Dấu ấn khoa học công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19 

17/08/2021, 10:22

Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ góp phần nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, khoa học công nghệ tiếp tục đồng hành với các ngành, lĩnh vực trong quá trình tái cơ cấu, cải thiện và nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Ứng dụng KHCN trong phòng, chống dịch Covid-19

Ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động, tích cực huy động lực lượng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam và doanh nghiệp triển khai theo quy trình, đặc biệt các nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2, xây dựng phác đồ điều trị, sản xuất vắc xin phòng Covid-19, sản xuất kháng thể đơn dòng, robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát; thúc đẩy hợp tác công - tư trong hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, Bộ KHCN cũng kịp thời tổ chức các buổi làm việc với các nhà khoa học đầu ngành và doanh nghiệp để cập nhật, trao đổi, đề xuất các công nghệ xét nghiệm các chủng virus SARS-CoV-2 mới cũng như tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước  nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm lâm sàng vaccine phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Robot Vibot có thể đáp ứng nhu cầu chuyên biệt và vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau trong khu vực cách ly

Phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong phòng, chống dịch Covid-19, Bộ KHCN đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch, xây dựng phần mềm khai báo y tế. Tham gia Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19; huy động các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu kịp thời tạo ra các sản phẩm KHCN phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ,…

Đồng thời, Bộ KHCN đã hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 (máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn,…); lĩnh vực về quản lý rủi ro thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KHCN (www.tcvn.gov.vn); tập trung ưu tiên cơ sở vật chất, nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế như máy thở, khẩu trang y tế,… Các hoạt động đo lường, thử nghiệm, hỗ trợ Tập đoàn Vingroup sản xuất các máy thở không xâm nhập VFS-310 và máy thở xâm nhập VFS-510; hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành, lĩnh vực

Không chỉ đóng góp hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19, thời gian qua, KHCN tiếp tục đồng hành với các ngành, lĩnh vực trong quá trình tái cơ cấu, cải thiện và nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Các chương trình nghiên cứu cơ bản tiếp tục hỗ trợ các tổ chức KHCN thực hiện nghiên cứu theo chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao.

Điển hình trong lĩnh vực công nghệ cao, các chương trình, nhiệm vụ khoa học đã xây dựng thành công nền tảng mở nhận dạng tiếng nói tiếng Việt từ vựng lớn; phát triển hệ thống dịch đa ngữ giữa tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây trong nhận dạng, phân tích dữ liệu lớn hình ảnh từ hệ thống camera quan sát nhằm hỗ trợ phát hiện các đối tượng, sự kiện bất thường trong xã hội. Chế tạo thiết bị Fronthaul Gateway (FHG) trong mạng di động 5G theo cấu trúc O-RAN; khối phần tử thụ động gồm bộ lọc (filter) và ăng ten cho thiết bị vô tuyến băng rộng 5G.

Như trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, Bộ KHCN đã xem xét hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ phục vụ phát triển của ngành như nghiên cứu, nội địa hóa các hệ thống thiết bị đồng bộ của kho nguyên liệu tổng hợp cho nhà máy xi măng công suất không nhỏ hơn 4.000 tấn clanke/năm; làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo dây chuyền thiết bị chế tạo tấm PU cách nhiệt phục vụ trong lĩnh vực kho lạnh, giải quyết được khó khăn về chuỗi cung ứng, logistic của lĩnh vực thực thẩm tại Việt Nam; chế tạo, tích hợp hệ thống nhiều robot bay tự hành, dùng trong thám sát môi trường, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoảng sản, Bộ KHCN tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong việc nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo các thiết bị, linh kiện thủy lực, cột chống thủy lực sử dụng trong các mỏ hầm lò công suất đến 600.000 tấn/năm mà trước đây chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài, giúp doanh nghiệp chủ động nguồn cung sản phẩm, đảm bảo hoạt động sản xuất liên tục của ngành.

Hay lĩnh vực năng lượng, Bộ KHCN tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước nghiên cứu làm chủ công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước làm chủ được công nghệ chế tạo và lắp đặt Trạm thủy điện nhỏ sử dụng tuabin trong ống có công suất một tổ máy đến 6MW nhằm khai thác năng lượng nước từ các hồ chứa thủy lợi Việt Nam. Đồng thời, nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước chế tạo như máy biến áp 500kV-3x 300MVA, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có khả năng chế tạo các thiết bị điện siêu cao áp.

Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, với việc ứng dụng công nghệ Blockchain, phân tích dữ liệu lớn (Big data analytic), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things), các nhiệm vụ khoa học đã góp phần phát triển nền nông nghiệp chính xác của Việt Nam. Các công nghệ trên đã được ứng dụng trong quản lý chuỗi sản xuất sản phẩm nông sản của Việt Nam như mật ong, hạt tiêu...; quản lý quá trình nuôi cá tra công nghiệp; xác định các thông số về đất, hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu đất phục vụ phát triển nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung xây dựng, triển khai hiệu quả, có trọng điểm các chương trình khoa học cấp quốc gia theo định hướng tái cơ cấu các chương trình cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, thực hiện thiết thực, hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc; tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà khoa học và doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ tích cực, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; tranh thủ trao đổi, tiếp nhận những thành tựu khoa học của thế giới, tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO