Thêm kênh thanh toán cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

06/09/2021, 11:02

Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” đã phát triển trên các sàn thương mại điện tử thời gian qua với những hoạt động hết sức thiết thực, hiệu quả, đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của các doanh nghiệp, hợp tác xã, bộ, ngành Trung ương, sở, ban, ngành các tỉnh thành và địa phương cũng như các đối tác hợp tác trên nhiều lĩnh vực của chương trình.

Nhằm định hướng phát triển nền tảng thanh toán không tiền mặt dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhất là các đối tượng được hướng đến là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm, thủy sản tại Việt Nam, Công ty Công nghệ thanh toán toàn cầu (VISA) đã giới thiệu những giải pháp tối ưu thanh toán số và công nghệ số hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp cũng như những định hướng mà công ty đang hướng đến.

Sau sự thành công của các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phát triển năng lực thương mại điện tử qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia”, cụ thể là chương trình hỗ trợ tiêu thụ trên 9.000 tấn vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cũng như phía VISA cùng nhận ra rằng, sẽ có rất nhiều những lợi ích khi doanh nghiệp triển khai kinh doanh mặt hàng nông, lâm, thủy sản trên môi trường số.

them kenh thanh toan cho cac doanh nghiep nho va vua
Hoạt động thương mại điện tử có lợi thế trong thời gian giãn cách xã hội

Đại diện của VISA cho biết, việc kinh doanh trên môi trường số hay công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo nên một làn sóng tích cực cho sự phát triển của thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Đồng thời, hai bên đều mong muốn có thể lựa chọn những chính sách, hình thức phù hợp để hợp tác điều phối hài hòa giữa thương mại điện tử và cách thức kinh doanh của các doanh nghiệp nhằm ứng dụng, triển khai các giải pháp phù hợp về thanh toán trực tuyến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã với các sản phẩm nông sản tiềm năng của địa phương trong khuôn khổ Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” tại các tỉnh, thành trên toàn quốc.

Thông qua những kinh nghiệm triển khai các nền tảng về thanh toán, dữ liệu phân tích hay ứng dụng các công nghệ hiện đại như AI, Cyber source/email invoice... VISA mong muốn có thể cùng với các sàn thương mại điện tử đẩy mạnh việc hỗ trợ các giải pháp thanh toán trực tuyến, thuận tiện hơn cho các mặt hàng nông thủy sản ở thời điểm đại đang dịch diễn biến phức tạp này; xây dựng thói quen, hành vi mua sắm trực tuyến của doanh nghiệp hay người tiêu dùng trong tương lai, đặc biệt mong muốn mang đến một bước tiến mới trong chuyển đổi số cho lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, triển khai các giải pháp giúp các DNNVV/hợp tác xã đổi mới hình thức quản lý trong doanh nghiệp, đối soát các hoạt động kinh doanh bằng hóa đơn điện tử…

Riêng với chương trình xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam qua thương mại điện tử xuyên biên giới, VISA mong muốn có những hợp tác và hỗ trợ cụ thể nhằm thúc đẩy ứng dụng thanh toán trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường nước ngoài qua thương mại điện tử, đại diện VISA khẳng định.

Đặt trong bối cảnh của đại dịch Covid, người dân hay các doanh nghiệp đều đã có sự thay đổi nhận thức trên nhiều phương diện của chuyển đổi số. Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức song hành cùng với các nền tảng kinh doanh trực tuyến.

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, Công ty VISA có những lợi thế lớn về thanh toán quốc tế toàn cầu sẽ có thể cung cấp những giải pháp phù hợp cho các doanh nghiệp/hợp tác xã địa phương trong Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” nói chung, và cho Chương trình thương mại điện tử xuyên biên giới đang được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai hợp tác với Viettel Post để tổ chức xuất khẩu các mặt hàng nông sản ra thị trường nước ngoài. Các bên sẽ cùng nghiên cứu và xây dựng những giải pháp, chương trình phù hợp để triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt cũng như phát triển kỹ năng thương mại điện tử hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương trong thời gian tới, ông Bùi Huy Hoàng nhấn mạnh.

Có thể nói chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” đã phát triển trên các sàn thương mại điện tử thời gian qua với những hoạt động hết sức thiết thực, hiệu quả, đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của các doanh nghiệp, hợp tác xã, bộ, ngành Trung ương, sở, ban, ngành các tỉnh thành và địa phương cũng như các đối tác hợp tác trên nhiều lĩnh vực của chương trình.

Với sự cộng hưởng từ nhiều nguồn lực khác nhau, quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp/hợp tác xã địa phương nói chung hay chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng kỳ vọng sẽ được đẩy nhanh hơn nữa và đạt được những kết quả tích cực hơn nữa.

Thống kê của Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, tính đến nay, cả nước có 26.145 hợp tác xã (gồm 17.060 hợp tác xã nông nghiệp, 7.897 hợp tác xã phi nông nghiệp, 1.188 quỹ tín dụng nhân dân), 106 liên hiệp hợp tác xã và gần 120.000 tổ hợp tác, thu hút hơn 8 triệu thành viên là đại diện hộ gia đình. Điều đó càng chứng minh rằng, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là thể chế không thể thiếu, góp phần vào sự phát triển hài hòa về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa; là tất yếu đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư nhân, cá thể, đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi các tập đoàn, công ty lớn không muốn đầu tư, phát triển.

Cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số cũng đang mở ra những cơ hội và thách thức đối với toàn bộ nền kinh tế nước ta, trong đó có khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong điều kiện dịch bệnh Covid còn kéo dài, diễn biến phức tạp, không chỉ nông dân, hộ sản xuất đơn lẻ mà cả các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng phải liên kết, hợp tác với nhau mới có thể đứng vững và phát triển. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã, đang và sẽ phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nếu tận dụng tốt, tận dụng triệt để quá trình chuyển đổi số để triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO