Quan niệm về an ninh quốc gia và an ninh phi truyền thống

26/10/2022, 10:06

Từ sau chiến tranh lạnh, nhận thức về an ninh quốc gia đã có nhiều thay đổi, khái niệm an ninh quốc gia (ANQG) mở rộng và bắt đầu xuất hiện các lĩnh vực an ninh phi truyền thống (ANPTT). Tuy nhiên, quan niệm về an ninh phi truyền thống chưa thống nhất giữa các quốc gia và trong các công trình nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới.

Tiến trình thay đổi trong nhận thức về ANQG

Có khá nhiều nghiên cứu về An ninh quốc gia đã nhắc đến Giáo sư Richard H. Ullman (Giáo sư ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Princeton, Mỹ) và cho rằng ông là người đầu tiên, vào năm 1983, đã đặt ra yêu cầu cần có nhận thức mới về ANQG. Trước đó, khi toàn cầu hóa chưa thật sự diễn ra, khái niệm an ninh truyền thống (ANTT) chỉ tập trung vào an ninh chính trị và an ninh quân sự. Richard H. Ullman lập luận rằng việc xác định ANQG chủ yếu theo thuật ngữ quân sự là quá hẹp và sai lầm, vì có nhiều mối nguy hiểm đa dạng hơn đe dọa đến ANQG. Ông đề xuất nên định nghĩa khái niệm an ninh một cách toàn diện hơn, chú ý đến những vấn đề phi quân sự có thể phá hoại sự ổn định của các quốc gia trong tương lai i .

Cũng vào năm 1983, tác giả Barry Buzan cho rằng: “Vấn đề an ninh ‘quốc gia’ hóa ra là một vấn đề an ninh hệ thống, trong đó các cá nhân, nhà nước và hệ thống đều đóng một vai trò, các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường cũng quan trọng như các yếu tố chính trị và quân sự”i . Cuốn sách này cũng là nguồn gốc của trường phái nghiên cứu an ninh Copenhagen, đặc biệt nhấn mạnh vào các khía cạnh phi quân sự của an ninh, thể hiện sự chuyển hướng khỏi các nghiên cứu an ninh truyền thống. Có thể bối cảnh chiến tranh lạnh (1947 - 1991) đã làm các chính quyền quá tập trung vào các vấn đề xung đột ý thức hệ và căng thẳng địa chính trị trong thời gian quá dài, bỏ quên các thách thức đến từ thiên nhiên, môi trường, dịch bệnh, dân số tăng nhanh, nạn đói, và nhiều vấn đề xã hội khác, khiến cho nó gia tăng theo thời gian và trở thành mối đe dọa đối với con người.

Giới nghiên cứu đã nắm bắt và chỉ ra rằng, nếu không nhận thức và ứng phó kịp thời, những mối nguy cơ đó có thể trở thành những vấn đề trầm trọng trong tương lai. Năm 1993, tác giả Joseph J. Romm đã đưa ra quan niệm mới về an ninh môi trường, năng lượng và kinh tế, cho thấy quan niệm cũ về an ninh quốc gia chỉ tập trung vào lĩnh vực quân sự đã không còn phổ biến. Các nguyên nhân tiềm ẩn gây mất an ninh quốc gia bao gồm các hành động của các quốc gia khác (ví dụ: quân đội hoặc tấn công mạng), các phần tử bạo lực phi nhà nước (ví dụ: tấn công khủng bố), các nhóm tội phạm có tổ chức như băng đảng ma tuý và cả những tác động của thiên tai (ví dụ như lũ lụt, động đất)ii .

Một sự thay đổi hết sức quan trọng nữa, đó là sự xuất hiện của khái niệm “An ninh Con người” (human security). Trước đó, quan điểm ANTT chỉ lấy chủ thể Nhà nước, Quốc gia, Chính phủ, Lãnh thổ, Chủ quyền... là trung tâm. Trong Báo cáo phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc năm 1994, các nhà soạn thảo cho rằng, trong những thập kỉ gần đây, hạnh phúc của người dân đã được thừa nhận là một thành phần quan trọng đối với ANQG. Các tác giả lập luận rằng an ninh chỉ đạt được khi các nhu cầu cơ bản của con người được đáp ứng, họ được tham gia vào cuộc sống có ý nghĩa của cộng đồng và bảo toàn phẩm giá bản thân. Khái niệm mới về “An ninh Con người” cũng đã được đưa ra bên cạnh an ninh lãnh thổ, và đặt trong sự phát triển bền vững của các quốc giai .

Năm 1994, tác giả David Dewitt phê phán quan điểm cũ “an ninh của một quốc gia phụ thuộc vào khả năng ngăn chặn hoặc đánh bại một cuộc tấn công” là không còn phù hợp. v Ngày nay đã xuất hiện những thách thức mới của thế kỷ 21 như toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, nạn khủng bố, phân biệt đối xử, đại dịch... Ở Việt Nam, nhận thức về ANQG cũng đã sớm thay đổi và mở rộng ra ngoài lĩnh vực chính trị và quân sự. Các tác giả Tạ Ngọc Tấn, Lê Văn Toan trong cuốn An ninh quốc gia - những vấn đề an ninh phi truyền thốngv đã chỉrõ ANQG ngày nay không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự, ngoại giao (an ninh truyền thống) mà gồm cả an ninh kinh tế, tài chính, xã hội, sinh thái, nhân văn, lương thực, năng lượng... và nhiều vấn đề khác (an ninh phi truyền thống); Nhận thức thay đổi, các mục tiêu cũng được mở rộng, nhưng vẫn gắn bó và phụ thuộc lẫn nhau. Mặt khác, các vấn đề ANQG không nằm ngoài bối cảnh quốc tế.

Trung tướng, PGS, TS Trần Vi Dân đã nêu ra vấn đề cần phát triển lý luận về bảo vệ ANQG dưới tất cả các góc độ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, con người, quốc phòng, quân sự, tôn giáo, dân tộcvi. Cuốn sách Những điểm mới về ANQG trong văn kiện Đại hội XIII của Đảngvi do Đại tướng, GS, TS Tô Lâm (chủ biên) là một công trình nghiên cứu luận giải sâu sắc những điểm mới trong nhận thức, tư duy về ANQG và bảo vệ ANQG trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong bối cảnh mới hiện nay, Đảng ta nhận thức toàn diện về các vấn đề ANQG, bao gồm cả an ninh truyền thống và phi truyền thống. Vấn đề an ninh con người, kết hợp giữa an ninh quốc phòng với an ninh kinh tế, văn hóa, xã hội cũng được phân tích đầy đủ trong cuốn sách này.

Tóm lại, nhận thức về ANQG đã phát triển từ trong lòng cuộc chiến tranh lạnh, và ngày càng được làm rõ hơn sau khi cuộc chiến tranh đó kết thúc, theo hướng mở rộng nội hàm khái niệm an ninh và phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa. Về cơ bản, thứ nhất, đó là sự không thỏa mãn với quan điểm cũ về ANQG khi chỉ tập trung khía cạnh chính trị và quân sự (được gọi là an ninh truyền thống). Các vấn đề an ninh mới đã được chỉ ra (được gọi là an ninh phi truyền thống) bởi nó đang trở thành những mối nguy hiểm không thua gì chiến tranh quân sự. Thứ hai, đó là sự quan tâm cao hơn về an ninh con người, thay vì trước đây mối quan tâm chỉ tập trung vào nhà nước, quốc gia. Khái niệm an ninh ngày nay đã được mở rộng từ lĩnh vực quân sự sang kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, sức khỏe, và quyền con người.

Quan niệm về ANPTT qua thực tiễn và một số nghiên cứu nổi bật

Các nhà nghiên cứu ngày càng quan tâm đến các vấn đề ANPTT, vì đó là các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, trên cơ sở nhận thức những rủi ro hiểm họa đến từ các nhân tố phi chính trị, phi quân sự và xuyên quốc gia hiện nay. Tuy nhiên, ba mươi năm đã trôi qua sau chiến tranh lạnh, giới học thuật quốc tế cũng mới chỉ thống nhất được rằng an ninh ANPTT có các đặc điểm phi quân sự, mà vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao nào về khái niệm ANPTT. Có khá nhiều cách nhận thức, xác định và gọi tên các vấn đề ANPTT. Người được cho là nhà nghiên cứu đầu tiên khởi xướng về ANPTT, Giáo sư Richard H. Ullman mô tả mối đe dọa đến ANQG là: Mối đe dọa nghiêm trọng và trong một khoảng thời gian ngắn làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân, hay có thể là mối đe dọa đáng kể làm thu hẹp phạm vi lựa chọn chính sách của chính quyền một quốc gia hoặc các tổ chức tư nhân, phi chính phủ khác.

Như vậy, ông đã mở rộng phạm vi các thách thức của ANQG bao gồm cả chiến tranh, bạo loạn, thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh... Nó tác động cả đến cuộc sống người dân và sự tồn vong của một chính quyềni . Các học giả châu Á trong Liên minh các cơ sở nghiên cứu về ANPTT ở châu Á đưa ra một khái niệm về ANPTT: “Các vấn đề ANPTT là thách thức đối với sự tồn tại và hạnh phúc của con người và các quốc gia, chủ yếu phát sinh từ các nguồn phi quân sự, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên, bệnh truyền nhiễm, thiên tai, di cư bất thường, thiếu lương thực, buôn bán người, buôn bán ma túy và tội phạm xuyên quốc gia. Những mối nguy hiểm này thường có phạm vi xuyên quốc gia, bất chấp các biện pháp khắc phục đơn phương và đòi hỏi các phản ứng toàn diện - chính trị, kinh tế, xã hội - cũng như việc sử dụng vũ lực quân sự một cách nhân đạo”x .

Trong Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực ANPTT được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ sáu giữa ASEAN và Trung Quốc, tổ chức tại Phnôm Pênh, Campuchia ngày 4/11/2002, có đưa ra cách hiểu chung giữa Trung Quốc và ASEAN về ANPTT: “Các vấn đề ANPTT như buôn bán ma túy bất hợp pháp, mua bán người bao gồm mua bán phụ nữ và trẻ em, cướp biển, khủng bố, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm mạng, đã trở thành những yếu tố bất ổn quan trọng ảnh hưởng đến an ninh khu vực, quốc tế và đang đặt ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định của khu vực và quốc tế”. Tuyên bố cũng đề xuất giải quyết các vấn đề ANPTT bằng cách tiếp cận tổng hợp, kết hợp chính trị, kinh tế, ngoại giao, luật pháp, khoa học, công nghệ và các phương thức khác.

Ngoài ra cần phải tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực để giải quyết các thách thức ANPTTx . Như vậy, mặc dù có khác nhau ít nhiều về xác định và gọi tên các vấn đề ANPTT, các học giả quốc tế thống nhất ở quan điểm, các vấn đề ANPTT có mang những đặc điểm toàn cầu và cần sự hợp tác giữa các quốc gia và khu vực trong việc giải quyết. Ở Việt Nam, nội hàm khái niệm ANPTT được quan tâm nhận thức từ khá sớm.

Các tác giả Tô Lâm và Nguyễn Xuân Yêm trong cuốn ANPTT trong thời kỳ hội nhập quốc tế đưa ra khái niệm ANPTT, là việc bảo đảm an toàn, không có hiểm nguy cho cá nhân con người, quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại trước các mối đe dọa có nguồn gốc phi quân sự như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khan hiếm nguồn lực, dịch bệnh lây lan nhanh, khủng hoảng tài chính, an ninh mạng, tội phạm nguy hiểm xuyên biên giới, chủ nghĩa khủng bố... Cũng trong cuốn sách này, các tác giả nhận định ANPTT và ANTT là hai mặt của khái niệm an ninh toàn diện. ANPTT và ANTT cùng tác động đến xây dựng chiến lược an ninh quốc gia, bảo đảm ổn định và phát triển của quốc gia. Các tác giả Phùng Hữu Phú, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Viết Thông lại đưa ra cách hiểu về ANPTT là “một loại hình an ninh xuyên quốc gia do những yếu tố phi chính trị và phi quân sự gây ra, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, phát triển và an ninh của mỗi nước, cả khu vực và toàn cầu.

Nội dung của ANPTT là những vấn đề bức thiết nổi lên hiện nay như; cạn kiệt tài nguyên, bùng nổ dân số, môi trường sinh thái cạn kiệt, xung đột tôn giáo, dân tôc, nghèo đói, bệnh tật, tội phạm rửa tiền,...”xi . Như vậy, cách định nghĩa này chỉ ra là ANPTT là an ninh xuyên quốc gia, lấy an ninh nhân loại làm trọng, chứ không còn là ANQG như khái niệm ANTT. Ba tác giả Tạ Ngọc Tấn, Phạm Thành Dung, Đoàn Minh Tuấn nhấn mạnhxi ANPTT là việc bảo đảm an toàn, không có hiểm nguy cho cá nhân con người, quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại trước các mối đe doạ có nguồn gốc phi quân sự như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khan hiếm nguồn lực, dịch bệnh lây lan nhanh, khủng hoảng tài chính, tội phạm nguy hiểm xuyên biên giới, chủ nghĩa khủng bố. Các tác giả cho rằng các mối đe doạ phi truyền thống tuy không thách thức trực tiếp chủ quyền lãnh thổ quốc gia nhưng uy hiếp, huỷ hoại các yếu tố tạo nền tảng cho sinh tồn, phát triển của cá nhân con người, cộng đồng xã hội, quốc gia dân tộc và toàn nhân loại. Phân biệt giữa ANTT và ANPTT chỉ mang ý nghĩa tương đối.

Trong nhiều hiện tượng, vấn đề, chúng có thể chồng xếp, đan cài và chuyển hóa cho nhau. Thượng tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thành nhận định: “ANPTT không phải là an ninh quân sự, mà là an ninh tổng hợp, bao gồm: các mối đe dọa đến an ninh con người và xã hội một cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái... Tổng hợp từ nhiều nghiên cứu khác nhau, nội dung an ninh phi truyền thống bao gồm: Thiếu hụt tài nguyên, bùng phát dân số, môi trường sinh thái suy giảm, xung đột tôn giáo,sắc tộc, bạo loạn và ly khai trong nước, khủng hoảng kinh tế và tài chính tiền tệ, chủ nghĩa khủng bố, tin tặc, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, nghèo đói, tội phạm ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mới nổi, tội phạm mạng, di dân, tị nạn kinh tế, dịch bệnh, kinh tế ngầm, tội phạm rửa tiền.”x

Chuyên gia Nguyễn Vũ Tùng chia sẻ nhận định rằng nhận thức về ANPTTxv phải đặt trong mối tương quan với ANTT, chúng tuy có một số đặc điểm khác nhau nhưng không loại trừ nhau mà đều là thành tố cấu thành của ANQG. ANPTT và ANTT tác động, đan xen lẫn nhau, ảnh hưởng đến việc xây dựng chiến lược, chính sách an ninh của mỗi quốc gia nhằm ứng phó với những uy hiếp, thách thức mà các thách thức ANTT và ANPTT cấu thành.Thực tế cho thấy, ANQG được bảo đảm thì người dân sinh sống trong quốc gia đó mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an ninh, an toàn... Ngược lại, khi quyền sống, quyền phát triển mọi mặt của người dân được bảo đảm thìsức mạnh tổng hợp quốc gia mới được tăng cường, nhờ đó đủ tiềm lực để bảo vệ ANQG, nâng cao vịthế quốc gia trên trường quốc tế.

Như vậy, sự khác biệt giữa các quan niệm về ANPTT phần lớn nằm ở sự phân tích mối quan hệ giữa ANTT và ANPTT. Có thể tóm tắt lại những quan điểm khác biệt đó như sau:

- ANTT và ANPTT là hai loại hình an ninh khác nhau, ANTT là an ninh quốc gia, ANPTT là an ninh xuyên quốc gia, lấy an ninh con người và an ninh nhân loại làm trọng tâm.

- ANTT và ANPTT là hai mặt của một khái niệm, đó là an ninh toàn diện.

- ANPTT là vấn đề bao trùm lên các khái niệm về an ninh đã từng có.

- Sự phân biệt ANTT và ANPTT chỉ là tương đối, trong nhiều hiện tượng, vấn đề, có thể có sự chồng xếp, đan cài, chuyển hóa cho nhau.

Tuy còn những điểm chưa hoàn toàn thống nhất, nhưng nhìn chung giới nghiên cứu công nhận sự mở rộng nội hàm khái niệm an ninh so với trước. Điều này do sự vận động của thực tiễn và bối cảnh toàn cầu hóa đã làm các vấn đề mới nảy sinh. Bên cạnh đó, thước đo để đánh giá các mối nguy cơ và rủi ro đã thay đổi, đó là an ninh con người được đề cao, không còn chỉ là an ninh nhà nước như trong các giai đoạn trước. Các nhà nghiên cứu cũng thống nhất trong việc chỉ ra rằng, giải pháp đối với các mối nguy cơ và đe dọa về an ninh không còn có thể thực hiện hiệu quả ở mỗi quốc gia đơn lẻ. Nó cần sự liên kết trên phạm vi toàn cầu, trong sự hợp tác vì một nền an ninh và tiến bộ chung của nhân loại.

Từ những rà soát, tổng hợp các quan niệm về ANPTT trên thế giới và Việt Nam, có thể nhận thấy, các nghiên cứu về ANPTT cần được tiếp tục thực hiện để hoàn thiện hệ thống lý luận về an ninh trong bối cảnh mới. Điều đó sẽ mang lại lợi ích trong việc nhận diện các thách thức, là cơ sở xây dựng các mối quan hệ hợp tác để ứng phó với những vấn đề toàn cầu và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ con người. Đối với Việt Nam, vấn đề ANPTT cần những nghiên cứu ở quy mô sâu rộng, thống nhất khái niệm, nhận diện, phân tích, đánh giá các mối nguy cơ an ninh và các đặc điểm, đặc thù của nguy cơ đó ở Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề mang tính sống còn của sự ổn định và phát triển của quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ.

PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang

Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền

i Richard H. Ullman, 1983, “Redefining Security”, International Security

i Barry Buzan, 1983, People, States and Fear: The National Security Problem in International Relations (Con người, Quốc gia và Nỗi sợ hãi: vấn đề an ninh quốc gia trong quan hệ quốc tế), Wheatsheaf Books LTD

ii Joseph J. Romm, 1993, Defining national security: the nonmilitary aspects, Council on Foreign Relations

i UNDP, 1994, Human Development Report 1994, New dimensions of human security, Oxford University Press

v David Dewitt, 1994, Common, Comprehensive, and Cooperative Security, Pacific Review.

v Tạ Ngọc Tấn, Lê Văn Toan, 2013, An ninh quốc gia - những vấn đề an ninh phi truyền thống, NXB. Chính trị - Hành chính, Hà Nội.

vi Trần Vi Dân, 2021, Đổi mới hướng tiếp cận trong nghiên cứu lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Trang thông tin điện tử, Hội đồng lý luận Trung ương.

vi Tô Lâm (chủ biên), 2021, Sách Những điểm mới về an ninh quốc gia trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

i Richard H. Ullman, 1983, “Redefining Security”, International Security

x https://rsis-ntsasia.org/about-nts-asia/, truy cập ngày 27/9/2022

x ASEAN, Memorandum of Understanding between the Association of Southeast Asian Nations (ASEAN) and the Government of the People’s Republic of China on Cooperation in the Field of Non-Traditional Security Issues, ngày 21/9/2017, https://asean.org/wp-content/uploads/2012/05/MoU-ASEAN-China-on-NTS-2017-2023.pdf (truy cập ngày 27/9/2012)

xi Tô Lâm, Nguyễn Xuân Yêm đồng chủ biên, 2002, An ninh phi truyền thống trong thời kỳ hội nhập quốc tế, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.

xi Phùng Hữu Phú, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Viết Thông, 2016, Tìm hiểu một số thuật ngữ trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

xi Tạ Ngọc Tấn, Phạm Thành Dung, Đoàn Minh Tuấn, 2018 An ninh phi truyền thống - những vấn đề lý thuyết và thực tiễn, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội.

x Nguyễn Văn Thành, tham luận “An ninh phi truyền thống, những tác động và phương thức bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn thích ứng với cuộc CMCN lần thứ tư (4.0)” tại Tọa đàm chuyên đề “An ninh phi truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Những thách thức, một số vấn đề rút ra từ Việt Nam”, ngày 26/4/2021 tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

xv Nguyễn Vũ Tùng, 2008, “Tiếp cận thách thức an ninh phi truyền thống”, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 4 (144).

* Bài viết là kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ Đề tài cấp nhà nước KX04.32: “Vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia” thuộc Chương trình khoa học xã hội trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021 - 2025” (mã số KX.04/21-25)

TÀI LIệu THAM kHẢO:

1. Trần Việt Hà (chủ biên), An ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2020

2. Lục Anh Tuấn, An ninh phi truyền thống:Từ nhận thức đến giải pháp, trang Thông tin điện tử Hội đồng Lý luận trung ương, ngày 19/7/2022


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO