Việt Nam có không gian mạng rộng lớn, tiềm năng để phát triển truyền thông chính sách
Sự phát triển không ngừng của công nghệ mạng và các ứng dụng của Internet đã tạo ra một không gian chiến lược mới được gọi là “không gian mạng” với rất nhiều phương tiện và công nghệ truyền thông hiện đại, trở thành nguồn lực mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành thông tin - truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng.
Chia sẻ vấn đề này, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật cho biết: Việt Nam có một không gian mạng rộng lớn, nhiều tiềm năng để phát triển truyền thông chính sách.
Theo số liệu thống kê của tổ chức Internet World Stats, tính đến ngày 31/5/2020, Việt Nam là quốc gia có lượng người sử dụng Internet cao thứ 14 trên thế giới và đứng thứ 8 trong tổng số 35 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Tính đến tháng 1/2023, số lượng và tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam tiếp tục tăng thêm 5,3 triệu (7,3%) so với năm 2022, với 77,93 triệu người dùng, chiếm tỷ lệ 79,1% tổng dân số.
“Điều này có nghĩa là tiềm năng về hệ sinh thái truyền thông trên không gian mạng của truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng là rất lớn”, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm cho hay.
Theo PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, một thông điệp hoặc thông tin về chính sách của các cấp chính quyền đưa ra trên không gian mạng, về mặt lý thuyết, có khả năng tiếp cận được với 79,1% tỷ lệ dân số Việt Nam đang sử dụng Internet. Đây là một con số rất ấn tượng ở một quốc gia đang phát triển, tạo nên một lực lượng công chúng đông đảo của truyền thông chính sách trên không gian mạng.
“Có thể khẳng định, không gian mạng là một môi trường rất rộng lớn, là nguồn lực rất mạnh mẽ để truyền thông chính sách ở Việt Nam được triển khai thực hiện một cách hiệu quả”, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm chia sẻ.
PGS.TS. Vũ Trọng Lâm cũng cho biết, Việt Nam đã có những bước đột phá mạnh mẽ trong việc sử dụng công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động truyền thông chính sách quốc gia.
Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của hệ thống Internet, hàng loạt sản phẩm công nghệ truyền thông mới được phát triển như công nghệ di động với các phương thức truyền dữ liệu tốc độ cao, hay các thiết bị đầu cuối được phát triển theo xu hướng di động hoá, cá nhân hóa cao độ tạo nên một sức mạnh mới mà các loại hình truyền thông truyền thống không có được.
Điều này tạo ra sức ép lớn, buộc các cơ quan công quyền và đặc biệt là bộ phận báo chí, truyền thông chính sách phải tìm ra phương hướng phát triển thích hợp nhằm đưa thông tin chính sách đến với đông đảo công chúng và tăng cường giao lưu, kết nối, tương tác với công chúng thuộc mọi tầng lớp. Phương hướng ấy được thể hiện khá rõ ở sự đa dạng hóa về loại hình và phương tiện ở các cơ quan truyền thông, báo chí.
Hầu hết các cơ quan chính quyền đều có trang website, thậm chí là tài khoản mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok…) song hành với loại hình báo chí truyền thống. Sự tồn tại đồng thời các loại hình sản phẩm báo chí truyền thông khác nhau cho phép các cơ quan chính quyền có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng, tạo điều kiện cho các thông tin chính sách được lan tỏa nhanh chóng, kịp thời.
“Việc ứng dụng các tiến bộ của công nghệ mạng đã gắn liền với việc phát triển và tích hợp tốt các loại hình truyền thông, tạo ra hiệu quả, hiệu ứng tốt, góp phần chú trọng và nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biên xã hội của các phương tiện truyền thông chính sách, nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích của nhân dân và của đất nước”, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm nhấn mạnh.
Dữ liệu lớn tất yếu trở thành nguồn lực cho truyền thông chính sách
Nói về nguồn lực cho truyền thông chính sách trong thời đại số, TS. Nguyễn Vân Hạnh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) cho biết, thời đại số với những đột phá trong thu thập dữ liệu đã nhanh chóng tạo ra dữ liệu lớn (big data), cho phép các chủ thể truyền thông dễ dàng nhận diện công chúng.
“Đây là cơ sở để cá nhân hoá đối tượng tiếp nhận thông tin truyền thông. Thời đại số vừa tạo ra cơ sở đồng thời cũng đặt ra yêu cầu tất yếu cho truyền thông chính sách ở Việt Nam phát triển theo xu hướng mới. Trong quá trình này, dữ liệu lớn cần được coi là nguồn lực cho quá trình truyền thông”.
Dữ liệu lớn được coi là một nguồn lực quan trọng cho truyền thông chính sách vì nó có khả năng cung cấp thông tin và hiểu biết sâu sắc trong nhiều lĩnh vực, giúp cải thiện quyết định, tối ưu hóa hoạt động truyền thông chính sách và tạo ra giá trị mới.
Nguồn lực dữ liệu lớn sẽ cung cấp một lượng thông tin khổng lồ về đối tượng tiếp nhận truyền thông, góp phần tạo ra những thông điệp, sản phẩm và phương pháp truyền thông, hiệu quả nhất, từ đó củng cố mức độ gắn kết với nội dung truyền thông và thúc đẩy hành vi chính trị tích cực diễn ra nhanh hơn.
Với vai trò là một nguồn lực, dữ liệu lớn sẽ tham gia vào các quá trình: phân tích xu hướng và mẫu, dự đoán và dự báo; tối ưu hóa hoạt động; tạo ra thông tin mới; hỗ trợ quyết định.
“Các nguồn lực cho truyền thông chính sách không chỉ giúp định hình thông điệp một cách hiệu quả mà còn hỗ trợ quá trình ra quyết định và đánh giá chính sách. Các nguồn lực này có thể bao gồm dữ liệu lớn, nghiên cứu và phân tích chính sách, nguồn nhân lực chuyên nghiệp, nguồn tài chính, công nghệ thông tin, và nhiều yếu tố khác. Trong đó, dữ liệu lớnđang trở thành một nguồn lực quan trọng cho truyền thông chính sách trong thời đại số, giúp cung cấp thông tin sâu rộng và hỗ trợ quyết định hiệu quả”, TS. Nguyễn Vân Hạnh nhấn mạnh.
Truyền thông chính sách phải kết hợp giữa dữ liệu với công nghệ phù hợp
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Vân Hạnh cho rằng, truyền thông chính sách ở một quy mô lớn đòi hỏi sự kết hợp giữa dữ liệu với công nghệ phù hợp.
Để tạo ra hiệu suất cao nhất và lợi ích lớn nhất, các nhà thực hiện chiến dịch truyền thông phải tập trung vào 4 bước trong quy trình cá nhân hóa: Nhận biết và tiếp cận đúng đối tượng truyền thông trên các thiết bị của họ; Xây dựng hồ sơ cá nhân ứng với mỗi tương tác qua thời gian; Đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu thu thập được về thông điệp tốt nhất để chuyển tải đến đối tượng; Đo lường tác động của những nỗ lực đó trên tất cả các kênh truyền thông.
Theo TS. Nguyễn Vân Hạnh, việc thành công của một số chiến dịch truyền thông ở Việt Nam gần đây mới chỉ là cách làm mới sáng tạo dựa trên các nền tảng mạng xã hội chứ chưa có một sự thu thập, phân tích dữ liệu bài bản trên quy mô lớn.
Do vậy, để tận dụng tốt nguồn lực dữ liệu lớn cho truyền thông chính sách, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào hệ thống các nguồn lực như công nghệ, tài chính, nhân lực và nhất là nguồn lực dữ liệu lớn.
Bên cạnh đó, các vấn đề như: Bảo mật và quyền riêng tư của cá nhân; Nhân lực chất lượng cao để khai thác sử dụng nguồn lực dữ liệu lớn; Quản lý quyền sở hữu dữ liệu... cũng là những vấn đề cần quan tâm đầu tư, phát triển.
“Rõ ràng dữ liệu lớn đang ngày càng trở thành một nguồn lực không thể thiếu cho truyền thông chính sách trong thời đại số. Truyền thông chính sách Việt Nam đang có một cú chuyển mình mạnh mẽ. Điều đó là dấu hiệu tích cực cho việc nâng cao tiếng nói chung của người dân trong các chính sách quan trọng của đất nước", TS. Nguyễn Vân Hạnh nhận định.
Cũng theo TS. Nguyễn Vân Hạnh: Bằng việc nhanh chóng, linh hoạt sử dụng các công cụ marketing hiện đại như SMS, Facebook, IG, Youtube..., các hoạt động chính sách, nhà nước hứa hẹn sẽ ngày càng tiếp cận được công chúng tốt hơn, thân thiện hơn và vẫn đảm bảo đúng thông tin, đúng mục đích”./.