Truyền thông chủ động, đi trước về chuyển đổi số (CĐS)
Các cấp, các ngành của tỉnh cũng đã chủ động nghiên cứu, áp dụng những giải pháp đổi mới để CCHC là khâu đột phá trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Cùng với đó, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh (997) để tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho DN, nhà đầu tư.
Thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 1.532 DN đăng ký thành lập mới, thu hút mới 32 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Tính cuối tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh có 457 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư đăng ký khoảng 31,4 tỷ USD và 694 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 371.693,1 tỷ đồng.
Việc thu hút lượng lớn các dự án đầu tư vào địa phương, bên cạnh những yếu tố, điều kiện đặc thù thuận lợi trong thực hiện dự án thì công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, giải pháp đáng chú ý khi địa phương đã đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) với 09 nhóm giải pháp.
Đi đầu là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chủ trương, định hướng của tỉnh nói chung và công tác CĐS nói riêng theo tinh thần “truyền thông chủ động, đi trước”, tiến tới thúc đẩy để người dân tiếp cận về kỹ năng số và tiến tới sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến trong toàn xã hội tạo đồng thuận góp phần vào thành công chung, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023 và những năm tiếp theo.
Tiếp đó,tập trung nguồn lực triển khai theo tiến độ, lộ trình đã đề ra về nhiệm vụ CĐS, phát triển đô thị thông minh; điều chỉnh nội dung, nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo thực hiện theo kế hoạch CĐS năm 2023. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát và có đánh giá kịp thời nhằm điều chỉnh kế hoạch đảm bảo phù hợp.
Các giải pháp từ ba đến năm tập trung vào việc: vận hành chính thức Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (ĐTTM); thực hiện Quyết định số 2139/QĐ-UBND nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến, đảm bảo hoàn thành công tác số hóa dữ liệu về hồ sơ TTHC trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC xử lý trực tuyến theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ; hoàn thiện hạ tầng Mạng diện rộng của địa phương, mạng diện rộng của tỉnh (WAN)…
Bốn giải pháp cuối cùng tập trung: Phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng; tiếp tục duy trì tốc độ phát triển các chỉ tiêu với đối tượng hộ gia đình, người dân từ 15 tuổi trở lên và hạ tầng viễn thông liên quan đến CĐS; thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa CĐS; có chế độ đãi ngộ và quan tâm đúng mức cho lực lượng làm công tác CĐS của tỉnh…
Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC
Mới đây, thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, DN, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đồng bộ các giải pháp về CCHC.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa cải cách TTHC; Tập trung đẩy mạnh rà soát, mạnh dạn sửa đổi, bổ sung hoặc dứt khoát đề xuất các cấp có thẩm quyền bãi bỏ TTHC, quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí tuân thủ, nhất là của người dân, DN tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là pháp luật chuyên ngành.
Tăng cường phân cấp, ủy quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi công vụ các cấp, tăng cường giám sát kiểm tra, đôn đốc trong giải quyết TTHC để giảm tầng nấc trung gian và nhanh chóng, kịp thời chấm dứt tình trạng kéo dài thời gian giải quyết qua nhiều cơ quan, đơn vị. Theo dõi sát, kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho người dân, DN; không để tình trạng kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm gây tốn kém chi phí, thời gian đi lại của người dân và DN.
Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch đầy đủ TTHC theo quy định, 100% hồ sơ TTHC của các sở, ban, ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và phải liên thông, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, DN theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện.
Tiếp đó, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC.
“100% UBND cấp xã triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; khẩn trương hoàn thành các cơ sở dữ liệu về số hoá kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực chưa được số hoá và lưu vào kho lưu trữ của tỉnh và kho cá nhân theo đúng tiến độ, đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ”, UBND tỉnh nêu yêu cầu.
Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có trách nhiệm hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các giải pháp cần tập trung rà soát kỹ và cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dân dùng làm trung tâm;
Kiên quyết chưa đưa vào xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với TTHC hoặc nhóm TTHC liên thông chưa có phương án cấu trúc lại và đơn giản hóa quy trình hoặc không phát sinh hồ sơ trong ba năm gần nhất; rà soát, tạm dừng cung cấp và nhanh chóng đầu tư nâng cấp, hoàn thiện đối với dịch vụ công trực tuyến không đáp ứng được mức độ dịch vụ đã công bố, chưa thông suốt và đơn giản, thuận lợi, giảm thời gian, chi phí thực hiện hơn so với thực hiện trực tiếp hoặc qua bưu chính.
Các yêu cầu tiếp đó của UBND tỉnh đó là các sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công; Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công;
Định kỳ hàng tháng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả đánh giá Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC, dịch vụ công và danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ…
Trước ngày 01/12/2023 các Sở, ban, ngành tỉnh và địa phương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT để cấu hình quy trình điện tử vào Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; người đứng đầu thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân, DN; Chấm dứt tình trạng không trả lời hoặc trả lời chung chung, không cụ thể, không rõ ràng dứt khoát, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…
Trên cơ sở Danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình do Bộ, ngành Trung ương công bố các sở, ban, ngành phải tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thống nhất trên địa bàn tỉnh./.