Ứng dụng chống Covid-19 chồng chéo, người dùng cũng bối rối

18/08/2021, 10:29

Ngoài ứng dụng khai báo y tế chính thức được khuyến nghị toàn dân sử dụng, hiện có rất nhiều ứng dụng tương tự. Tình trạng nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành cùng triển khai ứng dụng khai báo y tế số hoá bằng mã QRcode nhưng chưa được đồng bộ hoá khiến người dùng gặp không ít khó khăn trong việc nhận diện, phải khai báo nhiều lần.

Ứng dụng chống Covid-19 chồng chéo

Để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như truy vết, Bộ Y Tế đã ra mắt ứng dụng NCOVI dành cho người dân Việt Nam. NCOVI là ứng dụng toàn dân chung tay đẩy lùi dịch COVID-19 ở Việt Nam. Ứng dụng cho phép người dân khai báo thông tin sức khỏe hiện tại để có thể được hỗ trợ nhanh nhất từ cơ quan y tế.

Ứng dụng chống Covid-19 chồng chéo, người dùng cũng bối rối - Ảnh 1.

Ứng dụng NCOVI. Ảnh VNPT

Tuy nhiên bên cạnh đó, hiện vẫn còn tồn tại các ứng dụng khác có chức năng tương tự hoặc gần giống như: NCOVI (do MobiFone phát triển, mới có trên App Store) và ứng dụng Sức khỏe Việt Nam (do Viettel phát triển, có trên CHPlay và App Store).

Theo giới thiệu của MobiFone, ứng dụng nCovi được sử dụng với mục đích khai báo y tế cho riêng đội ngũ cán bộ, nhân viên thuộc doanh nghiệp này. Nhưng thực tế, các ứng dụng này đều có tính năng khai báo toàn dân.

Cùng với đó, hàng loạt trang web khai báo y tế, truy viết như: Bluezone; Sổ sức khỏe điện tử; tokhaiyte.vn; luongxanh.drvn.gov.vn; suckhoe.dancuquocgia.gov.vn cũng được đưa vào sử dụng. Và mới đây, với các tài xế hoạt động vận tải, hệ thống luongxanh.drvn.gov.vn đăng ký thẻ nhận diện cho phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh vận tải toàn quốc.

Ứng dụng chống Covid-19 chồng chéo, người dùng cũng bối rối - Ảnh 2.

Ứng dụng truy vết Bluezone.

Nhưng không chỉ có các cơ quan phòng, chống dịch COVID-19 cấp Trung ương; nhiều tỉnh, thành cũng xây dựng riêng ứng dụng khai báo y tế bằng những hệ thống ghi nhận người đến, đi nơi công cộng, thông qua quét mã QR như Thừa Thiên - Huế với hệ thống Hue-S. Hay như Đà Nẵng kiểm soát ra vào và khai báo dựa trên hệ thống Khaibaoyte.quangnam.gov.vn. Chính việc có quá nhiều kênh, ứng dụng khai báo nhưng lại không đồng bộ với nhau khiến nhiều người gặp khó khăn mỗi khi di chuyển qua chốt hoặc khu vực kiểm dịch.

Chia với phóng viên Dân Việt, anh Nguyễn Thái Hưng, một shipper phục vụ hàng thiết yếu ở Hà Nội cho biết những khó khăn và bất cập khi phải sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau. "Hệ thống không tự động ghi nhớ các thông tin cố định như số CMND, ngày sinh, giới tính, quốc tịch khiến tôi gặp khó khăn và rất mất thời gian khi khai báo. Chưa kể mỗi một địa điểm, một khu vực lại sử dụng một ứng dụng khác nhau khiến nhiều lúc tôi cũng bối rối. Ngay trên điện thoại của tôi đang cài đến 4 ứng dụng khai báo y tế nên chuyện nhầm lẫn là khó tránh khỏi".

Ứng dụng chống Covid-19 chồng chéo, người dùng cũng bối rối - Ảnh 3.

Người dân khai báo y tế tại các chốt kiểm dịch

Anh Nguyễn Thái Đông Âu, một tình nguyện viên tham gia công tác chốt chặn phòng dịch tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Việc kiểm tra khai báo y tế và điền tờ khai là bắt buộc với mỗi người ra vào vùng xanh, tuy nhiên mỗi người sử dụng một ứng dụng, một nền tảng khai báo khác nhau cũng khiến cho lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc kiểm tra".

Các ứng dụng này không liên kết dữ liệu với nhau. Người dân không phân biệt đâu là ứng dụng của ban chỉ đạo, đâu là ứng dụng của các doanh nghiệp.

Bài học quản lý dữ liệu từ các nước

Các nước trên thế giới đều ứng dụng công nghệ trong kiểm soát dịch COVID-19. Điển hình như Trung Quốc, đất nước tỉ dân này đã nhanh chóng bắt tay cùng các “gã khổng lồ” về công nghệ như: Alibaba, Baidu, Huawei, Tencent… nhằm xây dựng ứng dụng khai báo y tế.

Ứng dụng chống Covid-19 chồng chéo, người dùng cũng bối rối - Ảnh 4.

Mã vạch được xem như "giấy chứng nhận" cho tình trạng sức khỏe của công dân Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã phát triển một hệ thống giám sát có tên Health Code, sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) để xác định và đánh giá rủi ro của từng người dân thông qua phân tích dữ liệu lịch sử đi lại. Mỗi người dân sẽ được cài một phần mềm có tên Ant – Alipay vào điện thoại và được cung cấp một mã vạch theo 3 màu: Xanh, vàng, đỏ tùy theo tình trạng sức khỏe. Mã xanh cho phép người dân có thể tự do di chuyển, mã vàng buộc phải cách ly 7 ngày và mã đỏ phải cách ly 2 tuần.

Chính phủ Trung Quốc cũng dựa vào sự hỗ trợ của hai gã khổng lồ công nghệ-Alibaba (BABA) và Tencent (TCEHY)-để lưu trữ hệ thống mã y tế trên các ứng dụng điện thoại thông minh giúp người dùng không phải khai báo nhiều lần.

Ứng dụng chống Covid-19 chồng chéo, người dùng cũng bối rối - Ảnh 5.

Ứng dụng TraceTogether. Ảnh: GovTech

Hay như tại Singapore, Cơ quan Công nghệ chính phủ (GovTech) đã phối hợp với Bộ Y tế Singapore ra mắt một ứng dụng theo dõi liên lạc mang tên “TraceTogether” khá giống với Bluezone của Việt Nam. Tuy nhiên, ứng dụng này vừa giúp truy vết vừa là ứng dụng khai báo ý tế. TraceTogether đồng bộ với số ID cá nhân và mã xác minh tương ứng trên ứng dụng của họ giúp cho việc khai báo và truy vết đơn giản và nhanh chóng hơn khá nhiều.

Xây dựng một ứng dụng chung hoặc đồng bộ dữ liệu nhằm đơn giản hóa thủ tục?

Hiện Bộ Y tế chưa có quy định bắt buộc người dân phải khai báo y tế bằng phần mềm nào. Đại diện Bộ Công an cũng xác nhận có nhiều phần mềm khai báo y tế nên người dân dùng phần phầm mềm nào cũng được.

Tình trạng ngành ngành, tỉnh tỉnh làm ứng dụng này dễ dẫn tới lộn xộn về dữ liệu và trước hết là gây rối cho người dùng. Đó là lý do mà nhiều chuyên gia công nghệ từ lâu đã đề nghị cần xây dựng một ứng dụng dùng chung hay hợp nhất các ứng dụng tương tự lại hoặc liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng.

Việc có càng ít ứng dụng khai báo giúp người dân dễ nhận biết, đỡ bối rối khi sử dụng, các cơ quan chức năng cũng tiết kiệm thời gian khi kiểm tra, quản lý. Đồng thời nó cũng giúp chúng ta tiết kiệm tài nguyên, tập trung nguồn lực cho việc phòng chống dịch.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO