Một trong những kết quả nổi bật của việc lan tỏa văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian qua là sự ra đời và phát triển của nhiều mô hình, hệ thống thư viện tại nhiều địa bàn, trường học, tạo điều kiện xây dựng môi trường đọc thuận lợi, thân thiện thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Bà Đỗ Thị Thanh Thủy (Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum) cho biết, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, hệ thống mạng lưới thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư, củng cố. Hiện tại toàn tỉnh có 1 thư viện tỉnh, 7 thư viện huyện, 51 thư viện cấp xã và nhiều thư viện khác đang được một số địa phương xây dựng, đầu tư. Bên cạnh đó, tính từ năm 2020 đến nay, Thư viện tỉnh đã bổ sung thêm gần 40.000 đầu sách, 70 loại báo, tạp chí và 1 xe thư viện lưu động đa phương tiện…
Từ nền tảng vững chắc trên, việc làn toả văn hoá đọc trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum được thực hiện một cách toàn diện và hiệu quả. Hằng năm, Bảo tàng- Thư viện tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm góp phần khơi gợi, phát triển văn hóa đọc, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng.
Mô hình câu lạc bộ sách Kon Tum là một ví dụ tiêu biểu về sự lan toả mạnh mẽ của phong trào văn hoá đọc trong cộng đồng. Chị Đỗ Thủy, chủ nhiệm câu lạc bộ sách Kon Tum chia sẻ, câu lạc bộ là nơi tụ họp của những người đam mê đọc sách. Tại đây, mọi người được thoải mái khám phá kiến thức mới mẽ thông qua sách vở, được giao lưu, trao đổi với nhau.
“Đặc biệt, ngoài việc đọc sách, câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài trời cho các bạn nhỏ trải nghiệm vui chơi. Thông qua hoạt động, câu lạc bộ còn lồng ghép kể những câu chuyện gương người tốt, việc tốt, các kỹ năng sống để giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ”, chị Thủy cho biết thêm.
Còn tại trường tiểu học Cao Bá Quát (Xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum), cô Doãn Kim Huế, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Toàn trường hiện có có 12 lớp với 352 học sinh. Thời gian qua, để hình thành thói quen, kỹ năng và phong trào đọc cho các em học sinh, bên cạnh việc duy trì mô hình thư viện truyền thống với giá sách và bàn đọc, nhà trường xây dựng mô hình “Tủ sách tại lớp” với 100 đầu sách tại mỗi lớp và thực hiện luân chuyển sách theo từng tuần. Ngoài ra, để truyền cảm hứng đọc cho các em, trong các buổi sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần, các buổi chào cờ, hoạt động ngoại khóa, nhà trường thường chọn những quyển sách hay, ý nghĩa để giới thiệu và thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ, kể lại những câu chuyện, tác phẩm mà các em đã đọc bằng cách sân khấu hóa.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, cán bộ thư viện của trường tiểu học Phan Đình Phùng (Thành phố Kon Tum) cho hay, với sự hỗ trợ luân chuyển sách cùng với các hoạt động ý nghĩa của những chuyến xe “Thư viện lưu động” đã giúp những giờ đọc sách của các em học sinh thêm ý nghĩa. Học sinh của nhà trường được đọc và tra cứu nhiều cuốn sách hay, bổ ích và biết cách khai thác tài liệu để đọc sách hiệu quả hơn.
Em Phạm Nguyễn Nguyên Sa, học sinh lớp 4D, trường tiểu học Phan Đình Phùng vui vẻ chia sẻ: “Em rất yêu sách và từng tham gia nhiều cuộc thi về sách do nhà trường và địa phương tổ chức. Em cũng thường xuyên đến thư viện để tìm đọc những cuốn sách hay. Đặc biệt, em rất hào hứng với những chuyến xe “Thư viện lưu động”, vì tại đây, em và các bạn học sinh được đọc nhiều sách hay và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, giúp chúng em có thêm kỹ năng đọc sách hiệu quả”.
Theo ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, để văn hóa đọc ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, nhất là trong tầng lớp trẻ, rất cần sự chung sức, đồng lòng của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân cùng tích cực hưởng ứng, tham gia. Qua đó, hướng đến việc đọc sách trong mỗi người trở thành một việc làm tự giác, góp phần tăng sự hiểu biết.