Tgày 8/9, Tạp chí Hải quan tổ chức Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp với chủ đề: "Hải quan Việt Nam tạo thuận lợi cho thương mại và logistics phát triển" và tôn vinh "Doanh nghiệp nộp thuế lớn, tuân thủ tốt pháp luật về hải quan".
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định, ngành hải quan đã xác định tạo thuận lợi thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành.
Với những kết quả đạt được toàn diện trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa giai đoạn 2011-2020 là tiền đề để ngành hải quan trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022.
Với mục tiêu tổng quát là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh.
Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan, quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Tổng Biên tập Tạp chí Hải quan Vũ Thị Ánh Hồng cho biết, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đại dịch COVID-19 bùng phát, tình hình xung đột Nga - Ukraine... ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, ngành hải quan đã có nhiều giải pháp đồng bộ trong tạo thuận lợi thương mại nhằm đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thông suốt.
Theo thống kê, năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019; năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,55 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020; 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo bà Vũ Thị Ánh Hồng cho rằng, cơ quan hải quan đã luôn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp để hỗ trợ xuất nhập khẩu đảm bảo nguồn nguyên liệu, chuỗi cung ứng, cũng như đẩy nhanh thủ tục thông quan, từ đó lấy lại tốc độ tăng trưởng nhanh cho xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phục hồi nền kinh tế.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Hải quan Việt Nam đã có nhiều chương trình kết nối, đồng hành cùng doanh nghiệp như kế hoạch phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp và các bên liên quan; chương trình doanh nghiệp ưu tiên; chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan...
Qua đó, đã đẩy mạnh hoạt động tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí cho doanh nghiệp, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hải quan, thiết lập quan hệ đối tác tin cậy giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp.
Trước bối cảnh tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu, giao lưu thương mại toàn cầu, trước đòi hỏi ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp, ngành hải quan đặt ra mục tiêu tiếp tục cải cách hiện đại hóa hải quan, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp.
Diễn đàn là dịp để cơ quan hải quan, cộng đồng doanh nghiệp đối thoại, trao đổi về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan, nhằm thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu và logistics phát triển, đóng góp vào sự phục hồi kinh tế trong trước mắt và cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.
Tại Diễn đàn, các diễn giả cũng chia sẻ về quản lý nhà nước về hải quan để cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đang kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, các cơ quan có liên quan nắm bắt và tin tưởng vào quá trình cải cách, hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam.
ồng thời, giới thiệu định hướng cải cách hiện đại hóa quản lý của ngành hải quan giai đoạn phát triển mới như: Cải cách quy trình thủ tục hải quan, chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan; cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành,…
Cũng tại diễn đàn, Tạp chí Hải quan tổ chức tôn vinh 9 "Doanh nghiệp nộp thuế lớn, tuân thủ tốt pháp luật Hải quan" thể hiện sự quan tâm, đồng hành, cam kết mà ngành hải quan mang đến cộng đồng doanh nghiệp với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại và logistics phát triển; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế./.