Theo thống kê của nền tảng thương mại điện tử B2B Alibaba.com, tính đến tháng 7 năm 2021, có hơn 600.000 sản phẩm Việt Nam bày bán trên trang này. Ngành hàng thế mạnh của các nhà bán hàng Việt gồm thực phẩm và đồ uống, hóa mỹ phẩm, nông sản, chăm sóc cá nhân và sắc đẹp, nhà cửa và vườn tược…
Doanh nghiệp sản xuất tóc giả Phạm Bá Tiến là một ví dụ khá thành công trong việc nắm bắt cơ hội để tìm đến "đại dương xanh". Từ một doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất và kinh doanh nội địa tại Bắc Giang, đến năm 2017, sau hơn 3 năm thành lập, công ty này đã tham gia sàn thương mại điện tử Alibaba.com.
Theo công bố của doanh nghiệp này, qua Alibaba.com, công ty đã xuất khẩu được sản phẩm đến nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hay Nam Phi, Nigieria... Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Phạm Bá Tiến đều vượt khoảng 90% so với năm trước, chiếm hơn 95% tổng doanh số bán hàng của công ty.
Bà Dung Nguyễn - Giám đốc Xuất khẩu công ty chia sẻ: "Khi chúng tôi mới "đặt chân" lên Alibaba.com vào năm 2017, một khách hàng đến từ Mỹ nhìn thấy sản phẩm đã nhanh chóng tiếp cận và đề nghị đặt hàng với số lượng rất lớn so với tiềm lực của công ty lúc bấy giờ. Khách hàng đó đã đặt rất nhiều hàng mẫu từ Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng chưa có một đơn hàng nào khiến họ vừa ý. Sau đó, vị này còn liên tục giới thiệu thêm nhiều khách hàng đến với chúng tôi. Thật tuyệt vời, Alibaba.com đã kết nối chúng tôi với họ. Và đó là đơn hàng lớn nhất của công ty lúc ấy".
Cơ duyên để doanh nghiệp tóc giả Phạm Bá Tiến xuất khẩu trực tuyến chính là khi doanh nghiệp này nhận thấy thị trường trong nước gặp phải sự cạnh tranh gắt gao đến từ các đối thủ. Trong khi, nhu cầu về tóc giả trên thế giới là rất lớn. Vì vậy, doanh nghiệp xác định xuất khẩu là con đường tất yếu. "Và xuất khẩu trực tuyến là con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất để tiếp cận được khách hàng trên thế giới", bà Dung đánh giá.
Cũng theo đại diện thương hiệu tóc giả Phạm Bá Tiến, ngành hàng tóc giả khá đặc thù trên thế giới, số lượng khách hàng không nhiều. Nhờ ưu điểm của thương mại điện tử là tiếp cận khách hàng nhanh và rộng, bất kể thời gian và không gian, nên công ty nhanh chóng tìm kiếm được các đối tác khắp nơi trên thế giới, từ những cá nhân đến những salon tóc với nhu cầu lớn hơn.
Sau hơn 5 năm xuất khẩu trực tuyến, doanh nghiệp Bắc Giang này đã quen thuộc với các thuật ngữ thương mại điện tử như đẩy mạnh tối ưu hóa bài đăng sản phẩm, tối ưu hóa từ khóa tìm kiếm (keyword), cải thiện chỉ số xếp hạng "star rating", đẩy mạnh lưu lượng (traffic)…
Nhưng để có được sự quen thuộc này, bà Dung cho biết hành trình vươn ra biển lớn bằng công nghệ cũng không "thuận buồm xuôi gió" ngay từ ngày đầu. Trở ngại đầu tiên chính là công nghệ, vì không dễ dàng để một sớm một chiều có thể sử dụng thành thạo các tính năng của sàn thương mại điện tử. Trở ngại tiếp theo là doanh nghiệp cũng thiếu phương hướng tiếp cận với khách hàng trực tuyến khi đã quá quen với cách làm truyền thống.
Nhưng với quyết tâm tìm thị trường mới bằng cách tiếp cận mới, Phạm Bá Tiến đã vượt qua các trở ngại trên bằng cách học hỏi liên tục. Thông qua các chương trình đào tạo và hội thảo cả trực tiếp và trực tuyến do Alibaba.com tổ chức, đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp đã dần làm quen với thương mại điện tử, đồng thời trau dồi thêm nhiều kỹ năng và kiến thức. Đội ngũ tư vấn của nền tảng cũng đồng hành để hỗ trợ doanh nghiệp đạt được hiệu quả kinh doanh trên sàn như tạo gian hàng chuyên nghiệp, đăng sản phẩm để có thể tiếp cận khách hàng tốt hơn, dễ dàng hơn…
Câu chuyện của thương hiệu tóc giả Phạm Bá Tiến là một điển hình để tạo nên hình ảnh Việt Nam "là một trong những quốc gia sản xuất đại diện cho khu vực Đông Nam Á", và "có được uy tín mạnh mẽ trong lòng khách hàng toàn cầu với năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh và tập trung vào xuất khẩu", theo lời của ông Roger Lou - Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam.