Bài viết cho biết sau tác động của đại dịch COVID-19 đối với các chính phủ và công dân, các quốc gia trên khắp châu Phi đang xem xét về ý tưởng xây dựng chính phủ điện tử với sự quan tâm và cấp bách mới.
Trong Báo cáo Khảo sát về chính phủ điện tử mới nhất, Liên hợp quốc (LHQ) lưu ý rằng các chính phủ trên thế giới đang xem xét các sáng kiến chính phủ điện tử mới. Các sáng kiến thúc đẩy chính phủ điện tử bao gồm việc mở rộng tham gia điện tử, triển khai chính phủ điện tử như một nền tảng ứng dụng, sử dụng sáng tạo các công nghệ thông minh để cung cấp năng lượng cho các thành phố thông minh, cũng như áp dụng các phương pháp tiếp cận lấy dữ liệu làm trung tâm để cung cấp dịch vụ và chính sách của chính phủ.
Chính phủ điện tử được định nghĩa là việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để chuyển đổi các dịch vụ của chính phủ – các quy trình, thủ tục và cấu trúc – bằng cách làm cho chính phủ dễ tiếp cận, hiệu quả và có trách nhiệm hơn.
Theo LHQ, chính phủ điện tử có tiềm năng cải thiện việc cung cấp các dịch vụ công và là nhân tố thúc đẩy các thể chế công hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm giải trình.
* Sự tăng trưởng đáng khích lệ của các dịch vụ điện tử
Tất cả các khu vực trên thế giới đang đạt được tiến bộ trong việc phát triển khả năng của chính phủ điện tử, nhưng châu Phi đang cho thấy mức tăng trưởng lớn nhất. Số lượng các quốc gia thành viên LHQ ở châu Phi có giá trị chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) thấp đã giảm từ 26 vào năm 2016 xuống chỉ còn 6 vào năm 2020. Tuy nhiên, chưa có quốc gia châu Phi nào đạt mức độ giá trị EGDI “rất cao”. Để so sánh, châu Âu có 33 quốc gia có giá trị EGDI “rất cao” và châu Á có 15 nước đạt mức độ này.
Mặc dù tụt hậu so với các khu vực phát triển hơn, nhưng châu Phi có tỷ trọng lớn nhất trong số các quốc gia đã chuyển sang nhóm EGDI cao hơn trong tất cả các khu vực. Các quốc gia châu Phi có giá trị EGDI cao nhất là Mauritius, Seychelles, Nam Phi và Tunisia – tất cả đều nằm trong top 100 toàn cầu.
Khi các chính phủ ứng phó với những thách thức do đại dịch mang lại, nhiều chính phủ đang chú trọng nhiều hơn vào các dịch vụ chính phủ điện tử. Điều này được minh chứng trong các tiêu chí như tính năng cổng thông tin quốc gia được mở rộng, cải thiện các dịch vụ giao dịch trực tuyến như nộp thuế, gia hạn giấy phép và đăng ký kinh doanh, số hóa các dịch vụ trong lĩnh vực y tế, việc làm, tư pháp và bảo trợ xã hội, mở rộng các dịch vụ trực tuyến cho các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm người già, người khuyết tật, thanh niên và phụ nữ.
Từ 65% đến 70% quốc gia châu Phi cho phép công dân đăng ký kinh doanh trực tuyến, trong khi hơn một nửa cho phép công dân đăng ký tuyển dụng các vị trí trong khu vực hành chính công hoặc đề nghị cấp giấy khai sinh, khai tử hoặc kết hôn một cách trực tuyến.
Tuy nhiên, khả năng tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật số vẫn là một trở ngại đối với sự phát triển lớn hơn của chính phủ điện tử ở châu Phi. Tỷ lệ sử dụng Internet của châu lục này ước tính là 36% – tương đương 473 triệu người – và mức độ hiểu biết kỹ thuật số cũng thấp hơn tương đối so với các khu vực phát triển hơn.
* Các chính sách dữ liệu mới
Một trong những thành phần quan trọng của chính phủ điện tử là sử dụng hiệu quả dữ liệu của chính phủ. Với phần lớn dữ liệu của thế giới nằm trong tay một số ít các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và kỹ thuật số toàn cầu, các quốc gia châu Phi đã lưu ý đến tầm quan trọng của việc khai thác dữ liệu có thể được áp dụng trong việc phục vụ quá trình ra quyết định và phát triển chính sách của quốc gia và khu vực.
Là một trong những quốc gia châu Phi có trình độ kỹ thuật số phát triển nhất, Nam Phi tạo ra khối lượng dữ liệu cá nhân, công cộng, doanh nghiệp và chính phủ khổng lồ và lượng dữ liệu ngày càng tăng. Chính sách về dữ liệu và đám mây quốc gia của Nam Phi được công bố gần đây quy định cách thức chính phủ có thể sử dụng dữ liệu như một nguồn tài nguyên tốt hơn, khai thác dữ liệu đó để có thông tin chi tiết và áp dụng những thông tin chi tiết đó nhằm cải thiện cung cấp dịch vụ.
“Chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số” của Liên minh châu Phi (AU) cho thấy một cách rõ ràng ý định đảm bảo quyền sở hữu của châu lục đối với các công cụ kỹ thuật số hiện đại, nhưng chiến lược này hiện chỉ chiếm 1% trung tâm dữ liệu trên thế giới và các quốc gia châu Phi vẫn còn nhiều việc phải làm.
* Các bước đảm bào thành công cho chính phủ điện tử
LHQ tin rằng các chiến lược chuyển đổi số quốc gia toàn diện và các kế hoạch thực hiện tích hợp các ưu tiên của quốc gia với các ưu tiên của khu vực và toàn cầu là rất cần thiết. Đáng khích lệ là nhiều nước châu Phi đã có những bước đi táo bạo trong lĩnh vực này. Nigeria đã giới thiệu Hệ thống Thông tin quản lý tài chính tích hợp của chính phủ, Mauritius đang trong quá trình thành lập một học viện quản trị điện tử khu vực, Zimbabwe đã kích hoạt hệ thống quản lý tài chính khu vực công và Ethiopia đã kết nối máy tính tiền tại các cửa hàng bán lẻ trực tiếp với cơ quan thuế của nhà nước.
Được đưa ra vào năm 2013, “Sáng kiến châu Phi thông minh” đặt công nghệ thông tin vào vị trí trung tâm của phát triển kinh tế-xã hội, khuyến khích người dân tiếp cận nhiều hơn với công nghệ thông tin, nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình và hiệu quả thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin, cũng như tận dụng rộng rãi hơn công nghệ thông tin để thúc đẩy phát triển bền vững.
“Sáng kiến Chính sách và quy định cho châu Phi Kỹ thuật số” là một chương trình hợp tác giữa AU, EU và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) nhằm tạo điều kiện để truy cập băng thông rộng không dây một cách phổ biến với giá cả phải chăng và hiệu quả trên khắp lục địa, với mục tiêu cuối cùng là tăng thêm 300 triệu người châu Phi được tiếp cận trực tuyến đến năm 2025.
Khi các quốc gia trên khắp châu Phi đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số, các cơ hội mới đang được tạo ra cho các dịch vụ công hiệu quả hơn và dễ tiếp cận hơn, có thể giúp thiết lập một môi trường công bằng và thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Dựa trên thành công của những năm qua, các quốc gia châu Phi có thể thực hiện những bước đi táo bạo nhằm hướng tới khả năng cạnh tranh toàn cầu và khu vực cao hơn, đồng thời nâng cao trải nghiệm cho người dân./.