Đà Nẵng nắm cơ hội dịch chuyển sản xuất công nghiệp chip, bán dẫn để gia nhập chuỗi toàn cầu

11/12/2023, 11:32

Với việc định vị, tham gia vào chuỗi phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng cần thực hiện lộ trình 3 giai đoạn: Ngắn hạn, trung hạn và dài hạn và sau năm 2045 sẽ làm chủ một số công nghệ lõi.

Cơ hội lớn từ sự dịch chuyển sản xuất

Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng - cho biết, với xu hướng phát triển và dịch chuyển trong sản xuất của ngành công nghiệp chip, bán dẫn, trên thế giới, TP Đà Nẵng đang nỗ lực để xác định vị trí trong chuỗi sản phẩm công nghệ này.

Theo ông Thanh, hiện chuỗi giá trị ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đã phát triển mạnh và chuyên môn hóa cao, phân tán tại nhiều khu vực, lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó, tỷ lệ chuỗi giá trị của ngành được phân bố khá rõ ràng, cụ thể: công đoạn thiết kế 50% - 53%, sản xuất, 25 – 28% và công đoạn đóng gói kiểm thử 8-9%;

Theo ước tính của Gartner và McKinsey, doanh thu ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn toàn cầu năm 2022 đạt 601,7 tỷ USD và đạt hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Cũng theo ông Thanh, Mỹ đang giữ vị trí đứng đầu trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu với tỷ lệ 39% (thiết kế, công cụ, thiết bị kiểm thử); Đài Loan 12%, Korea 16%, Nhật bản 14%, EU 11%, Trung Quốc 6%. Bên cạnh đó, về công nghệ, Mỹ và Đài Loan đang sở hữu các công nghệ <7nm; Trung Quốc và một số quốc gia Châu âu > 10nm.

Đặc biệt, Mỹ sở hữu rất nhiều các công ty sản xuất chip bán dẫn nhưng không có nhà máy như: Apple, Qualcomm, AMD, NVIDIA,...; Đài Loan có công ty TSMC chiếm gần 88% trong việc sản xuất chip toàn cầu, còn lại là Samsung, UMC.

“Mối quan hệ Việt-Mỹ được nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, nhất là lĩnh vực chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo đang quan tâm đến môi trường đầu tư của Việt Nam thì đây được xem là cơ hội lớn nếu chúng ta sớm bước chân vào chuỗi giá trị toàn cầu này”- ông Nguyễn Quang Thanh nhấn mạnh.

vt_cvong bo 2.png
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt Quy hoạch TP Đà Nẵng với định hướng phát triển trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ vi điện tử, công nghệ chip bán dẫn và vi mạch bán dẫn...

Với việc định vị Đà Nẵng phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, ông Thanh cho rằng, Đà Nẵng có thể tham gia với lộ trình 3 giai đoạn: Trong ngắn hạn (đến năm 2030) tập trung vào hoạt động thiết kế, kiểm thử, đóng gói; trong trung hạn (giai đoạn 2030 – 2045) thực hiện các công đoạn sản xuất; trong dài hạn (sau năm 2045) làm chủ một số công nghệ lõi.

“Việc sự xuất hiện của các chuyên gia, nhà quản lý, các tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp chip, bán dẫn tại các hội thảo chuyên đề đã cho thấy Đà Nẵng đang có sức hút mạnh mẽ trong lĩnh vực. Và việc lãnh đạo TP Đà Nẵng tham gia Đoàn công tác của Chủ tịch nước trong việc xúc tiến đầu tư với các tập đoàn công nghệ lớn về chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo như: Synopsys; Intel, Nivida; Marvell; ITSJ-G, Qorovo tại SanJoe (Hoa Kỳ)… đã cho thấy Đà Nẵng đang rất quan tâm và muốn nắm bắt cơ hội từ ngành công nghiệp này” – ông Nguyễn Quang Thanh chia sẻ.

Hướng đi cho Đà Nẵng

Đề xuất hướng đi cho Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Thanh cho rằng, Đà Nẵng định hướng tiếp cận tham gia vào chuỗi sản xuất vi mạch, bán dẫn toàn cầu dựa trên nguồn nhân lực là yếu tố quyết định và ưu tiên phát triển nhân lực cho khâu thiết kế và khâu kiểm thử.

Trong đó, xác định đào tạo bổ sung, đào tạo lại là nhiệm vụ cần chú trọng bên cạnh đào tạo mới, trong đó tập trung cho 3 nhóm nhân lực gồm: Đào tạo ngắn hạn đội ngũ giảng viên thông qua các hỗ trợ của các tập đoàn, từ đó hình thành nhân lực lõi lâu dài phục vụ cho công tác đào tạo kỹ năng;

Tiếp đến là đào tạo lực lượng kỹ sư đã và vừa mới ra trường nắm sử dụng các công cụ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế của các hãng (Synopsys, Candence, Mentor Graphic,…) để đào tạo nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp địa phương, trong nước và quốc tế; Thứ Ba là thu hút chuyên gia có kinh nghiệm, đã thành công, đặc biệt là kiều bào về TP để làm việc, chuyển giao tri thức.

Bên cạnh đó, hình thành liên minh các trường ĐH trên địa bàn để đào tạo cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn; thống nhất xây dựng các chương trình liên kết quốc tế giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp tại Đà Nẵng với các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam và các trường ĐH trong khu vực và thế giới trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu.

Ông Thanh cho rằng, sau nguồn nhân lực là chính sách, cơ chế. Để nắm bắt cơ hội này, Đà Nẵng cần xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đào tạo nhân lực cho nghiên cứu và phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn; trong đó quy định về tỷ lệ theo định hướng chiến lược của Chính phủ để thực hiện hoạt động đào tạo cho vi mạch bán dẫn và AI.

Đồng thời, đề xuất với Trung ương xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội như ưu đãi về thuế, đất đai, hỗ trợ tài chính,… nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, AI; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp làm thiết kế, khuyến khích doanh nghiệp lớn liên doanh với đối tác nước ngoài để chế tạo, sản xuất, kiểm thử và đóng gói vi mạch bán dẫn.

Bên cạnh đó, rà soát, có chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn, AI; đề xuất xây dựng chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm vi mạch bán dẫn, AI được thiết kế, sản xuất bởi doanh nghiệp Việt Nam; nghiên cứu chính sách để thu hút chuyên gia từ nước ngoài về làm việc, chuyển giao tri thức hình thành nhân lực lõi lâu dài phục vụ cho công tác đào tạo kỹ năng.

vt_xuc tien dau tu 4.png
TP Đà Nẵng và Công ty Synopsys ký Bản ghi nhớ hợp tác dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước

“Vấn đề cốt lõi tiếp theo đó là công nghệ. Trong ngắn hạn ưu tiên tập trung vào phân khúc công nghệ phổ thông (trailing node > 28nm); vi mạch bán dẫn chuyên dụng trong các lĩnh vực như viễn thông, xe điện, điện toán biên, năng lượng, IoT,..; đồng thời, triển khai ý tưởng “Quick win”, ban đầu dựa vào các thiết kế chip đơn giản cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, các sản phẩm đi từ SoM (System on Module) đến SiP (System in Package) đến SoC (System on Chip), bám sát xu hướng về tích hợp trí tuệ nhân tạo, tính toán lượng tử và các công nghệ tính toán mới. Và xây dựng mạng lưới điện đáp ứng yêu cầu của các nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn (ưu tiên công nghệ 28nm đến 128nm) trước tạo nền tảng về hạ tầng điện phục vụ cho giai đoạn trung hạn”- Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

Đà Nẵng sẽ làm gì để nắm bắt cơ hội?

Để sớm tham gia vào chuỗi phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho rằng, trong thời gian tới, Đà Nẵng cần ưu tiên nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách thúc đẩy triển khai đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn trên địa bàn TP. Trong đó, tập trung vào 3 đối tượng là đội ngũ giảng viên, các kỹ sư đã tốt nghiệp (bao gồm cả chuyên ngành gần), sinh viên đang đào tạo,… thông qua cơ chế cho vay từ các quỹ nhằm tạo nguồn nhân lực có kỹ năng với đầu ra theo tiêu chuẩn quốc tế của các hãng (Synopsys, Candence, Mentor Graphic,…).

Thứ hai là xây dựng Trung tâm tính toán hiệu năng cao tại Trung tâm dữ liệu khu công viên phần mềm số 2 để vận hành hạ tầng phục vụ đào tạo và thiết kế chip bán dẫn và vi mạch.

Thứ ba là thành lập đơn vị nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và AI Đà Nẵng theo 3 phương án: Thành lập mới Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế Vi mạch và AI Đà Nẵng, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở TT&TT; tích hợp, bổ sung chức năng nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu, đào tạo và thiết kế vi mạch cho Trung tâm Phát triển hạ tầng CNTT Đà Nẵng; hoặc thành lập mới Công ty nghiên cứu, đào tạo thiết kế Vi mạch và AI Đà Nẵng, theo mô hình hợp tác liên kết, góp vốn kinh doanh.

vt_anh hoi thao 1.png
Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn - vấn đề đặt ra với TP Đà Nẵng" thu hút sự quan tâm của hàng loạt các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới như: Synopsys, Marvell, Uniquify, ASavarti, Renesas, Synapse,Sannei Hytechs…

“Để đẩy nhanh việc đào tạo, phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, UBND TP cần sớm phê duyệt việc thành lập Tổ triển khai đề án phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP; thống nhất chủ trương điều chỉnh quy mô đầu tư cho phép ưu tiên đầu tư Trung tâm tính toán hiệu năng cao tại Trung tâm dữ liệu khu công viên phần mềm số 2 và xem xét, cho chủ trương thành lập “Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế Vi mạch và AI Đà Nẵng” theo các phương án đề xuất cùng các cơ chế hoạt động đặc thù để điều phối, triển khai các hoạt động”- ông Nguyễn Quang Thanh nói.

Các quốc gia đầu tư cho công nghệ chip bán dẫn ra sao?

Tháng 8/2022, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Khoa học và Chip trợ cấp hơn 52,7 tỉ USD trong thời gian 5 năm.

Cùng với đó, các quốc gia khác cũng tuyên bố hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực này với trị giá hàng tỉ USD: Hàn Quốc 50 tỉ USD trong 3 năm; Nhật Bản đầu tư 8 tỉ USD trong 5 năm; Đài Loan đầu tư 750 triệu USD/năm; EU đầu tư 49 tỉ USD trong 10 năm; Ấn Độ đầu tư 10 tỉ USD trong 6 năm; Trung Quốc với khoản cam kết khổng lồ 150 tỉ trong vòng 10 năm.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO