Quá trình phục hồi của Singapore hậu COVID-19: Cơ hội và thách thức (Phần 1)

10/08/2021, 10:39

BNEWS Singapore đã biến cuộc khủng hoảng COVID-19 thành cơ hội duy nhất để phát triển những lĩnh vực tăng trưởng mới và làm sâu sắc các mối liên kết với nền kinh tế toàn cầu.

Tàu hàng neo đậu tại cảng ở Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Bài viết đăng trên báo The Straits Times số ra gần đây đã trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng Công thương Singapore Gan Kim Yong tại Quốc hội, trong đó cho hay đại dịch COVID-19 đã tàn phá hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, song những nền kinh tế biết tận dụng cơ hội để thích nghi và chuyển đổi sẽ bứt lên mạnh mẽ hơn. 

Singapore đã biến cuộc khủng hoảng này thành cơ hội duy nhất để phát triển những lĩnh vực tăng trưởng mới và làm sâu sắc các mối liên kết với nền kinh tế toàn cầu.

Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính nước này Lawrence Wong cho rằng những sự thay đổi nhanh chóng trong môi trường bên ngoài sẽ có những tác động sâu sắc đến Singapore. Vậy đâu là những cơ hội và thách thức đối với Singapore trong quá trình phục hồi kinh tế hậu COVID-19?

Triển vọng khu vực trong bối cảnh bùng nổ kỹ thuật số

So với các cuộc khủng hoảng trước đây, các chính phủ Đông Nam Á đã thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng hơn để đối phó với COVID-19. Những chính sách này đóng vai trò then chốt trong việc hạn chế hậu quả của dịch bệnh. Sự gia tăng nhu cầu toàn cầu đối với trang thiết bị bảo hộ cá nhân, đồ điện tử và các hàng hóa phục vụ cho làm việc tại nhà đã thúc đẩy xuất khẩu khu vực.

Nhưng với "tâm chấn" của đợt bùng phát này đang chuyển sang Indonesia và Singapore, hai nước vốn đang phải vật lộn đối phó với các ổ lây nhiễm mới, câu hỏi đặt ra vẫn là liệu khu vực này có thể ngăn chặn được virus SARS-CoV-2 hay không.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đông Nam Á năm 2021 xuống còn 4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra hồi tháng Tư. Điều này đồng nghĩa rằng có ít khả năng vào cuối năm nay, khu vực có thể trở lại mức tăng trưởng GDP như hồi trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Tuy nhiên, một điểm sáng trong bối cảnh đầy bất trắc này là nền kinh tế số. COVID-19 đã đẩy nhanh việc ứng dụng số hóa trên toàn cầu trong năm vừa qua. Theo nghiên cứu của Bain, Google và Temasek, có hơn 30% người sử dụng các dịch vụ số mới.

Ở trong nước, Chính phủ Singapore có kế hoạch ra mắt hai mạng 5G - kết nối Internet di động thế hệ tiếp theo với tốc độ nhanh hơn - trên khắp "đảo quốc sư tử" vào năm 2025.

Singapore cũng giành vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng toàn cầu của công ty dịch vụ chuyên nghiệp KPMG về các trung tâm đổi mới công nghệ hàng đầu bên ngoài Thung lũng Silicon/San Francisco trong năm thứ hai liên tiếp. 

Nước này đang tăng cường mạng lưới các thỏa thuận kinh tế số, mới nhất là thỏa thuận với Vương quốc Anh trong việc thiết lập quy tắc cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới và đảm bảo bảo vệ dữ liệu mạnh mẽ.

Singapore cũng đã đi đầu trong sản xuất tiên tiến - đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, hóa sinh và hóa dầu - và đã khuyến khích quá trình số hóa thông qua các chính sách khuyến khích và thuế.

Sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng 

Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn dẫn đến việc sản xuất ô tô bị đình trệ trên toàn thế giới trong năm nay. Các sản phẩm phụ thuộc vào chip khác như máy tính, thiết bị y tế và điện thoại thông minh cũng đối mặt với sự chậm trễ. Trong khi đó, lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ đối với xuất khẩu vaccine đã làm gián đoạn các nỗ lực toàn cầu nhằm tiêm chủng cho người dân.

Trước nguy cơ bị phụ thuộc vào chỉ một số ít thị trường cho cung cầu, chính phủ tại nhiều nước trên thế giới đang chuyển từ theo đuổi tính hiệu quả sang sự tập trung mới vào khả năng phục hồi và tự lực. 

Singapore đã gặt hái được những lợi ích từ những sự chuyển đổi toàn cầu này, khi nhiều công ty hướng tới đa dạng hóa cơ sở sản xuất của mình trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng. Tháng Sáu vừa qua, nhà sản xuất chất bán dẫn GlobalFoundries có trụ sở tại Mỹ đã công bố họ sẽ đầu tư 4 tỷ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở Singapore. 

Trước đó vào tháng Hai, Singapore đã phát động Liên minh sản xuất Đông Nam Á để các nhà sản xuất toàn cầu tận dụng mạng lưới các khu công nghiệp ở nước này và trong khu vực để đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Liên minh này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương tiếp cận các thị trường nước ngoài.

Hiện có 3 trụ cột cho sự phục hồi chuỗi cung ứng mà Singapore cần cân nhắc; đó là đa dạng hóa, chuyển đổi số và những đánh giá rủi ro định kỳ về chuỗi cung ứng. 

Trong lĩnh vực sản xuất thấp cấp, Singapore là trung tâm khu vực cho nhiều công ty. Trong lĩnh vực sản xuất cao cấp, Singapore dẫn đầu trong mảng công nghệ cao, tự động hóa công nghiệp và công nghệ sinh học. 

Nước này có thể trở thành trung tâm thứ hai tiềm năng bên cạnh Mỹ hay châu Âu cho chiến lược đa dạng hóa của nhiều công ty. Theo ông Rakesh Agarwal, cố vấn cho KPMG, việc đánh giá rủi ro định kỳ, hợp nhất và chính xác đối với chuỗi giá trị có ý nghĩa then chốt.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO