Tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025

02/04/2022, 10:16

Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/3/2022, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP.; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%...

Chiến lược xác định phát triển số với việc tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số, trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng và kiên cường trước các thách thức trong thế giới nhiều biến động khó dự báo trước.

Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Phát triển xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; và tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

Các mục tiêu kinh tế số
Các mục tiêu kinh tế số

Theo Chiến lược, kinh tế số sẽ gồm: kinh tế số ICT; kinh tế nền tảng và kinh tế số ngành. Chiến lược đặt mục tiêu phát triển kinh tế số ICT với trọng tâm là doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam, hài hòa với thu hút FDI có chọn lọc, gia tăng hàm lượng xuất khẩu. Phát triển kinh tế số nền tảng với với trọng tâm là các nền tảng số quốc gia, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực. Phát triển kinh tế số ngành với trọng tâm là ưu tiên đưa vào sử dụng các nền tảng số dùng chung, thống nhất trong từng ngành, lĩnh vực.

Về mục tiêu phát triển xã hội số, Chiến lược nêu rõ, xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống. Người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số; từ đó hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.

Mục tiêu xã hội số
Mục tiêu xã hội số

Các đặc trưng cơ bản của xã hội số bao gồm: công dân số, kết nối số và văn hóa số. Phát triển xã hội số đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại số, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới, làm giàu đời sống tinh thần của người Việt Nam. Phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số, đồng thời bảo vệ người dân trước các mối nguy cơ, đe dọa trong xã hội số.

HOÀN THIỆN THỂ CHẾ SỐ, TẠO NỀN MÓNG CHO KINH TẾ SỐ VÀ XÃ HỘI SỐ

Chiến lược xác định thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Chiến lược nêu ra các 16 nhóm nhiệm vụ và 8 nhóm giải pháp để đưa công nghệ số và dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên mặc định vào mọi mặt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Để phát triển nền móng cho kinh tế số và xã hội số, trong giai đoạn 2022-2025, Chiến lược nêu rõ danh mục các nhiệm vụ giải pháp hoàn thiện thể chế số, phát triển hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng, phát triển nhân lực số; phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số; doanh nghiệp số; thanh toán số. 

Chiến lược nhấn mạnh, hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý sẽ có mức độ ưu tiên cao nhất, được lồng ghép trong tất cả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số và xã hội số. Điểm đột phá chính là ban hành chính sách, quy định thúc đẩy các hoạt động trực tuyến diễn ra nhiều hơn, rẻ hơn, nhanh hơn và an toàn hơn.

Theo đó sẽ xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực thi Luật giao dịch điện tử sửa đổi và các văn bản hướng dẫn luật để công nhận đầy đủ tính pháp lý của hồ sơ, dữ liệu, chứng từ điện tử và giao dịch điện tử; tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử. Từ đó giúp việc thực hiện giao dịch điện tử mang lại nhiều lợi ích hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng và an toàn hơn.

Ngoài ra sẽ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các dịch vụ số mới, mô hình kinh doanh kinh tế số mới chưa được pháp luật rõ ràng. Đồng thời nghiên cứu, hàn thiện thể chế, pháp luật cho kinh tế số, xã hội số; Quy định quản lý và phát triển kinh tế số nền tảng, hoạt động của các nền tảng số, dịch vụ số và giao dịch trực tuyến…

Về hạ tầng số, sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược phát triển hạ tầng số theo hướng hạ tầng phải đi trước, đi nhanh và Việt Nam làm chủ công nghệ. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai chiến lược, lộ trình số hóa và thông minh hóa các lĩnh vực hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế số và xã hội số.

Riêng trong thanh toán số, sẽ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài cính trong lĩnh vực ngân hàng. Rà soát, sửa đổi quy định, chính sách về tài chính, phí, lệ phí theo hướng loại bỏ rào cản thanh toán không dùng tiền mặt; từ đó khuyến khích người dân thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt…

Đổi mới công nghệ và nghiệp vụ hệ thống thanh toán liên ngân hàng; nâng cấp phát triển hệ thống thanh toán bù trừ điện tử, đáp ứng yêu cầu về số lượng giao dịch, đặc biệt là các giao dịch thanh toán vi mô, giá trị nhỏ dự kiến sẽ bùng nổ trong nền kinh tế số. Bên cạnh đó sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách về tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ Blockchain.

Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược và định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO