Cùng với phát triển của công nghệ 4.0 cũng như thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, trong các năm vừa qua các loại tài liệu, văn bản tại Nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ (đóng tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) đã dần dần được số hóa và thay đổi hoàn toàn từ sổ sách giấy sang văn bản, lưu trữ điện tử.
Nhà máy đã triển khai ứng dụng mã QR dán trực tiếp tại thiết bị để có thể tra cứu nhanh các thông tin liên quan, các bước xử lý sự cố, các bước thao tác đối với thiết bị; giảm bớt lượng tài liệu cần in ấn và mang theo.
Khi nhân viên vận hành đi kiểm tra, thao tác thiết bị, chỉ cần có thiết bị thông minh như điện thoại, ipad là có thể tra cứu toàn bộ tài liệu, hướng dẫn sử dụng cũng như sơ đồ kết nối liên quan một cách nhanh chóng và chính xác.
Chạy thử định kỳ thiết bị là một hạng mục quan trọng đối với công tác quản lý vận hành. Mỗi lần chạy thử các nhân viên vận hành đều phải ghi chép và theo dõi vào sổ.
Sau một thời gian nghiên cứu nhà máy đã cho áp dụng triển khai nhập và theo dõi chạy thử thiết bị định kỳ trên bảng tính Google sheet, viêc chuyển đổi này đã mang lại sự thuận tiện, hiệu quả cao để giám sát và theo dõi tình trạng thiết bị.
Đối với công tác đánh giá bảo trì tự quản phải thực hiện qua 57 biểu mẫu, vốn được thực hiện bằng giấy để đối chiếu và kiểm tra lần lượt của các chức danh có liên quan đang theo quy trình được ban hành từ năm 2019.
Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, công ty nhận thấy cần cải tổ quy trình để đạt hiệu quả tốt hơn. Theo đó, các đơn vị vận hành đã ứng dụng CNTT, dữ liệu số, số hoá quy trình hoàn toàn trên Google Sheet; mã hóa thành các mã QR; dùng điện thoại smart phone quét mã QR; áp dụng chữ ký số trên phần mềm Digital Office…
Việc cải tiến trên đã giúp nhân viên quản lý vận hành cập nhật nhanh và chính xác thông tin công tác bảo trì tự quản, các đơn vị thẩm tra, theo dõi cũng dễ dàng cập nhật, xử lý thông tin, giúp thống kê dễ dàng cũng như tiết kiệm công sức, chi phí in ấn giấy tờ.
Anh Lê Trung Kỷ, quản đốc phân xưởng vận hành, Nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ cho biết, công tác chuyển đổi số đã góp phần quan trọng để phân xưởng vận hành cũng như công ty thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh liên tục trong những năm vừa qua.
“Việc số hóa là một bước quan trọng để tiến hành công tác chuyển đổi số. Nhìn thấy được tầm quan trọng đó, trong thời gian qua phân xưởng vận hành đã tích cực nghiên cứu, áp dụng và không ngừng học hỏi để thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản công tác quản lý vận hành tại phân xưởng đã được số hóa thành công”, anh Lê Trung Kỷ nói.
Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung, được xây dựng tại thượng nguồn Nậm Nơn. Công suất thiết kế của nhà máy là 320 MW, sản lượng điện hàng năm 1084 triệu KWh. Thủy điện Bản Vẽ được Chính phủ đầu tư, xây dựng với tổng số vốn đầu tư lên đến 5.740 tỷ đồng là công trình đa mục tiêu. Năm 2005 công trình được khởi công, đến năm 2010 nhà máy chính thức hòa lưới điện quốc gia.
LC