Thành Nhà Hồ là một trong những di sản sớm được ứng dụng công nghệ hiện đại, phục vụ công tác quản lý và quảng bá di sản. Theo đó, năm 2013 tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Viện Khảo cổ học và các chuyên gia quốc tế tiến hành khảo sát, lập đề án xây dựng bản đồ vệ tinh kỹ thuật số sử dụng hệ thống thông tin toàn cầu (MAP GIS) cho di sản. Đây là bản đồ hệ thống thông tin địa lý, được xây dựng trên một hệ cơ sở dữ liệu thống nhất giữa thông tin bản đồ và thông tin thuộc tính. Việc tạo ra một hệ thông tin thống nhất sẽ có tác dụng to lớn trong công tác quản lý, quy hoạch và bảo tồn di sản. Đồng thời, cung cấp cho các nhà quản lý, quy hoạch một công cụ mới để nghiên cứu, phân tích thế giới thực một cách có hệ thống, nhằm phục vụ mục đích bảo tồn nguồn tài nguyên di sản hiện có, cũng như trợ giúp quyết định và hoạch định chính sách của các cấp lãnh đạo. Đề án được triển khai tập trung vào việc xây dựng bản đồ khảo cổ học chiến lược cho khu vực đề cử và bảo vệ đặc biệt của di sản (Hoàng thành, La thành, Nam Giao, đường Hoàng gia). Các giai đoạn tiếp theo của đề án tập trung xây dựng các loại bản đồ phục vụ công tác quản lý di sản cho vùng đệm.
Cùng với đó, nhằm mục đích cung cấp và cập nhật thường xuyên các thông tin liên quan đến di sản cho Nhân dân, du khách và bạn bè quốc tế, tháng 10-2012, website http//www.thanhnhaho.vn đã ra đời. Đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã xây dựng và đưa vào triển khai ứng dụng tham quan 3D di sản trên webside http//www.thanhnhaho.vn. Với những du khách chưa có dịp tham quan Thành Nhà Hồ thì ứng dụng này có thể ví như một trải nghiệm nho nhỏ và thú vị về di sản trên không gian mạng. Du khách có thể khám phá di sản từ trên cao, để bao quát cả một vùng rộng lớn nơi tòa thành đá đứng chân. Hoặc bằng vài thao tác đơn giản, du khách có thể khám phá từng di tích, hiện vật cụ thể như các bức tường thành, hào thành, 4 cổng thành, ao hồ... với nhiều hình ảnh sinh động.
Ngày nay, công nghệ hiện đại đang trở thành một công cụ hữu hiệu để truyền thông, quảng bá và xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch. Trước đây, công cụ quảng bá du lịch thường được sử dụng là các kênh truyền hình, báo chí, hoặc các loại hình trực quan như tờ rơi, tờ gấp, bản đồ... và thường phải trả một khoản kinh phí lớn, cũng như mất nhiều thời gian để hình ảnh điểm đến du lịch “ngấm” và thu hút du khách. Còn hiện nay, internet kết nối vạn vật phát triển ngày càng mạnh mẽ và đang tạo ra một “thế giới phẳng” – nơi mà chỉ qua một cái nhấp chuột là cả thế giới sẽ mở ra trước mắt du khách, với tất cả vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa đặc trưng. Việc sử dụng hình ảnh, hay các thước phim 3D, 4D để tái tạo các sự kiện lịch sử, không gian văn hóa, các di tích cổ xưa, các thắng cảnh hùng vĩ... sẽ gián tiếp mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Đồng thời, việc quảng bá dựa trên các website, ứng dụng thông minh, các mạng xã hội... không chỉ giúp giảm chi phí, mà còn mang lại hiệu quả lớn hơn.
Đối với Thanh Hóa, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát triển du lịch, cũng bước đầu được chú trọng. Một ví dụ dễ thấy là các webside của tỉnh, của ngành, các địa phương giàu tiềm năng và các khu, điểm du lịch, đều chú trọng quảng bá, tuyên truyền về tiềm năng, lợi thế và thành quả phát triển du lịch địa phương, đơn vị. Qua đó, tạo ra một kênh tham khảo, giúp đưa hình ảnh du lịch Thanh Hóa đi xa hơn và đến gần hơn với du khách. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú (nhất là khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao), đã tham gia vào hệ thống online của các đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài như agoda.com, booking.com, traveloka.com... Đặc biệt, đề án truyền thông du lịch Thanh Hóa đến năm 2020 cũng được nhấn mạnh như một giải pháp cơ bản góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin (marketing điện tử) sẽ được đặc biệt chú trọng, nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ công tác quảng bá du lịch ở tỉnh ta hiện vẫn còn khá khiêm tốn. Hiện đa phần các website chỉ cung cấp các thông tin cơ bản về sản phẩm, dịch vụ, điểm đến; hình thức trình bày cũng khá đơn giản, thiếu hấp dẫn. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ và xây dựng cơ sở dữ liệu của các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị còn hạn hẹp; thiếu nhân lực chất lượng cao, am hiểu công nghệ và cách thức quảng bá dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, một nguyên nhân không thể không nhấn mạnh là vẫn thiếu tầm nhìn, chiến lược quảng bá bài bản, chuyên nghiệp.
Xuất phát từ thực tế đó, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cần mời các chuyên gia về công nghệ cung cấp giải pháp tối ưu hóa các công cụ truyền thông trực tuyến, nhằm khai thác tối đa những lợi ích từ internet cho hoạt động quảng bá du lịch. Song song với đó là xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ và có tư duy sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ hiện đại. Tiến hành thiết kế và phát hành các ấn phẩm điện tử để quảng bá hình ảnh du lịch trên mạng xã hội; xây dựng và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu du lịch phục vụ cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân liên quan. Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch cũng cần chủ động, sáng tạo trong công tác truyền thông du lịch. Ví như, các doanh nghiệp phải xây dựng được website chuyên nghiệp, với giao diện đẹp, thông tin đầy đủ, được cập nhật thường xuyên, dễ tìm kiếm. Đồng thời, có sự đầu tư thỏa đáng cho việc hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng chiến lược truyền thông, quảng bá hình ảnh một cách bài bản, lâu dài...
Bài và ảnh: Hoàng Xuân