Tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đang đối mặt với phản ứng dữ dội sau khi thông tin về một nữ nhân viên bị tấn công tình dục được công khai trên mạng. Trong bài tố cáo 11 trang ban đầu được đăng trên trang web nội bộ của công ty, nữ nhân viên cho biết cô đã bị sếp nam Wang Chengwen thúc ép uống rượu quá mức trong một sự kiện với khách hàng vào cuối tháng 7 và đã bị khách hàng sàm sỡ. Đêm hôm đó, cô bị Wang tấn công tình dục. Cô gái báo cáo sự việc với quản lý cấp cao vào ngày 2/8 nhưng họ không thực hiện bất kỳ động thái nào.
Ngày 9/8, giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang cho biết công ty đã sa thải Wang, người thừa nhận có "hành vi thân mật" với nữ nhân viên khi cô say xỉn, theo một bản ghi nhớ của công ty. Hai quản lý cấp cao của công ty cũng từ chức, trong khi giám đốc nhân sự bị cảnh cáo vì không phản hồi kịp thời cáo buộc của nhân viên.
"Tập đoàn Alibaba có chính sách không khoan nhượng đối với hành vi quấy rối tình dục và đảm bảo một nơi làm việc an toàn cho tất cả nhân viên là ưu tiên hàng đầu của Alibaba", người phát ngôn của tập đoàn nhấn mạnh. Cảnh sát cũng đã mở cuộc điều tra.
Bê bối Alibaba tăng nhiệt cho phong trào #MeToo, đã bùng lại mạnh mẽ vào tháng trước khi Trung Quốc bắt ca sĩ kiêm diễn viên Ngô Diệc Phàm với cáo buộc cưỡng hiếp.
Bê bối cũng khiến nhiều người thảo luận về nạn phân biệt giới tính cố hữu tại những công ty được ngưỡng mộ nhất Trung Quốc, vấn đề mà Zhang thừa nhận trong bản ghi nhớ gửi cho Aliren (người Ali) - cách tập đoàn gọi nhân viên.
"Sự việc này thật đáng xấu hổ đối với tất cả Aliren. Chúng ta phải xây dựng lại, và chúng ta phải thay đổi. Thay đổi chỉ có thể thực hiện nếu mỗi người đều có ý thức cá nhân, nhưng điều đó phải bắt đầu từ cấp cao, bắt đầu từ tôi. Xin hãy chờ và theo dõi", Zhang viết.
Trong các cuộc thảo luận trên mạng, nhiều người chú ý đến chi tiết nữ nhân viên Alibaba kể rằng Wang đã nói với khách hàng ông ta mang một "người đẹp" đến cuộc gặp mặt. Người dùng mạng bình luận đây là minh chứng cho thấy ngành công nghệ tiếp tục tình dục hóa phụ nữ . Gần đây nhất là vào năm 2015, các công ty công nghệ Trung Quốc đã thuê các cô gái về làm "cổ động viên" để thúc đẩy tinh thần của các lập trình viên phần lớn là nam giới.
Năm 2017, video được lan truyền trên mạng cho thấy một số nhân viên nữ của Tencent dùng răng để mở chai đặt giữa chân các đồng nghiệp nam trong một trò chơi tại tiệc đêm giao thừa. Tencent đã xin lỗi và tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ hơn các sự kiện của mình.
Năm 2018, một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền chỉ trích những quảng cáo tuyển dụng phân biệt đối xử từ các công ty công nghệ Trung Quốc bao gồm Alibaba, Baidu và Tencent, khi họ hứa hẹn với ứng viên rằng họ có thể làm việc với "mỹ nữ" và "nữ thần". Các công ty công nghệ đã xin lỗi và hứa sẽ xem xét quảng cáo cẩn thận hơn trong tương lai.
Năm ngoái, Airbnb mở một cuộc điều tra sau khi các nhân viên nữ ở Trung Quốc khiếu nại với ban lãnh đạo tại Mỹ về hành vi sai trái của một lãnh đạo cấp cao, bao gồm cho điểm các nhân viên nữ dựa trên ngoại hình.
Nhiều người dùng mạng lên án văn hóa ép uống rượu của các công ty, khi các quản lý hoặc khách hàng ép nhân viên trẻ hơn hay nữ nhân viên uống rượu khi ký hợp đồng hoặc để thể hiện sự tôn trọng.
Tháng 8/2020, một nam nhân viên ngân hàng ở Bắc Kinh đã bị sếp tát vì từ chối uống rượu trong tiệc tối của doanh nghiệp. Năm 2018, một người đàn ông đã chết sau một cuộc nhậu nhẹt quá mức của công ty.
"Không cần biết cuộc điều tra của cảnh sát có mang lại bất kỳ diễn biến bất ngờ nào cho vụ Alibaba hay không, văn hóa ép uống rượu bẩn thỉu của Trung Quốc đã tồn tại hơn một thập kỷ. Hy vọng những lời chỉ trích lần này sẽ đem đến một số thay đổi", một blogger viết trên Weibo.
Kể từ khi phong trào #MeToo bắt đầu nổi lên trên toàn cầu, phụ nữ ở Trung Quốc đã lên tiếng chia sẻ những câu chuyện bị quấy rối tình dục ở trường học hoặc nơi làm việc. Trong một động thái mang tính bước ngoặt, Trung Quốc gần đây đã cho phép phụ nữ nộp đơn kiện dân sự về quấy rối tình dục và đầu năm nay, một nguyên đơn đã thắng một trong những vụ kiện dân sự đầu tiên trước một đồng nghiệp.
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về #MeToo đã bị kiểm duyệt và một số phụ nữ chia sẻ câu chuyện bị quấy rối tình dục đã phải đối mặt đơn kiện với cáo buộc phỉ báng.
Năm 2018, khi một cô gái Trung Quốc du học ở Mỹ cáo buộc bị Richard Liu, giám đốc điều hành của hãng thương mại điện tử Trung Quốc JD.com, cưỡng hiếp, ban đầu cô đã bị nhiều người dùng mạng sỉ nhục. Liu nói rằng họ đã quan hệ tình dục đồng thuận và các công tố viên nhận định không có đủ bằng chứng để buộc tội anh này. Một vụ kiện dân sự chống lại Liu đang tiếp tục.
Tuy nhiên, diễn biến những tháng gần đây cho thấy phong trào nữ quyền đang có sức ảnh hưởng hơn. Mặc dù có nhiều yếu tố định hình các cuộc thảo luận trên mạng ở Trung Quốc, khi các cáo buộc nổi lên về Ngô Diệc Phàm và bê bối Alibaba, nhiều người đã bày tỏ sự ủng hộ hơn đối với những phụ nữ tố cáo.
Trong khi đó, một số công ty công nghệ từng bị chỉ trích phân biệt giới tính cho biết họ đã thực hiện các bước để cải thiện văn hóa nội bộ. "Chúng tôi không chấp nhận hành vi quấy rối dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm quấy rối tình dục. Chúng tôi có các kênh đã được thiết lập từ lâu để nhân viên tự tin chia sẻ lo ngại hoặc trải nghiệm và chúng tôi sẽ không ngần ngại chuyển bất kỳ trường hợp nghiêm trọng nào đến cơ quan hành pháp", Tencent cho biết khi được hỏi về chính sách chống quấy rối tình dục.
Trong thư ngỏ được chia sẻ rộng rãi trước khi Zhang gửi bản ghi nhớ của mình, khoảng 6.000 nhân viên Alibaba đã thúc giục công ty thành lập một nhóm để xem xét các vụ tấn công tình dục.
Zhang hứa sẽ thiết lập một kênh tố cáo cho những nhân viên cảm thấy quyền của họ bị vi phạm và thực hiện đào tạo toàn công ty về quyền của nhân viên, bao gồm vấn đề quấy rối tình dục. Ông nhấn mạnh công ty "kiên quyết phản đối văn hóa ép uống rượu xấu xí" và nhân viên có quyền từ chối yêu cầu uống rượu, dù từ khách hàng hay cấp trên.
Mặc dù Zhang cam kết "xúc tiến hình thành chính sách chống quấy rối tình dục để tạo ra nơi làm việc an toàn cho nhân viên, không khoan nhượng với hành vi quấy rối tình dục", một số người chỉ trích Alibaba làm quá muộn.
"Tôi hơi ngạc nhiên khi đến tận giờ công ty vẫn không có chính sách chống quấy rối tình dục", Zhang Yiyu, nhà tâm lý học nổi tiếng, viết trên Weibo. "Tôi hy vọng sự việc này sẽ thúc đẩy nhiều công ty đưa ra các chính sách rõ ràng về khía cạnh này, để bảo vệ nhân viên trước các tội phạm tình dục".