Tuần qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có nhiều người bị lừa mất tiền vì thiếu xác minh tin nhắn mượn tiền của bạn bè, người thân qua zalo.
Anh T. đang điện thoại xử lý tiếp các tình huống do zalo mình bị hắc mượn tiền khắp nơi. Ảnh: TRẦN VŨ |
Anh K., một viên chức ở Cà Mau là nạn nhân vừa bị mất 86 triệu đồng vì các tin nhắn mượn tiền của một người bạn thân qua tài khoản zalo.
"Hôm đó là chiều 16-10, thấy tài khoản zalo của T. nhắn tin đang cần gắp 38 triệu đồng, hỏi tôi mượn và đưa số tài khoản cho tôi chuyển tiền vào. Do T. hay mua đất đai nên tôi nghĩ đó là tài khoản của khách hàng T., tôi đã chuyển. Sau vài phút, T. lại nhắn chuyển thêm một lần nữa cũng 38 triệu. Tôi chuyển luôn. Kế đó, T. lại nhắn tin còn 68 triệu chuyển cho mượn luôn đi. Đến đây tôi mới thấy lạ và xác minh lại thì T. bảo không hề mượn gì"- Anh K kể với phóng viên PLO.
Anh K. đã trình báo sự việc này với Công an TP. Cà Mau vào chiều 16-10-2022 và đang được thụ lý giải quyết.
Nguyên nhân mà anh K. tin tưởng không xác minh qua điện thoại trực tiếp vì anh và anh T. thường xuyên cho mượn tiền qua lại.
Trao đổi với phóng viên về sự vụ trên, anh T., người bị hack tài khoản zalo kể: "Trưa 16-10-2022, tôi đi công việc về mệt nên tắt chuông điện thoại ngủ.
Khi thức dậy thấy 80 cuộc gọi nhở. Hoá ra là nhiều người bạn tôi cùng nhận được tin nhắn từ zalo tôi hỏi mượn gấp 38 triệu đồng. Đến giờ này tôi đã biết được ngoài K. mất 86 triệu đồng còn một bạn khác bị mất 4 triệu đồng vì các tin nhắn đó. Hiện tôi đã thông báo rộng rãi việc này".
Chị Nguyễn Thị kim Xuyên, công tác ở Bảo Việt Cà Mau cũng vừa bị hack tài khoản zalo và 3 người bạn của chị đã mất tiền.
"Hôm đó là ngày 18-10-2022, tài khoản zalo của tôi bị hack và mượn tiền khắp nơi. Có 3 người đã tin tưởng chuyển tiền lần lượt 8 triệu, 9 triệu và 10 triệu đồng. Nhờ tôi phát hiện sớm, cảnh báo nhanh chứ không thì còn nhiều nạn nhân nữa. Một người đã báo đến Công an còn 2 người kia thì không báo vì lo sợ người thân buồn"- Chị Xuyên nói với phóng viên plo.
Chị Xuyên cảnh báo mọi người ngay khi phát hiện zalo bị hắc mượn tiền tứ tung. Ảnh: TRẦN VŨ |
Hacker dùng zalo của chị Xuyên gửi tin nhắn mượn tiền kèm số tài khoản mang đúng tên Nguyễn Thị Kim Xuyên, tuy số tài khoản có khác. Đó cũng là lý do khiến 3 người bạn của chị xuyên sập bẩy khi nhìn thấy tên tài khoản đúng là của bạn mình.
Trưa 20-10-2022, trao đổi qua điện thoại với phóng viên PLO, ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Cà Mau cho biết tỉnh Cà Mau thường xuyên thông tin cảnh báo vấn đề lừa đảo qua mạng.
"Cũng mới tuần rồi, hacker thậm chí giả mạo Chủ tịch tỉnh để lừa tiền của một cán bộ tỉnh qua tài khoản mạng xã hội. Nhưng do cán bộ gọi cho Chủ tịch tỉnh hỏi rõ nên họ không thành công được. Cách đơn giản ai cũng làm được để chống lại nạn lừa đảo của hacker là gọi điện xác minh trực tiếp người đã nhắn tin hỏi mượn tiền"- ông Chính nói.
Phóng viên cũng liên hệ với phía Công an thành phố Cà Mau yêu cầu thông tin ban đầu về những vụ sập bẫy hacker gần đây tại Cà Mau và được hứa rà soát thông tin sớm.
Chị Nguyễn Thị Kim Xuyên sau sự cố này đã có nhắn nhủ đến bà con: "Khi thấy nhắn tin mượn tiền nhất định phải xác minh lại bằng cách gọi số điện thoại thường. Rất nhiều người đã làm vậy khi tài nhận được tin nhắn mượn tiền qua zalo của tôi và vì vậy đã không bị lừa".