Vừa qua, một số đối tượng lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng đã bị bắt giữ, xử lý. Tại Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ðống Ða đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thành Ðại (trú tại huyện Thái Thụy, Thái Bình), Ðào Thị Thu Hà và Ðào Tiến Anh (trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ðây là các đối tượng lập trang bán hàng trên mạng xã hội rồi tuyển cộng tác viên bán hàng và quảng cáo với cam kết chiết khấu cao. Sau đó, nhóm này tìm mua các loại túi xách giá rẻ rồi lừa cộng tác viên đặt mua ba chiếc túi xách với tổng số tiền 22 triệu đồng.
Trước đó, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã triệt phá vụ án nhóm lừa đảo gồm gần 50 người do Lê Bá Hải (trú tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cầm đầu đã dùng thủ đoạn tuyển cộng tác viên đăng bài bán bản vẽ thiết kế trên mạng xã hội lừa đảo 5.000 bị hại ở khắp cả nước, chiếm đoạt số tiền hơn 100 tỷ đồng.
Các đối tượng lập ra trang web, Facebook… có tên, hình ảnh giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử được nhiều người biết đến rồi tiếp cận một số người nhẹ dạ, cả tin và có nhu cầu kiếm tiền nhanh. Ðối tượng gửi đường dẫn các sản phẩm có giá trị nhỏ khoảng vài trăm nghìn đồng để bị hại xác thực đơn và chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau đó, đối tượng sẽ chuyển lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra mua hàng cùng với hoa hồng (có thể lên đến hơn 20%).
Sau một số lần tạo niềm tin bằng cách trả gốc và hoa hồng đúng cam kết, đối tượng viện một số lý do để không tiếp tục chuyển tiền mà yêu cầu cộng tác viên lấy thêm hàng với số lượng lớn. Khi đã chuyển tiền và nhận về số lượng lớn hàng hóa, nạn nhân mới phát hiện số hàng có giá trị rẻ hơn rất nhiều lần so với giá trị thực tế. Liên hệ theo địa chỉ được các đối tượng cung cấp để trả hàng lại, cộng tác viên mới biết đó là địa chỉ giả.
Chị P.T.D, trú tại quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, do công việc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chị có đăng thông tin tìm việc làm bán thời gian trên một số trang tuyển dụng. Không lâu sau, một tài khoản Zalo có tên "Quynh Anh" nhắn tin cho chị D liên hệ trao đổi công việc làm cộng tác viên bán hàng cho một nhãn hàng mỹ phẩm khá nổi tiếng. Sau khi chấp nhận hợp tác, chị D được phát hành hai đơn hàng và thanh toán 2 triệu đồng theo giá sản phẩm. Các lần chuyển tiền xong, chỉ mấy phút sau, chị D nhận được tiền gốc và 10% hoa hồng. Ðến đơn hàng thứ 3, có giá 4 triệu đồng, chị D chuyển tiền nhưng mãi không được hoàn tiền và hoa hồng.
Hỏi tài khoản "Quynh Anh" thì được biết, để tiếp tục nhận tiền như cam kết, chị D phải đáp ứng nhiều yêu cầu từ phía nhà cung cấp. "Tôi được yêu cầu phải hoàn thành các đơn hàng có giá trị hàng chục triệu đồng thì mới được hưởng quyền lợi như thỏa thuận trước đó. Khi tôi hỏi cụ thể về địa chỉ công ty và số điện thoại liên lạc thì tài khoản "Quynh Anh" không trả lời. Mấy hôm sau, tài khoản này cũng chặn tương tác với tôi. Ðến lúc này tôi mới biết mình bị lừa", chị D chia sẻ.
Theo bà Hoàng Chi, chủ một thương hiệu mỹ phẩm tại Hà Nội, cộng tác viên bán hàng là người hợp tác với các công ty, nhãn hàng để bán hàng, giới thiệu sản phẩm. Những người này phải có sự am hiểu về sản phẩm để không chỉ giới thiệu mà còn tư vấn, giải đáp thắc mắc cho khách hàng và thường xuyên báo cáo tiến độ, tình hình bán hàng. Các công ty, nhãn hàng sẽ không tuyển các cộng tác viên một cách dễ dãi mà có tiêu chí rõ ràng, nhất là về khả năng giao tiếp, kiến thức mạng xã hội và marketing. Các chính sách đưa ra đối với cộng tác viên cũng phải cụ thể để có sự hợp tác lâu dài. Vì thế, khi thấy có người liên hệ để tuyển cộng tác viên mà thủ tục đơn giản, người tuyển dụng không yêu cầu về trình độ, sự am hiểu về lĩnh vực bán hàng mà chỉ phải "ôm hàng" hoặc đóng các khoản phí mập mờ thì phải hết sức cảnh giác.
Thượng úy Phạm Khánh Hòa, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng tuy không phải là thủ đoạn mới nhưng phương thức thực hiện của các đối tượng ngày càng tinh vi, khó phát hiện, xử lý. Ðể đấu tranh với loại tội phạm này, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân biết phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm nêu trên; chú trọng nắm tình hình, chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật.