉ giữ lại những người thông minh nhất. Chương trình đào tạo tại đây tập trung vào việc xây dựng nền tảng toán học vững chắc “giúp phát triển các kỹ năng phân tích của học sinh”, ông Rao chia sẻ. Học sinh được rèn luyện cách tư duy, áp dụng lý thuyết vào thực tế cũng như kỹ năng làm việc nhóm.
Các bậc phụ huynh tham vọng thường đặt mục tiêu đỗ IIT cho con trai họ (học sinh trong trường vẫn chủ yếu là nam giới mặc dù có 20% chỉ tiêu dành cho nữ). Ngay cả khi con cái họ không quan tâm tới kỹ thuật, bằng cấp của IIT cũng giúp các bạn trẻ có những cơ hội nghề nghiệp được trả lương cao.
“Hãy đặt Harvard, MIT và Princeton cùng với nhau và bạn sẽ hình dung được danh tiếng của cơ sở đào tạo này tại Ấn Độ”, Leslie Stahl, người dẫn chương trình của CBS đã thốt lên trong một chương trình về IIT năm 2003.
Vipul Singh, 32 tuổi, người từng theo học IIT và là đồng sáng lập và Giám đốc điều hành hãng máy bay không người lái Aarav Unmanned Systems, chia sẻ: “Là một thiếu niên, bạn phải quên đi cuộc sống của mình trong vòng 3-4 năm, bạn phải quên đi tất cả thế giới xung quanh cũng như các hoạt động ngoại khoá khác, nhưng bạn sẽ được đền đáp nếu vượt qua kỳ thi, vì bạn sẽ được học cùng với những người giỏi nhất”.
Năm 2020, có 1.118.673 học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh chung kéo dài 6 giờ. Trong số đó, 150.838 người lọt vào kỳ thi nâng cao và chỉ có 43.204 người đủ tiêu chuẩn đầu vào. Nhưng chưa dừng lại, nhóm học sinh cuối cùng này tiếp tục phải cạnh tranh cho 13.000 chỉ tiêu đối với các khoá học kỹ sư phần mềm, khoa học vật lý hoặc kiến trúc sư, phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể và điểm số xếp loại quốc gia.
Cạnh tranh cũng không kết thúc ngay cả khi sinh viên đã bước chân vào IIT. “Các sinh viên được xếp thành từng cặp tương đối. Và chúng tôi yêu cầu họ cạnh tranh với nhau, điều đó khiến họ trở thành người giỏi nhất trong bất kỳ công việc gì mà họ làm”, Giám đốc IIT Delhi cho biết. “Không dễ gì trở thành sinh viên IIT, và còn khó khăn hơn nữa để tồn tại với chương trình đào tạo khắc nghiệt như vậy, nhưng nếu bạn hỏi những người đã từng vượt qua, mọi thứ sau đó sẽ chỉ như một con đường bánh ngọt”.
Tất nhiên áp lực học tập và mong muốn đạt điểm cao làm vui lòng cha mẹ cũng có thể tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần của học sinh. Ông Rao nói: “Chúng tôi có nhiều quy trình mở rộng, nhiều chuyên gia tư vấn và xác định những người đang tụt lại phía sau để hỗ trợ họ”.
Mặc dù vậy vẫn có những chuyện không hay xảy ra. Năm 2019, Chính phủ cho biết trong 5 năm trước đó, đã có 50 sinh viên IIT tự tử. Tại Ấn Độ, áp lực thi cử và nỗi sợ thất bại dẫn đến số lượng lớn học sinh tự tử, trong giai đoạn từ năm 1995 tới 2019, đã có hơn 170.000 học sinh ở mọi lứa tuổi lựa chọn cái chết để giải thoát, theo Cục quản lý tội phạm quốc gia Ấn Độ.
Mạng lưới cựu sinh viên
Đầu những năm 2000, đã có một cuộc di cư khổng lồ của các tài năng IIT sang Mỹ, đặc biệt là tới thung lũng Silicon, hiện tượng được coi là “chảy máu chất xám” đáng lo ngại với Ấn Độ.
Tuy nhiên, giờ đây các sinh viên tốt nghiệp IIT có nhiều khả năng ở lại quê hương hơn khi số lượng các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Ấn Độ tăng vọt. Ông Rao cho biết, 20 năm trước có tới “80% cử nhân công nghệ thường chọn ra nước ngoài, nhưng hiện nay, chưa tới 200 trên tổng số 10.000 sinh viên tốt nghiệp tìm việc làm ở nước ngoài”.
Kunal Bahl, đồng sáp lập công ty thương mại điện tử Snapdeal, cho biết tính tới tháng 9, tại Ấn Độ có 4.079 start-up do sinh viên IIT thành lập, trong đó 593 ý tưởng của các sinh viên tốt nghiệp IIT Delhi và 529 dự án của IIT Bombay.
Theo công ty phần mềm kế toán Sage của Anh, IIT xếp hạng thứ 4 trên toàn cầu về cơ sở đào tạo có các sinh viên tạo ra “kỳ lân” (các công ty khởi nghiệp trị giá hơn 1 tỷ USD).
Những sinh viên muốn khởi nghiệp đều tìm được sự hỗ trợ thông qua những người đi trước tại IIT.
“Mạng lưới cựu sinh viên của IIT rất mạnh, họ đến và cố vấn, họ là đầu mối liên hệ cũng như mang đến các kiến thức thực tế cho sinh viên”, Aarav Singh của Unmanned Systems cho biết. Một số sinh viên thành công trở thành “nhà đầu tư thiên thần” rót vốn cho dự án của các sinh viên IIT khác.
Một nhà đầu tư từng tốt nghiệp IIT tiết lộ, “làm việc với người cũng theo học tại IIT nghĩa là chúng tôi nói cùng một ngôn ngữ”. Nhà đầu tư giấu tên này đã rót vốn cho 6 công ty khởi nghiệp có sự tham gia của các cựu sinh viên IIT.
Giám đốc IIT Delhi cũng cho hay, các cựu sinh viên đã đóng góp rất nhiều cho ngôi trường họ từng theo học. “Chỉ trong 3 tháng, chúng tôi (IIT Delhi) đã nhận được cam kết đầu tư 12-13 triệu USD. Đó là kiểu kết nối chúng tôi có. Các cựu sinh viên không chỉ quay lại đóng góp kinh nghiệm mà còn cả gây quỹ nữa”.
“Tất cả những điều này đã tạo nên không khí rất sôi động tại đây”, ông Rao khẳng định.
Vinh Ngô(Theo SCMP)