Thúc đẩy chuyển đổi số, hướng tới nông thôn thông minh

24/12/2022, 11:27

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 đã ban hành quyết định số 06/QĐ-BCĐTW-VPĐP về kế hoạch tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021 - 2025.

Hình thành nông thôn mới thông minh

Thông qua triển khai chương trình, từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao vai trò, hoạt động của cộng đồng thông qua áp dụng chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững. Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể như: tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, theo dõi, giám sát, thẩm định, công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; thí điểm xây dựng các mô hình kinh tế số, mô hình thúc đẩy phát triển xã hội số, cộng đồng số liên thông với chính quyền cơ sở; hoàn thiện cơ chế, chính sách và các hướng dẫn liên quan đến chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Đại diện Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đã phê duyệt 52 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng để tập trung sản xuất hàng hóa; bên cạnh đó tỉnh có 180 sản phẩm OCOP là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương của tỉnh; có xuất xứ rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, được người tiêu dùng đánh giá cao. Đây chính là dư địa lớn cho chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp.

Xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định nông nghiệp là một trong 9 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước, thực hiện thành công sẽ có hiệu quả ngay cho xã hội. Bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, để cho năng suất cao, tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Tỉnh Bắc Giang đặc biệt coi trọng công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng. Tạo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đã từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối một cách bài bản, có hệ thống và có tổ chức trên đồng loạt cả các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.
Vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối một cách bài bản, có hệ thống và có tổ chức trên đồng loạt cả các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam
Nguồn: ITN

Ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả

Tỉnh Bắc Giang cho biết đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ nông dân, HTX sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Giang; hướng tới hình thành các hộ sản xuất nông nghiệp số (có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn thương mại điện tử); xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về chuyên trang thương mại điện tử tỉnh Bắc Giang; tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến, kiến thức khởi nghiệp trên sàn thương mại điện tử... Trong đó hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia 2 Sàn thương mại điện tử (Postmart.vn và Voso.vn) để kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ngay từ đầu vụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức giám sát tất cả các mã số vùng trồng hiện có, đề nghị cấp mã số vùng trồng mới, thực hiện số hóa vùng sản xuất tập trung gắn với ghi nhật ký điện tử; triển khai nhân rộng việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (mã số, mã vạch gắn với thông tin tra cứu về sản phẩm, vùng trồng...) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ cho tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai hỗ trợ tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử và trên các trang mạng xã hội. Kết quả tích cực với trên 10.500 tấn vải được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, trong đó có 8 tấn vải thiều xuất sang các nước châu Âu.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào sản xuất thông qua việc ứng dụng thiết bị bay không người lái để phòng ngừa sâu bệnh trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc sử dụng máy bay phun thuốc nên đã phòng trừ được các đối tượng sâu, bệnh hại chính một cách tập trung, trên diện rộng; đồng thời giảm trên 40% chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật so với phun thuốc thủ công truyền thống. Năng suất thực thu ước đạt của các giống lúa gieo cấy trong mô hình đều cao hơn so với cùng giống gieo cấy đại trà ngoài mô hình từ 25 - 30kg/sào.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO