Tốc độ trung bình của thuê bao Internet băng rộng tăng đáng kể

29/01/2022, 09:33

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tốc độ trung bình của thuê bao truy nhập Inteternet băng rộng của Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Chú thích ảnh
Lắp đặt internet băng rộng cố định.

Nếu như năm 2018, tốc độ trung bình của thuê bao Internet băng rộng cố định là 27,1 Mbps thì đến hết năm 2021 con số này là 78,3 Mbps. Năm 2018 tốc độ trung bình của thuê bao truy nhập Internet băng rộng di động là 21,6 Mbps thì đến cuối năm 2021 con số này là 43,3 Mbps.

Đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cũng cho biết, theo kết quả đo kiểm chất lượng Internet Việt Nam qua ứng dụng i-Speed (ứng dụng giúp người dân chủ động đo và đánh giá tốc độ truy cập Internet đang sử dụng) cho thấy tốc độ Internet của Việt Nam cũng tăng lên đáng kể trong thời gian vừa qua.

Speedtest (Công ty đo kiểm dữ liệu internet tại Mỹ vừa công bố chất lượng Internet Việt Nam trong quý 4/2021. Theo kết quả này, mạng Internet cố định của VinaPhone có tốc độ nhanh nhất là là 75,49 Mbps, thứ hai là Viettel là 73,38 Mbps và thứ 3 là FPT với là 71,10 Mbps.

Xếp hạng trên chỉ số toàn cầu của Speedtest dựa trên tốc độ tải xuống trung bình để phản ánh tốt nhất tốc độ mà người dùng có thể đạt được khi sử dụng dịch vụ. Theo kết quả này, thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tốc độ tải xuống trung bình nhanh nhất qua băng thông rộng cố định trong số các thành phố đông dân nhất của Việt Nam trong quý 4/2021 là 75,10 Mbps. Độ trễ trung bình cho các nhà cung cấp băng rộng cố định hàng đầu tại Việt Nam trong quý 4/2021, FPT Telecom và VinaPhone có độ trễ thấp nhất là 4 ms.

Các nhà mạng lớn như VNPT, Viettel, FPT, CMC đều cho biết, thời gian qua, các nhà mạng đã đầu tư rất mạnh vào hạ tầng truyền dẫn trong nước và quốc tế để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Dù vậy, theo phản ánh của nhiều gia đình, việc kết nối học trực tuyến không được tốt.

Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho biết, ngoài hạ tầng kỹ thuật còn phụ thuộc vào nền tảng (ứng dụng, phần mềm) mà người dùng sử dụng. Hiện nay, các ứng dụng học trực tuyến phổ biến tại Việt Nam chủ yếu đến từ các nhà cung cấp quốc tế với khoảng 90% thị phần. Đa phần không sử dụng máy chủ trong nước, đơn cử một ứng dụng họp, học trực tuyến phổ biến đang được rất nhiều người ở Việt Nam tin dùng lại có máy chủ ở nước ngoài.

Đại diện VIA cho biết các nền tảng toàn cầu đã đi trước, đưa ra các gói dịch vụ hỗ trợ để phục vụ nhu cầu học trực tuyến. Dịch vụ của các nền tảng toàn cầu đưa ra khá thuận lợi, giá thấp - thậm chí miễn phí, dễ sử dụng. Điều này dẫn đến họ có vị trí độc tôn trong việc cung cấp ứng dụng học trực tuyến qua video. Các doanh nghiệp Việt Nam khi đó có lẽ do chưa nhìn thấy cơ hội rõ rệt, hoặc có vướng mắc về công nghệ lõi nên đã không cạnh tranh được với các nền tảng quen thuộc như Zoom, MS Teams, Webex, hay Google Meet... Mặc dù một số doanh nghiệp công nghệ số Việt có đưa ra một số nền tảng Make in Vietnam nhưng vẫn chưa được nhiều người biết đến, thị trường học trực tuyến nội địa vẫn chưa được khai thác.

Theo một số chuyên gia công nghệ thông tin, đa số thuê bao cáp quang (FTTH) trong nước có băng thông 30-50 Mbps, tuy nhiên, hiện nay, ứng dụng Zoom được nhiều người sử dụng nhất lại không có máy chủ ở Việt Nam. Trung tâm dữ liệu của Zoom gần Việt Nam nhất là ở Singapore, Hồng Kông, đồng thời một số tuyến cáp biển thỉnh thoảng gặp sự cố cũng đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng đường truyền Internet tại Việt Nam. Do đó, bên cạnh băng thông được cải thiện thì việc phát triển nền tảng (ứng dụng) có máy chủ tại Việt Nam mới khắc phục tình trạng việc học, họp trực tuyến bị rớt mạng.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO