Ngày nay dữ liệu là nguyên liệu đầu vào chủ chốt tạo ra giá trị lớn cho tổ chức và doanh nghiệp trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. Với tốc độ tăng trưởng khối lượng theo cấp số nhân, nguồn “dầu mỏ” dữ liệu sẽ không ngừng phát triển và thôi thúc các doanh nghiệp tăng cường năng lực xử lý, phân tích biến dữ liệu thành các giá trị. Điều này đòi hỏi các tổ chức phải song song đầu tư công nghệ, cải tiến quy trình và xây dựng nguồn nhân lực có trình độ phân tích dữ liệu. Đặc biệt, khung vận hành quản lý dữ liệu cần được ưu tiên củng cố nhằm đảm bảo dữ liệu được quản trị nhất quán xuyên suốt vòng đời thông tin với chất lượng tốt nhất, từ đó hỗ trợ quá trình ra quyết định kinh doanh.
Bà Đinh Hồng Hạnh, Phó Tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tài chính, Công ty PwC Việt Nam |
Hiện nay các tổ chức tài chính đang trong lộ trình chuyển đổi số mạnh mẽ, định hướng lấy dữ liệu làm trọng tâm thúc đẩy tự động hóa, tích hợp các chương trình quản lý rủi ro và tuân thủ, xây dựng các mô hình phân tích nâng cao hỗ trợ phát triển kinh doanh. Xu thế này cũng làm thay đổi động lực triển khai các sáng kiến liên quan tới quản trị dữ liệu (QTDL) của các ngân hàng và công ty tài chính.
Các yêu cầu tuân thủ
Ở cấp độ toàn cầu, các khung chính sách và luật định sẽ ngày càng phát triển chặt chẽ, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có chiến lược và cách tiếp cận phù hợp về cách thức thu thập, lưu trữ, sử dụng và xử lý (loại bỏ) dữ liệu khách hàng. Một số bộ luật bảo mật dữ liệu quan trọng như Quy định bảo vệ Dữ liệu chung (GDPR) ở Châu Âu, Đạo luật về quyền riêng tư của người tiêu dùng (CCPA) ở California, Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân (PDP) ở Singapore,… đang ngày càng nâng cao tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên thế giới.
Bối cảnh thay đổi về luật định này buộc các tổ chức phải luôn ưu tiên nhu cầu đáp ứng tuân thủ đối với chiến lược quản lý và quản trị dữ liệu của doanh nghiệp. Trong cuộc Khảo sát Giám đốc dữ liệu Ngành Tài chính Toàn cầu do PwC thực hiện (PwC FS CDO survey) vào năm 2017, hơn một nửa các Giám đốc dữ liệu (CDO) cho cho biết họ dành từ 70%-100% ngân sách cho các hoạt động quản trị dữ liệu phục vụ tuân thủ luật định. Đến năm 2019, khảo sát này ghi nhận hầu hết CDO (91%) tiếp tục củng cố năng lực quản trị dữ liệu nền tảng của doanh nghiệp, và các nhu cầu dữ liệu hỗ trợ luật định vẫn chiếm tỷ trọng ưu tiên cao (84% phản hồi từ các CDO).
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng Cấp cao, Dịch vụ Tư vấn, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam |
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng (BCBS 239) đã quy định rất rõ các nguyên tắc tổng hợp và báo cáo dữ liệu rủi ro ngành dịch vụ tài chính nhằm tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc thông tin báo cáo.
Tại Việt Nam, Thông tư 41/2016 và Thông tư 13/2018 của Ngân hàng Nhà nước cũng có những điều mục quy định các yêu cầu về dữ liệu và hệ thống công nghệ thông tin mà các ngân hàng thương mại cần tuân thủ. Đặc biệt, hiện nay Bộ Công An cũng đang dự thảo và lấy ý kiến về Quy định Bảo mật thông tin cá nhân với các điều luật rất cụ thể về việc tiếp cận và xử lý, cùng các nguyên tắc rõ ràng về bảo mật dữ liệu cá nhân. Theo đó, nếu được ban hành, nghị định này chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến chiến lược quản trị dữ liệu của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Song hành với các yêu cầu luật định và tuân thủ liên quan tới QTDL là các chế tài xử phạt và tổn thất kinh tế lớn nếu không tuân thủ. Điển hình như Morgan Stanley đã phải nộp phạt 15 triệu đô la vì vi phạm sao lưu dữ liệu email của công ty, hay như Altaba (trước đây là Yahoo!)bị phạt 35 triệu đô la vì che đậy vi phạm thất thoát dữ liệu lớn nhất thế giới với hàng triệu người dùng đã bị đánh cắp thông tin… Rõ ràng, tuân thủ là một yếu tố nền tảng chi phối các hoạt động quản trị dữ liệu của doanh nghiệp.
Tăng trưởng kinh doanh
Kết quả khảo sát FS CDO toàn cầu năm 2019 của PwC cho thấy có sự dịch chuyển trong phân bổ ngân sách của CDO từ trọng tâm “Phòng thủ”, tức là mục đích đảm bảo tuân thủ các quy định, sang trọng tâm “Tấn công”, tức là mục đích Thúc đẩy phân tích dữ liệu, sử dụng dữ liệu hỗ trợ quá trình chuyển đổi và cải tiến liên tục. Các CDO phản hồi trong năm 2017 là 18% ngân sách phân bổ cho trọng tâm “Tấn công”, trong khi con số này lên tới 27% năm 2019.
Các động lực triển khai sáng kiến Quản trị Dữ liệu |
Theo phân tích, hầu hết CDO tham gia khảo sát vẫn tiếp tục tăng cường năng lực quản trị dữ liệu nền tảng và hỗ trợ tuân thủ luật định. Tuy nhiên, sự dịch chuyển trong phân bổ ngân sách của CDO nêu trên cũng cho thấy xu thế chuyển dần mục tiêu triển khai quản trị dữ liệu sang định hướng dữ liệu và tăng trưởng kinh doanh của các công ty tài chính.
Với vai trò là đòn bẩy gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp, hoạt động quản trị dữ liệu sẽ góp phần mang đến nhiều lợi ích, trong đó có thể kể đến:
Việc ra quyết định dựa trên dữ liệu: Hỗ trợ tổ chức lưu trữ, giám sát, kiểm tra, bảo mật và quản lý tài sản dữ liệu theo các tiêu chuẩn nhất quán xuyên suốt vòng đời dữ liệu; và cung cấp dữ liệu tổng thể, chất lượng cao phục vụ hoạt động báo cáo, phân tích nhằm tối ưu hóa giá trị mang lại từ dữ liệu.
Tối ưu hóa giá trị khai thác từ hệ sinh thái dữ liệu: Quản trị hệ sinh thái dữ liệu thúc đẩy sự hợp lực, chia sẻ dữ liệu giữa các doanh nghiệp khác nhau; và tối đa hóa các giá trị từ quan hệ đối tác khai thác chéo dữ liệu giữa các phòng ban và doanh nghiệp
Nâng cao hiệu quả hoạt động: Góp phần giảm thiểu sai sót dẫn đến phát sinh chi phí, rủi ro và giảm giá trị và cung cấp cách tiếp tổng thể ngăn ngừa và xử lý triệt để các vấn đề chất lượng dữ liệu, nâng cao hiệu quả vận hành
Gia tăng trải nghiệm khách hàng: Giảm thiểu sự phức tạp trong các hoạt động vận hành dữ liệu, đảm bảo các đơn vị nội bộ sử dụng dữ liệu nhất quán theo sát hành trình trải nghiệm của khách hàng; và nâng cao lòng tin của người dùng vào dữ liệu thông qua cơ chế phản hồi liên tục và đánh giá tác động xuyên suốt vòng đời dữ liệu
Khảo sát Giám đốc Dữ liệu Tài chính Toàn cầu năm 2019 của PwC |
Dù nằm trong chiến lược hỗ trợ Tuân thủ hay Tăng trưởng kinh doanh thì các tổ chức đều cần xây dựng một khung QTDL vững mạnh. Đây sẽ là kim chỉ nam cho tất các hoạt động quản lý dữ liệu của tổ chức. Trong đó, các yếu tố cần cân nhắc khi xây dựng khung vận hành QTDL bao gồm:
Thứ nhất, vai trò và trách nhiệm các bên liên quan tới dữ liệu phải được xác định rõ ràng, đặc biệt là quyền sở hữu dữ liệu.
Thứ hai, hệ thống chính sách, quy trình, tiêu chuẩn QTDL cần được thiết lập và áp dụng vào vận hành trong toàn doanh nghiệp.
Thứ ba, văn hóa dữ liệu và quản lý thay cần được thực hiện như các hoạt động vận hành thường nhật (BAU) đảm bảo nâng cao nhận thức dữ liệu cho toàn thể đội ngũ nhân viên. Cùng với đó, kiến trúc dữ liệu tổng thể của doanh nghiệp nên được xây dựng nhằm hỗ trợ đơn giản hóa quá trình truy xuất nguồn và vận hành xử lý dữ liệu.
Xuyên suốt vòng đời dữ liệu, cần áp dụng khung quản lý chất lượng dữ liệu với các tiêu chí đánh giá rõ ràng và cơ chế đo lường, giám sát và cải thiện chất lượng hiệu quả. Cuối cùng, hệ thống hạ tầng và các giải pháp CNTT tiên tiến sẽ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tự động hóa các hoạt động QTDL, giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng triển khai QTDL.
Nguồn tài liệu tham khảo: - “Morgan Stanley Sued for Repeated Email Production Failures” - https://www.sec.gov/news/press/2006/2006-69.htm - “Altaba, Formerly Known as Yahoo!, Charged With Failing to Disclose Massive Cybersecurity Breach; Agrees To Pay $35 Million” - https://www.sec.gov/news/press-release/2018-71 - “PwC Financial Services Chief Data Officer Survey - October 2019” |