Triển khai các nền tảng công nghệ phòng chống dịch COVID-19

04/08/2021, 11:05

Chiều 3/8, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc với sự tham dự chia sẻ thực tế của đại diện một số Sở TT&TT tỉnh, thành phố.

Chú thích ảnh
Khai báo y tế điện tử bằng QR Code.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: Công nghệ là để phục vụ cuộc sống, giải quyết các vấn đề của xã hội. Vấn đề lớn nhất và ngay lập tức của Việt Nam hiện nay là đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc. Với sức lây lan nhanh của chủng Delta, công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu chúng ta muốn chống dịch hiệu quả.

“Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất, đồng lòng, cùng triển khai Trung tâm công nghệ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, ở địa phương, chúng tôi đề nghị Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông nhanh chóng tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh nhanh chóng phân công 1 đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai công nghệ, thành lập Tổ công nghệ do Sở Y tế, Sở TT&TT đồng chủ trì. Đặc biệt, nếu chúng ta có thể thành lập được các Tổ công nghệ cộng đồng đến tận phường, xã để hỗ trợ triển khai với sự tham gia của lực lượng thanh niên, của các doanh nghiệp thì sẽ rất hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị.

Công nghệ không thể giải quyết vấn đề mà phải kết hợp với các biện pháp quản lý hành chính, biện pháp nghiệp vụ khác mới trở thành một giải pháp trọn vẹn. “Công nghệ cũng có khiếm khuyết, đều có lỗi. Một mặt, chúng ta liên tục sử dụng, liên tục ghi nhận lỗi, liên tục phản ánh lỗi, liên tục cập nhật, sửa lỗi. Mặt khác, chúng ta phổ biến những kinh nghiệm, bài học, kết quả triển khai hiệu quả để chúng ta vững tin đi tiếp. Đó là một số kết quả tốt về triển khai nền tảng tiêm chủng, nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm và nền tảng hỗ trợ truy vết” Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.

Công nghệ phải sự triển khai thống nhất trên toàn quốc. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa thời bình và thời chiến. Vì dịch bệnh là toàn quốc, người dân ở TP. Hồ Chí Minh có thể di chuyển Bình Dương hoặc ngược lại, nên chúng ta phải có dữ liệu toàn quốc. Dịch bệnh diễn biến rất nhanh, không có thời gian cho chúng ta ngồi lại để bàn bạc chuyện liên thông.Trung tâm Công nghệ quốc gia đã phát triển một bộ công cụ để phục vụ phòng, chống dịch. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 78, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch quốc gia đã biên soạn tài liệu hướng dẫn chi tiết, đã gửi đến tất cả các đầu mối.

Chia sẻ về ứng dụng công nghệ thông tin trong chiến dịch viêm vaccine phòng COVID-19, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Thành phồ Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 3/7 đến ngày 2/8, hệ thống đăng ký tiêm chủng trực tuyến dành cho tổ chức thuộc nhóm đối tượng ưu tiên trong đợt tiêm chủng thứ 5 được triển khai tại thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận đã cấp mới hơn 9.900 tài khoản. Số người đăng ký tiêm chủng trực tuyến là hơn 1,83 triệu người. Các đơn vị đã nhanh chóng lập kế hoạch tiêm chủng, nhắn tin mời tiêm chủng đến các đối tượng trong diện được tiêm vaccine, nhập trả kết quả tiêm lên hệ thống. Theo thống kê trên hệ thống tiêm chủng trực tuyến, đến ngày 2/8 đã có 930.239 người được tiêm (số người trên 65 tuổi và có bệnh nền tham gia tiêm là 114.101 người). Số mũi tiêm được cập nhật thông tin và hệ thống là 643.330. Việc triển khai hệ thống tiêm chủng đã đưa ra kết quả về số người đã được tiêm vaccine rất rõ ràng, chính xác.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ cách triển khai nền tảng hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm PCR và trả kết quả xét nghiệm bằng cách quét mã QR code từ ứng dụng Bluezone. Thay vì kê khai và nhập số liệu thủ công, việc quét mã QR code giúp tiết kiệm 50% tổng thời gian lấy mẫu xét nghiệm đối với 1 cá nhân và giúp tăng tốc quá trình xét nghiệm diện rộng, hỗ trợ việc truy vết, khoanh vùng dập dịch. Người dùng Bluezone quét thông tin sẽ được nhận kết quả xét nghiệm trực tuyến qua ứng dụng. Đồng thời, dữ liệu về xét nghiệm được tập hợp, theo dõi theo thời gian thực trên nền tảng.

“Sau khi dịch bệnh qua đi, kỹ năng số và dữ liệu số sẽ vẫn còn đó, để chúng ta thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số vì một tương lai tốt đẹp hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO