Tổng cục Thuế đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử, hạn chế gian lận trốn thuế

28/07/2021, 10:34

Nhằm đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thuế và hạn chế gian lận khi sử dụng hóa đơn, Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch triển khai hoá đơn điện tử, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Các doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử theo quy định. Ảnh minh họa.

Các doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử theo quy định. Ảnh minh họa.

Để nâng cao tính pháp lý của việc sử dụng, quản lý hóa đơn, chứng từ, Luật Quản lý đã bổ sung quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử với nguyên tắc khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Theo đó, người bán phải lập HĐĐT để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu.

Tổng cục Thuế đang trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 123 quy định về hóa đơn, chứng từ sau khi lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ ban hành quy trình hướng dẫn quản lý hóa đơn điện tử (HĐĐT), đồng thời lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ HĐĐT có mã của cơ quan thuế và dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn.

Tổng cục Thuế đã thiết kế Hệ thống quản lý HĐĐT của cơ quan thuế bao gồm Cổng lập hoá đơn trực tiếp của Tổng cục Thuế, Cổng tiếp nhận dữ liệu và Hệ thống xử lý dữ liệu HĐĐT.

Về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống HĐĐT được xây dựng trên nền tảng kiến trúc ứng dụng công nghệ 4.0 theo hướng triển khai cho hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) phù hợp với yêu cầu về xử lý số lượng lớn giao dịch về hóa đơn. Các khối chức năng xử lý nghiệp vụ được thiết kế triển khai linh hoạt, có độ mở cao, theo mô hình xây dựng phần mềm mới là vừa xây dựng phát triển phần mềm, vừa triển khai và vận hành mà không ảnh hưởng tới hoạt động của ứng dụng.

Đồng thời, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu, triển khai những công nghệ mới trong thực tiễn, nhằm phù hợp với xu thế phát triển CNTT chung của thế giới.

Theo kế hoạch, Tổng cục Thuế triển khai hoá đơn điện tử thành hai đợt. Đợt 1 diễn ra từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, triển khai tại 6 Cục Thuế các tỉnh/thành phố, dự kiến gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định. Đợt 2 diễn ra từ tháng 4/2022 đến tháng 7/2022, triển khai cho 57 Cục Thuế còn lại.

Việc áp dụng HĐĐT được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích như góp phần giảm thời gian, chi phí về hoá đơn cho doanh nghiệp, góp phần hạn chế các hành vi gian lận về hoá đơn. HĐĐT giúp doanh nghiệp giảm chi phí giấy, mực in, vận chuyển và chi phí lưu trữ hóa đơn. Dữ liệu từ HĐĐT được kết nối tự động với phần mềm khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) nên doanh nghiệp không mất thời gian lập Tờ khai như trước. Bên cạnh đó, HĐĐT có tính bảo mật cao vì sử dụng chữ ký số của người bán nên khó có khả năng làm giả hóa đơn. Vì vậy, việc sử dụng HĐĐT thay thế hóa đơn giấy (hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in) sẽ khắc phục được gian lận phát sinh trong việc sử dụng hóa đơn.

Hiện nay, trên cả nước có 255 doanh nghiệp thí điểm áp dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế theo Quyết định của Bộ Tài chính và hơn 550.000 DN áp dụng HĐĐT. Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp, số lượng HĐĐT sử dụng một năm khoảng gần 1,3 tỉ hóa đơn. Trong khi đó, tổng số hóa đơn (bao gồm cả hóa đơn giấy, HĐĐT) do các DN trên cả nước sử dụng là khoảng 5,5 tỉ hóa đơn/năm. Hiện đang có khoảng 800 doanh nghiệp cung cấp giải pháp phần mềm HĐĐT cho các DN, tổ chức kinh doanh trên cả nước sử dụng.

Để hỗ trợ tốt hơn cho các đối tượng sử dụng HĐĐT theo quy định, Tổng cục Thuế đã có Thông báo về việc khuyến nghị các thành phần dữ liệu HĐĐT, triển khai công cụ hỗ trợ người nộp thuế hiển thị thông tin HĐĐT áp dụng theo khuyến nghị.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO