Đề án “Xây dựng phân hệ chức năng Kho quản lý dữ liệu điện tử trên Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh” đã được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt tháng 7/2021, Sở TT&TT phối hợp Văn phòng UBND tỉnh hoàn thành việc xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử thủ tục hành chính.
Đây là nơi quản lý, lưu trữ tập trung các hồ sơ và kết quả trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; người dân không phải cung cấp lại thông tin, giấy tờ khi thực hiện thực hiện thủ tục nếu như thông tin đó được lưu trữ sẵn trong kho dữ liệu.
Khi thực hiện thủ tục hành chính, với những dữ liệu đã được lưu trữ trên kho, người dân và doanh nghiệp tại Quảng Bình sẽ không phải cung cấp lại. |
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, Trung tâm Hành chính công tỉnh, UBND cấp huyện và xã chỉ đạo Bộ phận một cửa và cán bộ, công chức chính thức áp dụng Kho quản lý dữ liệu điện tử thủ tục hành chính và triển khai quy trình số hóa các loại hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết đối với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết (đối với các hồ sơ mới tiếp nhận).
Cụ thể, số hóa các loại hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết theo quy định tại Đề án, sau đó lưu trữ trên Kho quản lý dữ liệu điện tử của Cơ quan giải quyết.
Cùng với đó, thực hiện chuyển trả hồ sơ, kết quả giải quyết thủ thục hành chính lên Kho quản lý dữ liệu điện tử của công dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công tỉnh, bao gồm: Kết quả giải quyết thủ tục hành chính; các loại hồ sơ, giấy tờ, văn bản thẩm định mà pháp luật quy định phải trả kèm kết quả giải quyết cho công dân, doanh nghiệp.
“Kết quả giải quyết chuyển trả lên Kho quản lý dữ liệu điện tử của công dân, doanh nghiệp bắt buộc phải được gắn mã kết quả thủ tục hành chính và xác thực bằng chữ ký số”, UBND tỉnh Quảng Bình hướng dẫn rõ.
Việc Quảng Bình chính thức áp dụng Kho quản lý dữ liệu điện tử của công dân, doanh nghiệp và triển khai số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính cho thấy quyết tâm của địa phương này trong việc tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Việc chính thức vận hành Kho quản lý dữ liệu điện tử của công dân, doanh nghiệp cũng được nhận định là một trong những giải pháp cốt lõi để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được thuận lợi; người dân, doanh nghiệp không phải cung cấp lại những dữ liệu mà cơ quan nhà nước đang quản lý.
Trên quy mô toàn quốc, theo số liệu của Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua được đẩy mạnh, hiệu quả ngày càng được khẳng định.
Tính đến trung tuần tháng 8, đã có khoảng 97,3% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đã được cung cấp online mức độ 4; khoảng 40% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, tỷ lệ này cùng kỳ năm 2021 mới chỉ đạt hơn 28%; hơn 51% dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ, tỷ lệ này cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 32%.
Đặc biệt, gần đây, nhiều địa phương đã có những sáng kiến, cách làm hay để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, đã có 18 tỉnh, thành phố ban hành văn bản giao chỉ tiêu cho từng cơ quan nhà nước trên địa bàn về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến; 5 địa phương gồm TP.HCM, Lạng Sơn, Thái Bình, Quảng Ngãi, Thái Nguyên đã ban hành chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến như giảm thời gian, chi phí sử dụng dịch vụ.
Vân Anh