VnReview lược dịch bài viết của tác giả Carey Baraka từ trang Rest of World.
Siêu dự án thành phố thông minh hiện đại nhất lục địa đen ngốn chi phí 14,5 tỷ USD. Nhưng sau 13 năm, thành phố thông minh Konza hoành tráng và tràn ngập công nghệ vẫn chỉ là một lời hứa. Sự thật chỉ có những bãi đất trống, tiếng máy xúc và xe tải đang thi công hối hả dưới cái nắng gay gắt của Châu Phi. Những lo ngại về việc chậm tiến độ và vỡ kế hoạch đang hiện hữu, khi người ta quan sát kỹ hơn "cơn ác mộng" Konza.
Vai trò của McKinsey
Cuối thập niên 90, McKinsey & Company, tập đoàn tư vấn và quản lý toàn cầu thành lập năm 1926, đã bắt đầu thực hiện các dự án "thành phố tương lai" ở châu Á. Một số nước tham gia có thể kể đến như Ấn Độ hay Malaysia. McKinsey trở thành một trong những công ty tiên phong trong việc triển khai các dự án thành phố thông minh trên toàn cầu.
Trong một báo cáo các thành phố thông minh châu Á năm 2018 do McKinsey Global Institute thực hiện, hãng viết: "Động lực xây dựng thành phố thông minh xuất phát từ mong muốn tạo ra một môi trường mới, có thể giải quyết các vấn đề công cộng. Nói cách khác, kiểu dự án này được xem là giải pháp cho các vấn đề đô thị, chẳng hạn như an toàn giao thông hay sức khỏe cộng đồng". Và khi được hỏi về tham vọng khi xây dựng Thành phố Konza, Ndemo cũng có cách nói tương tự như McKinsey. Ông nói: "Chúng ta cần dạy người Kenya cách đổi mới. Đó là ý tưởng của Konza".
Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Kenya là một trong những quốc gia đầu tiên mà McKinsey nhắm tới. Toàn bộ chiến lược xây dựng Konza được lập ra bởi chính phủ Kenya và McKinsey & Company. Lúc đầu, công ty này chỉ tập trung ở thị trường châu Á, nhưng từ những năm 2000, trọng tâm dần chuyển sang các nước châu Phi. Các chuyên gia cho biết, chính phủ đã quá "ngây thơ" khi tưởng rằng những công ty đa quốc gia như IBM, Cisco và Siemens AG sẽ hợp tác trên mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Bài học Ấn Độ
Ở Ấn Độ, việc Narendra Modi lên làm thủ tướng vào năm 2014 đã thúc đẩy sự hợp tác của chính phủ với các công ty đa quốc gia. Trong vòng chưa đầy một năm cầm quyền, chính phủ nước này đã công bố kế hoạch xây dựng tới 100 thành phố thông minh. Nhờ sự tự vấn của Bloomberg Philanthropies, Ấn Độ xác định được những thành phố nào có tiềm năng để đầu tư. Tuy nhiên, kết quả là hàng loạt dự án đã bị trì hoãn vô thời hạn và bị "khai thác" bởi các công ty công nghệ.
Chiến dịch Andhra Pradesh Vision 2020 do McKinsey tư vấn cho chính phủ Ấn Độ đã gây ra những hậu quả khủng khiếp. Cụ thể, công ty này đưa ra khuyến nghị phải thay thế nhà đầu tư quy mô nhỏ bằng tập đoàn lớn. Để làm được điều này, Ấn Độ đã nới lỏng luật đối với các hoạt động thương mại trong khu vực, vì McKinsey cho rằng chính những quy định này đã ngăn cản các doanh nghiệp lớn đầu tư vào bang Andhra Pradesh của Ấn Độ.
Chẳng bao lâu sau, nhiều vấn đề tồi tệ bắt đầu xuất hiện, hàng triệu nông dân mất đất để nhường chỗ cho các tập đoàn lớn. Không còn nhà cửa, họ phải chuyển đến sống trong các khu ổ chuột ở thành phố Hyderabad. Mất hết đất đai canh tác, nhiều gia đình lâm vào cảnh nghèo đói, không ít người chọn cách tự tử để giải thoát. Thời điểm đó, tại Ấn Độ cũng ghi nhận số vụ tự tử tăng đột biến.
Theo quan điểm các chuyên gia, những dự án quy hoạch này gây ra nhiều đau khổ cho người dân thay vì cải thiện cuộc sống. Khi tôi hỏi về các vụ tự tử và di dời dân cư ở Andhra Pradesh, McKinsey đã phủ nhận trách nhiệm và né tránh việc "lôi kéo" chính phủ Ấn Độ nới lỏng luật. Alexis Teyie, một nhà khoa học dữ liệu Kenya, cho biết một trong những vấn đề với các dự án này là các công ty tư vấn không tham gia vào quá trình thực hiện thực tế.
"Họ chỉ đề ra chiến lược và tầm nhìn, những thứ chỉ có trong tài liệu. Vì vậy, họ tự cho mình là ‘đối tác tư tưởng' của chính quyền địa phương và quốc gia. Do đó, tôi nghĩ rằng McKinsey sẽ không coi bất kỳ dự án nào của họ là thất bại vì họ đã đưa ra tầm nhìn và chiến lược phát triển", Alexs nói với Rest of World.
Tham vọng quá tầm trở thành ảo tưởng
Đây là đặc trưng điển hình của các dự án tư vấn, trong một số trường hợp, nhiều công ty đã chấm dứt hợp tác với các chính phủ không có quyền đối với dự án hay các bước để đưa dự án thành hiện thực. Điều này đồng nghĩa với việc là chỉ khi được xây dựng ở các quốc gia siêu cường và giàu có như Hàn Quốc hay Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thì dự án thành phố thông minh mới có thể hoàn thành.
Dẫu vậy, nếu để vấn đề này sang một bên, dự án Konza vẫn trông rất "nham nhở". Theo như kế hoạch ban đầu thì đúng ra Konza phải trở thành một đô thị đáng sống, nhưng các nhà quy hoạch đã không làm như vậy. Thay vào đó, họ biến Konza thành một khu vực an ninh, tập trung các khu công nghệ cao và cách xa các khu dân cư. Các chính trị gia và nhà phân tích của McKinsey vẫn nhìn thấy tiềm năng của Konza trong việc biến nó thành một trung tâm vốn toàn cầu chứ không phải một thành phố đáng sống.
Tuy nhiên, những mối bận tâm và lời bàn tán hiện đã chuyển từ Kenza sang một quốc gia khác ở Đông Phi, đó là Rwanda. "Konza đang dần chìm vào dĩ vãng vì giờ đây mọi sự tập trung đang đổ dồn vào dự án thành phố mới Kigali của Rwanda", Ndemo bộc bạch. Sau khi được hỏi liệu có đúng là các nhà đầu tư đang rời bỏ Konza để đến Kigali hay không, ông đã trả lời rằng: "Đó là sự thật, chúng tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian".
Những công nhân đang thi công một đường hầm dưới lòng đất tại Konza vào tháng 4 năm nay
Từ năm 2013 đến năm 2018, thông tin về dự án xây dựng Konza liên tục được đẩy lên các trang báo trước khi biến mất hoàn toàn. Đối với nhiều người dân Kenya, khao khát được sống trong Konza của họ đã biến mất sau nhiều năm chờ đợi trong sự "ảo tưởng". Không giống như các dự án khác của chính phủ, dự án thành phố thông minh cần sự ủng hộ của công chúng để duy trì nguồn vốn từ các nhà đầu tư.
Do đó, khi dự án bị đình trệ, các nhà đầu tư tiềm năng bắt đầu đổ dồn ánh mắt sang nơi khác. Trong khi Nairobi được xếp hạng là "thành phố thông minh nhất ở châu Phi" vào năm 2014, 2015 và 2019, rất ít người còn nhớ về Konza.
Nguy cơ chậm tiến độ đã lộ rõ
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, điều này đã bắt đầu thay đổi. Thông tin về Konza bắt đầu được đề cập trở lại trên các phương tiện truyền thông sau khi tòa nhà KoTDA thi công xong. Theo những người ủng hộ dự án, đây là một dấu hiệu tốt cho thấy rằng mọi thứ cuối cùng đã tiến triển. Sau nhiều năm gặp thách thức về kinh phí, giờ đây, dự án đang dần "hồi sinh". Các kỹ đã hoàn thành xong việc lắp đặt 500km cáp Internet ngầm và các nhà đầu tư cũng đang trở lại.
Hiện tại, vẫn chưa có một công trình nào đáng chú ý nào ở Konza. Thành phố này đang được chia thành nhiều khu đất và chưa có một con đường thực sự nào. Những khu đất phân lô để xây dựng các dự án công cộng như trường học, bệnh viện, khu liên hợp thể thạo đều trống trơn. Tenik chỉ ra rằng cơ sở xử lý nước thải vẫn đang được xây dựng và trung tâm dữ liệu mới chỉ hoàn thành xong một phần.
Theo kế hoạch gần đây nhất của KoTDA, thời gian hoàn thiện dự án vào năm 2030 đã được đổi thành thời gian hoàn thành giai đoạn đầu tiên của dự án và toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào năm 2050. Một phần lý do của sự chậm trễ này là do những người đứng đầu dự án, Ndemo và Kibaki, không còn tại vị. Năm ngoái, Tổng thống Uhuru Kenyatta đã thay đổi chính sách liên bang để đảm bảo xây dựng thành phố Northlands nhanh hơn, một dự án khu hỗn hợp trị giá 5 tỷ USD do gia đình ông sở hữu tư nhân.
Bên trong trung tâm dữ liệu tại thành phố Konza
Không có khả năng Konza sẽ đạt được hình dạng như mong đợi. Nhưng trên thực tế, không có thành phố thông minh nào trên thế giới được hoàn thiện đúng như mong đợi ban đầu của nó. Từ khi Kenya gặp khó khăn về tài chính do các khoản vay xấu của chính phủ và sự giám sát lỏng lẻo của Tổng thống Kenyatta, tương lai của Konza trở nên "mờ mịt" hơn bao giờ hết.
Trong báo cáo tài chính 2021/22, Konza chỉ được phân bổ 168 triệu USD, con số này thấp hơn so với số tiền đầu tư cho các các dự án mới khác. Bất chấp tất cả những khó khăn này, giấc mơ về một thành phố thông minh, vẫn đang được các nhà quản trị địa phương gieo rắc hàng ngày vào tâm trí người dân địa phương.
Được ước tính có tổng vốn đầu tư lên tới 14,5 tỷ USD, Konza chưa biết khi nào mới có thể trở thành hiện thực để đem lại giá trị cho người dân Kenya.
Công nghệ không phải vạn năng
Tuy nhiên, ngay cả các quản trị viên cũng phải thừa nhận rằng công nghệ không phải là tất cả. "Chỉ riêng sự lan rộng của công nghệ kỹ thuật số sẽ không mở ra bất kỳ cơ hội phát triển nào", trích dẫn lập luận của Ndemo trong Africa Journal of Management năm 2017. Phần lớn các cuộc thảo luận của những người đứng đầu trong dự án Kenya đã bỏ qua thực tế rằng công nghệ vô dụng trong việc sửa chữa các hệ thống bị lỗi.
Phối cảnh đậm chất tương lai của thành phố công nghệ được đầu tư 14,5 tỷ USD
Ví dụ cho điều này đó là một hệ thống giám sát công nghệ cao do Huawei xây dựng, được lắp đặt ở Nairobi để giảm tỉ lệ tội phạm đã phản tác dụng. Tỷ lệ tội phạm chỉ giảm trong năm đầu tiên, sau đó liên tục tăng trong những năm tiếp theo.
Một hệ thống kiểm phiếu điện tử trị giá 63 triệu USD được thiết kế để ngăn chặn can thiệp cuộc tổng tuyển cử năm 2017 ở Kenya, thậm chí còn... vô dụng hơn. Sau khi người đứng đầu cơ quan bầu cử bị sát hại vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, thông tin đăng nhập của ông được cho là đã bị ai đó sử dụng để truy cập vào hệ thống, rồi tuyên bố Kenyatta là người chiến thắng.
Do nhiều sai lệch về kỹ thuật, kết quả bầu cử được Tòa án tối cao của đất nước công bố lại vài tuần sau đó, nhưng Kenyatta vẫn chiếm một tỷ lệ khó tin lên đến 98,26% phiếu bầu. Chính thức đắc cử bất chấp sự phản đổi của công chúng. Tuy vậy, những lời đồn thổi về sức mạnh của công nghệ vẫn tiếp tục làm "mờ mắt" nhiều người. Dự án thành phố thông minh là một ví dụ, nó không phải là giải pháp cho các vấn đề kinh tế xã hội.
Hiện tại, KoTDA vẫn tiếp tục duy trì công việc xây dựng ở Konza và không ngừng quảng cáo các cơ hội đầu tư trên trang web của công ty. Họ hợp tác với đại sứ quán địa phương của Israel và vừa đề ra một chiến dịch mới nhằm giải quyết nhu cầu công nghệ của thành phố. Đối với họ, giấc mơ về một thành phố thông minh vẫn còn đó.