Sử dụng các nền tảng công nghệ để thông tin hai chiều giữa chính quyền với người dân

07/04/2022, 09:44

Việc xây dựng, sử dụng nền tảng công nghệ số nhằm tổ chức thông tin hai chiều trong hoạt động thông tin cơ sở, hướng tới mục tiêu thay đổi phương thức cung cấp, tiếp nhận thông tin giữa chính quyền, các cơ quan quản lý với người dân.

Kế hoạch xây dựng, sử dụng các nền tảng công nghệ để tổ chức thông tin hai chiều trong hoạt động thông tin cơ sở đã được Bộ TT&TT ban hành. Cục Thông tin cơ sở là cơ quan được giao chủ trì thực hiện kế hoạch.

Theo Bộ TT&TT, việc xây dựng, đưa vào sử dụng các nền tảng công nghệ số tổ chức thông tin hai chiều giữa chính quyền, các cơ quan quản lý và người dân trong hoạt động thông tin cơ sở là nội dung thuộc tiểu dự án giảm nghèo về thông tin trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, các nền tảng công nghệ để tổ chức thông tin hai chiều trong hoạt động thông tin  cơ sở bao gồm: Nền tảng công nghệ cung cấp thông tin nguồn và quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở; Nền tảng công nghệ tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh của người dân; Nền tảng công nghệ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thông tin, tuyên truyền.

Sử dụng các nền tảng công nghệ để thông tin hai chiều giữa chính quyền với người dân
Một trong những mục tiêu của kế hoạch là đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở. (Ảnh minh họa: Văn Quân)

Với nền tảng công nghệ cung cấp thông tin nguồn và quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở, một trong những yêu cầu đặt ra là đảm bảo cung cấp thông tin nguồn từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện cho các hệ thống thông tin cơ sở trên toàn quốc: Đài truyền thanh ứng dụng CNTT - Viễn thông, bảng tin điện tử công cộng, cổng/ trang thông tin điện tử cấp huyện và cấp xã... Cùng với đó, nền tảng cần quản lý và đánh giá được hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở trên toàn quốc.

Nền tảng công nghệ tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh của người dân gồm các nội dung: đảm bảo có thể tiếp nhận, xử lý và tổng hợp được thông tin phản ánh của người dân ở xã, phường, thị trấn trên toàn quốc; đảm bảo cấp trên có thể nhìn quá trình và kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, của cấp dưới; đồng thời tích hợp được các giải pháp Chatbot, AI... trong việc tiếp nhận, phân luồng và xử lý thông tin phản ánh của người dân.

Đối với nền tảng công nghệ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thông tin, tuyên truyền, yêu cầu là phải đảm bảo có thể tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng; lưu trữ và cung cấp tài liệu, bài giảng cũng như tổ chức thi và cấp chứng chỉ cho cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền.

Kế hoạch của Bộ TT&TT về xây dựng, sử dụng các nền tảng công nghệ để tổ chức thông tin hai chiều trong hoạt động thông tin cơ sở nhằm mục đích thay đổi phương thức cung cấp thông tin thiết yếu của chính quyền, các cơ quan quản lý và tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người dân trên môi trường số. Thực hiện thông tin hai chiều để người dân tiếp nhận thông tin thiết yếu và phản ánh về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở thông qua hoạt động thông tin cơ sở.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở theo mô hình kết hợp giữa tập trung và phân quyền quản lý theo cấp hành chính: Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện có thể giám sát, đánh giá được hiệu quả hoạt động thông tin tuyên truyền ở xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, kế hoạch hướng tới đổi mới phương thức tổ chức tập huấn, đưa nội dung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thông tin tuyên truyền trên nền tảng trực tuyến để cán bộ thông tin, tuyên truyền các cấp có thể tự học, tự thi, tự kiểm tra, đánh giá kết quả, giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí. Tạo diễn đàn trực tuyến cho cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền trao đổi, học tập kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền.

Bộ TT&TT cũng lưu ý, việc thực hiện kế hoạch xây dựng, sử dụng các nền tảng công nghệ để tổ chức thông tin hai chiều trong hoạt động thông tin cơ sở cần có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan thuộc Bộ TT&TT, các sở, ngành của địa phương và các doanh nghiệp liên quan. 

Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia được phê duyệt tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã xác định phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Tại Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, Bộ TT&TT chỉ rõ: Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng; càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn. Bộ TT&TT đặt mục tiêu sẽ hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Vân Anh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO