Giải pháp nào cho hàng ngàn học sinh lớp 1 học trực tuyến?

04/09/2021, 10:35

Hàng chục ngàn học sinh (HS) lớp 1 sắp phải học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Những âu lo, băn khoăn của phụ huynh trước việc một đứa trẻ chưa biết đọc, biết viết phải học online là hoàn toàn có cơ sở. Để giúp các em HS lớp 1 học online một cách an toàn, bảo đảm sức khỏe, ngày 3/9, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh giáo dục trực tuyến", với sự tham dự của hàng ngàn giáo viên và phụ huynh.

  • Bộ Giáo dục & Đào tạo nói gì về việc học sinh lớp 1 học online?

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục đã chia sẻ một khảo sát từ hãng bảo mật Kaspersky: Có 55% tổng số trẻ em trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì đại dịch; trong số đó, 74% trẻ em không thích học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình và có đến 57% học sinh cảm thấy bài giảng trực tuyến khó hiểu hơn, khó tập trung hơn. Các vấn đề kỹ thuật đường truyền và thiết bị công nghệ cũng là một nguyên nhân (chiếm 60%) gây xao nhãng và giảm hứng thú học tập.

Trên thực tế, sau 1 năm học trực tuyến cũng có nhiều số liệu cho thấy tỉ lệ học sinh nhỏ có các vấn đề về giấc ngủ do các em sử dụng quá nhiều thiết bị màn hình có ánh sáng xanh bị hấp thụ hàng ngày. Các con dụi mắt liên tục, phàn nàn nhức mắt, cáu gắt và khó tập trung hơn.

Giải pháp nào cho hàng ngàn học sinh lớp 1 học  trực tuyến? -0
Các chuyên gia tư vấn cho giáo viên và phụ huynh nhằm giúp HS lớp 1 học trực tuyến hiệu quả

Tuy nhiên, theo PGS Trần Thành Nam, trong bối cảnh giáo dục đang chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, và trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, thì học trực tuyến sẽ sớm trở thành một hình thức học chính thức và sử dụng thành thạo hình thức học này sẽ là một chỉ báo của năng lực công dân số.

Tại buổi tọa đàm, nhiều phụ huynh băn khoăn, hiện nhiều trường chưa đủ điều kiện dạy học trực tuyến cho lớp 1, giải pháp nào để hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực đến tâm sinh lý trẻ nhỏ, giúp trẻ thích nghi với học trực tuyến?

Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh, giáo viên Trường Tiểu học Tô Thị Hiển, Đông Anh (Hà Nội) và nhiều giáo viên khác nêu câu hỏi: “Chúng tôi cần chuẩn bị những gì để việc học trực tuyến đạt kết quả tốt nhất”. TS. Nguyễn Quang Tiệp, Trưởng Bộ môn Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Giáo dục cho biết, với những trường đủ điều kiện dạy trực tuyến thì giải pháp then chốt là phải cấu trúc lại bài giảng phù hợp, không thể mang bài giảng truyền thống vào bài giảng trực tuyến. Các giáo viên phải “game” hóa nhiều nội dung, tạo hứng thú cho trẻ; đồng thời cô giáo phải tăng cường tuyên dương, nhắc đến tên con trong giờ học, yêu cầu đồ dùng học tập thật đơn giản và đặc biệt, mỗi tiết học chỉ nên cấu trúc 30 phút, không quá 2 tiếng/buổi học.

Giải pháp nào cho hàng ngàn học sinh lớp 1 học  trực tuyến? -0
Khi học trực tuyến, HS gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi giáo viên phải thiết kế bài giảng phù hợp

Từ Sơn La xa xôi, thầy Hoàng Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Chiềng Chăn cho hay, việc dạy trực tuyến ở trường thầy vô cùng khó khăn, 100% học sinh là người dân tộc, các em không có máy tính, điện thoại, internet cũng không có, phụ huynh không quan tâm giúp đỡ con cái học hành. Với các em học sinh lớp 1 ở trường Chiềng Chăn, hành trang hầu như không có gì. Các chuyên gia vẫn nói, với học sinh vùng sâu vùng xa, nhà trường có thể dùng phiếu bài tập nhưng không có ai hướng dẫn từng em được. Vậy câu chuyện ở Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Chiềng Chăn và rất nhiều trường học khác sẽ được giải quyết như thế nào?

Chia sẻ với những khó khăn mà thầy Hoàng Văn Tiến vừa nêu, TS Nguyễn Quang Tiệp cho rằng, việc học của các em học sinh phụ thuộc vào sự chuẩn bị trực tiếp của nhà trường, giáo viên. “Mỗi lứa tuổi có phát triển đặc thù, không thể vì lí do nào đó để trì hoãn sự phát triển khôn lớn của trẻ. Giải pháp về công nghệ là tất yếu rồi nhưng công nghệ cũng chưa đến được với các thầy. Vì vậy, phải sử dụng công cụ học tập thủ công, dạy học qua truyền hình, cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì sẽ tổ chức dạy học theo các nhóm trẻ, để các em tương tác được với nhau”, TS. Nguyễn Quang Tiệp đưa giải pháp.

Còn theo PGS Trần Thành Nam, các nhà trường phải hết sức linh hoạt, để thích nghi với “điều kiện bình thường mới”, phát huy sự đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng. Hiện có nhiều cây ATM điện thoại, ATM laptop để gửi đến các em vùng sâu, nhà trường phải nắm bắt cơ hội này…

Một vấn đề được nhiều phụ huynh, giáo viên quan tâm là nhiều HS ở vùng dịch đang chịu những tổn thất nặng nề, có em mất cha, mất mẹ không người thân bên cạnh, thì việc học trực tuyến có khả thi, giải pháp nào hỗ trợ các em?

PGS Trần Thành Nam cho rằng, giải quyết câu chuyện này thì sự đồng hành của nhà trường, giáo viên và xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng. “Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, các em cũng phải được hưởng 3 ưu tiên: Ưu tiên an toàn về mặt thể chất, các em phải được ăn, được mặc; ưu tiên an toàn về tâm lý, nên phải có kế hoạch hỗ trợ các em lâu dài và ưu tiên về học tập, ở đây cần có sự chung tay của cả cộng đồng, huy động nguồn lực tổng thể để bảo vệ các em về thể chất và tinh thần”, PGS Trần Thành Nam nói…


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO