Siết chặt trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường

11/03/2022, 18:08

(NLĐO)– Nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm thu gom, tái chế và xử lý rác thải có nguồn gốc từ các sản phẩm mà đơn vị mình đưa ra thị trường.

Ngày 11-3, Hội thảo phổ biến và tập huấn thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường diễn ra tại TP HCM theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo do Bộ TN&MT tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 400 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu. 

Siết chặt trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường - Ảnh 1.

Hội thảo phổ biến và tập huấn thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TN&MT Phan Tuấn Hùng, EPR là cách tiếp cận của chính sách môi trường. Theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu một loại sản phẩm, hàng hóa được mở rộng qua giai đoạn sản phẩm, tới khi hàng hóa đó được thải bỏ.

"EPR yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm về môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm bao gồm các khâu từ thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ" – ông Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh.

Siết chặt trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường - Ảnh 2.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TN&MT Phan Tuấn Hùng phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo cũng đã chia sẻ, giới thiệu các quy định chi tiết về EPR theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đăng ký, kê khai, báo cáo trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì; kê khai trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải.

Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu có 2 trách nhiệm. Thứ nhất, tái chế sản phẩm, bao bì đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế. Thứ hai, thu gom, xử lý chất thải đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải.

Cụ thể, nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì gồm: săm lốp; pin và ắc quy; dầu nhớt; các sản phẩm có bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón…); điện và điện tử; phương tiện giao thông phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì. Họ có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế.

Siết chặt trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường - Ảnh 3.

Đối tượng, lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì

Nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì gồm: thuốc bảo vệ thực vật; pin sử dụng một lần; tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su; thuốc lá; một số sản phẩm, hàng hóa chứa thành phần nhựa tổng hợp (bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nội thất…) phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải, tính từ ngày 01-01-2022.

Siết chặt trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường - Ảnh 4.

6 nhóm sản phẩm, bao bì yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 01-01-2022.

Theo đại diện Bộ TN&MT, tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam dùng để hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì hoặc hoạt động thu gom, xử lý chất thải.

Siết chặt trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường - Ảnh 5.

Hai hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế đối với các nhà sản xuất, nhập khẩu

Phát biểu kết luận Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TN&MT Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường là quy định không mới. Tuy nhiên, Bộ sẽ có những cách tiếp cận mới.

"Có thể sẽ có những khó khăn, EPR cũng đang trong quá trình hoàn thiện dần. Tôi sẽ ghi nhận những khó khăn và có những điều chỉnh hoàn thiện" – ông Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh.

LÊ VĨNH


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO