Tăng nóng 700% doanh thu, điều gì khiến cơn sốt đầu tư NFT nóng đến vậy?

10/11/2021, 10:43

Từ loạt doanh thu kỷ lục đến thu hút lượng quan tâm lớn từ người nổi tiếng, NFT đã gần như thắng lớn trong năm 2021. Vậy NFT là gì? Vì sao các tác phẩm nghệ thuật bằng NFT lại bán chạy đến vậy?

NFT (non-fungible token) là một đơn vị dữ liệu được lưu trữ trên blockchain, đại diện cho một tài sản kỹ thuật số duy nhất. NFT là token, nhưng không giống như các loại tiền điện tử như Bitcoin hay Ethereum, các NFT không thể hoán đổi cho nhau, mỗi token đều là duy nhất. 

Hiểu đơn giản, các tài sản hiện hữu được số hoá và lưu trữ trên blockchain sẽ gọi là NFT. NFT phổ biến dưới dạng mã hoá các tác phẩm nghệ thuật và game.

Theo dữ liệu từ công ty phân tích blockchain DappRadar, khối lượng giao dịch cho NFT đã tăng hơn 700% lên 10,7 tỉ USD chỉ trong quý thứ III của năm nay.

Một fan của tiền điện tử và 7 lần vô địch giải bóng bầu dục Super Bowl, Tom Brady là một trong những người nổi tiếng ủng hộ NFT. Vào tháng 4, ngôi sao này đã đồng sáng lập Autograph, một công ty khởi nghiệp trên thị trường NFT có trụ sở tại Los Angeles. Doanh nghiệp đã nhanh chóng ký hợp đồng độc quyền với các vận động viên như Tiger Woods, Wayne Gretzky, Derek Jeter, Simone Biles và Tony Hawk.

Theo người phát ngôn của công ty, Autograph đã bán được hơn 100.000 NFT sau khi ký kết, giá giao động từ 12 USD đến 1.500 USD mỗi mã. Sau đó, các tài sản kỹ thuật số có thể được bán trên thị trường thứ cấp của Autograph với giá hàng nghìn, hoặc đôi khi hàng triệu USD.

Giám đốc điều hành Autograph - Dillon Rosenblatt - cho biết, có 2 lý do chính khiến mọi người đổ rất nhiều tiền vào NFT.

“Mục đích mua ban đầu chỉ là sưu tập nhưng sâu xa hơn là truyền lại cho thế hệ tiếp theo". Theo ông, luôn có một niềm yêu thích đối với việc sưu tầm toàn bộ lịch sử nhân loại như đồng xu hay tem giấy.

Ông Rosenblatt cho rằng, NFT có thể là “một tầm cao hơn của sưu tập” bởi nó không thể sao chép. Quyền sở hữu và tính hợp lệ của chúng có thể được theo dõi và xác minh từ thời điểm dữ liệu được tải lên nền tảng blockchain. Bất cứ nhà sưu tập nào cũng muốn vật phẩm của mình là duy nhất và NFT đáp ứng được điều đó.

 
Bức tranh "Everydays: the First 5000 Days" của Beeple được bán dưới dạng NFT, với cái giá gần 70 triệu USD.

Lý do thứ 2 khiến nhiều người mua loại tài sản kỹ thuật số này chỉ vì họ muốn mở rộng mối quan hệ của mình, trở thành một phần của cộng đồng NFT.

“Khi ai đó thực hiện một trong những giao dịch mua NFT, cả cộng đồng NFT sẽ biết về điều đó. Cũng giống như việc bạn mua một chiếc xe thực sự độc đáo trong thế giới xe hơi vậy. Theo một cách nào đó, nó có thể là một vật phẩm rất "ngầu" với mỗi fan sở hữu" - ông nói thêm.

Autograph gắn kết cộng đồng người dùng bằng cách cấp quyền cho họ truy cập vào nhóm trò chuyện trên nền tảng Discord. Đây là nơi người mua có thể trò chuyện trực tiếp với những nhân vật nổi tiếng cung cấp NFT trên nền tảng của công ty.

Các thị trường NFT hàng đầu khác, như OpenSea, Larva Labs hoặc NBA Top Shot, cũng lập ra những nhóm Discord riêng tư. Nói một cách đơn giản, mua NFT với bất kỳ giá nào cũng có thể khiến nhà đầu tư cảm thấy được hoà mình vào cơn sốt mã ảo.

Tại Việt Nam, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát đi thông điệp: Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO