Theo báo cáo về các chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam trong điều tra về trẻ em và phụ nữ 2020-2021, kỷ luật bạo lực được áp dụng như một phương pháp xử phạt trẻ em phổ biến tại Việt Nam. Việc xử phạt bằng bạo lực đã trở nên ngày càng phổ biến và ảnh hưởng đến hơn 70% trẻ em từ 1 đến 14 tuổi.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và tỷ lệ sử dụng internet và sử dụng điện thoại thông minh nhanh nhất, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên. Sự xâm nhập của hoạt động trực tuyến đã làm gia tăng mức độ phơi nhiễm của giới trẻ với mọi hình thức bạo lực và công nghệ kỹ thuật số cũng có mối liên hệ không thể phủ nhận được với sự leo thang của nạn buôn bán trẻ em và bóc lột tình dục.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng công bố website “Bảo vệ trẻ em, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội” . |
Những vấn đề về bạo lực trẻ em và rối loạn sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội ở trẻ em vốn đã nghiêm trọng từ trước, đại dịch COVID-19 diễn tra trong hơn 2 năm qua đã làm gia tăng xâm hại và bạo lực giới, bạo lực trẻ em và gia tăng vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em.
Nhằm tạo ra không gian mạng an toàn lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên có thể tìm hiểu và học hỏi kiến thức và kỹ năng cần thiết, giao lưu mở rộng mối quan hệ một cách lành mạnh, tăng cường sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của các em, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hợp tác với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (DOLISA) Đà Nẵng, Trung Tâm Công tác Xã Hội Đà Nẵng cùng sự tư vấn và hỗ trợ công nghệ của Công ty cổ phần công nghệ Hekate đã triển khai xây dựng website “baovetreemdanang.vn” và Ứng dụng di động “Tre em DaNang” Đồng thời, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên tại Đà Nẵng trên nền tảng công nghệ số.
Trang web hướng tới 3 đối tượng tham gia là trẻ em, phụ huynh và chuyên gia. Thông qua trang web trẻ có thể chia sẻ toàn bộ câu chuyện của mình, đặc biệt là về các vấn đề bạo lực và lạm dụng tình dục, theo cách ẩn danh nhất. Trẻ em chỉ cần đăng ký bằng số điện thoại hoặc email để quản trị viên có thể nhận dạng và bảo vệ trẻ khi cần thiết.
Bên cạnh đó, các chuyên gia có thể cung cấp cho trẻ những bài học về cách tự bảo vệ bản thân, trang bị kiến thức để nhận biết người xấu, hành vi xấu và từ đó cải thiện sức khỏe tâm thần của trẻ.
Thông qua trang web trẻ có thể chia sẻ toàn bộ câu chuyện của mình, đặc biệt là về các vấn đề bạo lực và lạm dụng tình dục, theo cách ẩn danh nhất. (ảnh: LT) |
Ứng dụng gồm 3 tính năng: kho dữ liệu giúp trẻ em và người dân tiếp cận và cập nhật những văn bản chính sách liên quan đến trẻ em; khảo sát lắng nghe và thu thập ý kiến của trẻ em và thanh thiếu niên thành phố; là nơi để trẻ em, thanh thiếu niên và người dân góp ý về các chủ đề liên quan đến trẻ em.
“Các nền tảng online đang là hình thức phù hợp với xu thế và tâm lý của trẻ em trong thời đại công nghệ hiện nay, do đó, chúng tôi mong rằng việc ra mắt web và ứng dụng sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận của trẻ em đến các dịch vụ hỗ trợ. Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực duy trì và phát triển hai nền tảng này với hy vọng Đà Nẵng sẽ là một môi trường thân thiện, an toàn với trẻ em và thanh thiếu niên được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần” – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng Lê Văn Minh cho biết.