Thí điểm "thẻ thông hành xanh” cho người dân, doanh nghiệp sẽ giúp phục hồi nền kinh tế?

06/09/2021, 10:11

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những thiệt hại to lớn và sức chống chịu của nền kinh tế là có hạn. Do vậy nhiều ý kiến cho rằng cần thí điểm áp dụng “Thẻ thông hành xanh” để người lao động có thể di chuyển an toàn, từng bước phục hồi lại nền kinh tế.

thi diem the thong hanh xanh cho nguoi dan doanh nghiep se giup phuc hoi nen kinh te hinh 1

Ngành hàng không, du lịch chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và khó có thể phục hồi nếu hoạt động sản xuất, đi lại của người dân không trở lại bình thường

Những tín hiệu tích cực giữa đại dịch COVID-19

Ngày 4/9, chuyến bay mang số hiệu VN5311 đưa 297 công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước đã hạ cánh an toàn tại Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn. Đây là chuyến bay đầu tiên áp dụng thí điểm chương trình cách ly y tế 7 ngày của Bộ Y tế.

Toàn bộ hành khách trên chuyến bay phải đáp ứng đủ 2 điều kiện bao gồm có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thực hiện xét nghiệm chứng nhận.

Đồng thời hành khách tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 với liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh.

Sau khi nhập cảnh tại Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, hành khách sẽ di chuyển về khách sạn Novotel Hạ Long thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày.

Ngày 25/6, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3092/QĐ-BYT về việc triển khai thí điểm “Hướng dẫn cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh" tại tỉnh Quảng Ninh.

Theo đại diện Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, các chuyến bay đưa khách quốc tế về Việt Nam áp dụng hình thức thí điểm cách ly y tế 7 ngày sẽ tạo tiền đề cho việc mở rộng phạm vi hơn nữa tới những người có nhu cầu đi lại thực sự. Đó là những đồng bào từ các vùng dịch trên thế giới có nguyện vọng hồi hương, các doanh nhân, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, doanh nghiệp,...

Thậm chí tiến tới khôi phục dần các đường bay trong nước, nối lại giao thương khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Điều này cũng phù hợp với lộ trình từng bước thích ứng với điều kiện “bình thường mới”, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo duy trì hoạt động giao thương, kinh tế.

Trước đó Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines đã thực hiện thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) cho khách hành trên chuyến bay số hiệu VN55 từ Hà Nội đi London (Anh) vào sáng nay 2/9 và chuyến bay số hiệu VN310 từ Hà Nội đi Tokyo (Nhật Bản) ngày 12/8.

thi diem the thong hanh xanh cho nguoi dan doanh nghiep se giup phuc hoi nen kinh te hinh 2

Những chuyến bay quốc tế với "Hộ chiếu vaccine" đang mở ra nhiều cơ hội. Ảnh: VNA

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà khẳng định, đây có thể coi là chìa khóa mở cửa biên giới, tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận lợi giữa các quốc gia đồng thời đáp ứng yêu cầu nhập cảnh của cơ quan chức năng và chính phủ tại điểm đến.

Hộ chiếu sức khỏe điện tử như IATA Travel Pass là một trong những giải pháp được kỳ vọng nhất để Việt Nam mở cửa biên giới một cách nhanh chóng, an toàn, hỗ trợ ngành du lịch và hàng không sau một năm bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19.

Mục tiêu quan trọng nhất là khôi phục niềm tin của hành khách khi đi máy bay và đảm bảo trải nghiệm du lịch an toàn và liền mạch cho tất cả mọi người.

Hiện không chỉ các hãng hàng không trong nước mà nhiều doanh nghiệp vận tải, lữ hành du lịch,...đang chật vật để có thể tồn tại trước những thiệt hại to lớn mà đại dịch COVID-19 gây ra.

Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng tất cả chỉ là giải pháp tình thế nếu các hoạt động sản xuất kinh tế không được phục hồi trở lại...

Di chuyển an toàn để phục hồi sản xuất kinh tế

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã cho phép người dân sử dụng chứng nhận tiêm chủng để đi du lịch, các hoạt động trong nước như tham gia sự kiện, ăn uống tại nhà hàng. Có thể kể đến "Chứng nhận xanh" trên nền tảng số của Liên minh châu Âu (EU), thẻ thông hành của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA),..

Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã đã khảo sát, phân tích ứng dụng chứng nhận an toàn dịch bệnh của các quốc gia và tổ chức trên thế giới. Qua đó khẳng định giải pháp chứng nhận an toàn dịch bệnh là chìa khóa để mở cửa trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại.

Đồng thời đề xuất dùng khái niệm "Thẻ thông hành xanh Việt Nam" thay cho "Hộ chiếu vaccine" để tránh cách hiểu chưa đầy đủ. Hình thức chứng nhận này sẽ được sử dụng cho cả đi lại trong nước và nước ngoài.

“Thẻ thông hành xanh” có thể là mã QR trên điện thoại thông minh hoặc in ra trên giấy, áp dụng cho những đối tượng không chỉ tiêm đủ vaccine mà cả những F0 đã khỏi bệnh, những người có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ,...

Nhìn nhận về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho rằng, để làm được “Thẻ thông hành xanh” thì cần phải có một cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm về triển khai "Hộ chiếu vaccine".

Khái niệm "Hộ chiếu vaccine" cần được hiểu là một phần mềm ghi nhận tình trạng của một người có thể là âm tính sau xét nghiệm PCR hoặc tiêm đủ liều vaccine hay bệnh nhân đã khỏi COVID-19. Hiện ở Việt Nam có cả ba đối tượng như vậy nhưng cách ứng xử và thực hiện chưa có gì khác biệt.

Ví dụ, phi công và tiếp viên đã tiêm 1 mũi vaccine nhưng không may mắc virus SAR-CoV-2 và đã khỏi bệnh. Nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể về việc họ có được phép quay trở lại đi làm không? Bởi theo quy định, bệnh nhân khỏi bệnh không được tiêm vaccine vì đã có kháng thể, ít nhất 6-7 tháng sau mới được tiêm.

Do đó, “Hộ chiếu vaccine" cần phải có sự thống nhất, nghiên cứu thấu đáo và khi đưa việc ứng dụng phần mềm vào sử dụng phải đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân, chống giả mạo và tính toán chi phí sử dụng phần mềm đó là miễn phí hay có thu phí.

Theo ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, đến cuối năm 2021, số người được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và bệnh nhân khỏi bệnh sẽ tăng. Vì vậy Việt Nam cần chuẩn bị cho lộ trình mở cửa trở lại dần các hoạt động kinh tế.

Giải pháp này không chỉ giúp ngành du lịch, hàng không phục hồi mà còn giúp lưu thông hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển kinh tế, giao thương giữa các quốc gia.

Để làm được điều này, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ; đồng bộ hệ thống phần mềm để người dân sử dụng đơn giản, thuận tiện khi có mã QR Code là có thể di chuyển dễ dàng.

Ngày 5/9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã có cuộc làm việc với Lãnh đạo Quận 7 về kiểm soát tình hình dịch COVID-19.

Theo Bí thư Nên, TP. HCM không thể tiếp tục mãi giãn cách triệt để cũng như không thể quét sạch F0, thay vào đó chúng ta sẽ mở dần, sống trong điều kiện bình thường mới, trong điều kiện có dịch. Chúng ta không thể cứ lo dịch mà không lo sản xuất, phải bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế.

thi diem the thong hanh xanh cho nguoi dan doanh nghiep se giup phuc hoi nen kinh te hinh 3

Hoàng Lan


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO