Thái Nguyên: Siết chặt quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

01/09/2021, 10:32

Từ đầu năm đến nay, số thu của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt trên 93 tỷ đồng. Lãnh đạo Cục Thuế Thái Nguyên cho rằng, con số này là khá khiêm tốn so với thực tế số lượng các tổ chức, cá nhân kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn.

Công tác quản lý thuế còn nhiều bất cập

Ông Đỗ Trọng Nghĩa – Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên cho rằng, trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh trên mạng internet càng chiếm ưu thế, đem lại lợi nhuận “khủng” cho người kinh doanh. Tuy nhiên hiện nay, công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh này vẫn còn nhiều bất cập.

cục-thuế-thái-nguyên.jpg 
 Ông Đỗ Trọng Nghĩa - Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị “Triển khai công tác phối hợp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT” trên địa bàn. Ảnh: Cục Thuế TN

Theo Hiệp hội Thương mại Việt Nam, Thái Nguyên là tỉnh có tốc độ phát triển kinh doanh TMĐT đứng thứ 23/63 tỉnh, thành trong cả nước. Hình thức kinh doanh TMĐT phổ biến trên địa bàn tỉnh hiện nay là các tổ chức, cá nhân bán hàng qua các trang mạng xã hội như: Facebook, zalo…; bán hàng qua các sàn giao dịch TMĐT như: Shopee, Lazada, Sendo…; hoặc tự thiết lập trang website để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ…

Lãnh đạo Cục Thuế Thái Nguyên chia sẻ, không thể phủ nhận những tiện ích của loại hình kinh doanh TMĐT mang lại. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh chủ yếu mang tính tự phát đã khiến cho việc quản lý loại hình kinh doanh này gặp không ít khó khăn. Nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT luôn tìm cách trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước (NSNN) bằng cách không công khai địa chỉ nơi bán hoặc kê khai doanh thu thấp hơn nhiều so với thực tế.

Theo báo cáo của Cục Thuế Thái Nguyên, thời gian qua, cơ quan thuế đã phối hợp với các ngân hàng thương mại (NHTM) rà soát, thu thập thông tin về hoạt động kinh doanh TMĐT và đã truy thu thuế một số trường hợp, song thực tế không được nhiều. Đến nay, cục thuế mới thu thập được thông tin của 236 cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT để đưa vào diện quản lý thuế. Từ đầu năm đến nay, tổng doanh thu từ hoạt động TMĐT cơ quan thuế quản lý là trên 93 tỷ đồng. Con số này khá khiêm tốn so với thực tế số lượng các tổ chức, các nhân kinh doanh TMĐT đang hoạt động trên địa bàn.

Theo lãnh đạo Cục Thuế Thái Nguyên, mới đây qua rà soát kiểm tra, cơ quan thuế đã phát hiện một cơ sở kinh doanh TMĐT trên địa bàn TP. Thái Nguyên có doanh thu thực tế trên 20 tỷ đồng, nhưng chỉ kê khai doanh thu với cơ quan thuế chưa đến 100 triệu đồng. Điều này không chỉ gây thất thu tiền thuế lớn cho NSNN, mà còn tạo sự bất bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh, kéo theo cả những hệ lụy mà người mua có thể gặp phải.

Cần sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng

Để tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp liên quan trong quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức Hội nghị “Triển khai công tác phối hợp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT” trên địa bàn. Chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã dành nhiều nguồn lực đầu tư, thúc đẩy lĩnh vực khoa học và công nghệ phát triển, nhằm hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chuyển đổi số, tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số.

“Hình thức kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh hiện nay là khá phổ biến, phần lớn do các tổ chức, cá nhân bán hàng qua các trang mạng xã hội, tuy nhiên số thu ngân sách ở hoạt động kinh doanh này chưa tương xứng với tiềm lực, còn hiện tượng thất thu thu thuế, vì vậy cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng liên quan” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.

Để giải quyết những bất cập trong quản lý thuế với hoạt động kinh doanh TMĐT, ông Đỗ Trọng Nghĩa cho rằng, thời gian tới, cơ quan thuế rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, đặc biệt là hệ thống các NHTM. Theo đó, Cục Thuế Thái Nguyên đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp hỗ trợ cục thuế thực hiện quét các từ khóa liên quan đến hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội để tra soát các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số và có phát sinh doanh số trên địa bàn tỉnh.

Cục Thuế Thái Nguyên cũng đề nghị Sở Công thương thường xuyên cung cấp những thông tin hoạt động TMĐT của các tổ chức, cá nhân; Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp, trao đổi và cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT nhưng chưa kê khai nộp thuế được phát hiện trong quá trình theo dõi, quản lý của ngành; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh NHTM trên địa bàn cung cấp thông tin cho cơ quan thuế liên quan đến giao dịch ngân hàng của các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT…

Nhất trí cao với đề xuất của cơ quan thuế, các sở, ngành, đơn vị liên quan cam kết sẽ tích cực phối hợp với cơ quan thuế trong thời gian tới nhằm siết chặt công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Bên cạnh đó, một số NHTM cũng đề nghị việc cung cấp thông tin phục vụ hoạt động quản lý thuế phải được thực hiện đồng loạt đối với tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn, đặc biệt là phải đảm bảo tính bảo mật thông tin cho khách hàng.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, cần nghiên cứu đến các giải pháp phù hợp sao cho quản lý thuế hiệu quả nhưng cần tránh gây rào cản thúc đẩy phát triển TMĐT của các tổ chức, cá nhân…

Trên cơ sở những đề xuất và ý kiến tham gia đóng góp tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến yêu cầu thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế nhằm siết chặt quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT nhưng vẫn phải tạo thuận lợi để thúc đẩy loại hình kinh doanh được coi là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu Cục Thuế Thái Nguyên sớm xây dựng đường dây nóng để người dân cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT; đồng thời, cục thuế phải chịu trách nhiệm về việc bảo mật tuyệt đối thông tin của khách hàng được cung cấp từ phía NHTM, doanh nghiệp viễn thông…/.

Văn Tuấn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO