Nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia cuộc thi Sáng tạo Khởi nghiệp Công nghệ HUST - Techstart. Ảnh: Đại học Bách khoa Hà Nội |
Phát huy điều kiện, sức mạnh, lợi thế của Thủ đô
GS.TS Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật đáp ứng được mong mỏi của người dân cả nước nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội thành trung tâm tri thức và công nghệ hàng đầu, có vị trí trong khu vực.
Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi có nhiều điểm mới, cụ thể là đã làm rõ khái niệm: “Dự án khởi nghiệp sáng tạo là dự án sản xuất, kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, có khả năng tăng trưởng nhanh về quy mô khách hàng, thu nhập, lợi nhuận, có thể đem lại các giá trị to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước”. Đây là cơ chế rất quan trọng để phát huy điều kiện, sức mạnh, lợi thế của Thủ đô, nơi hội tụ nhân tài, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của đất nước.
Đặc biệt, tại Dự thảo về “Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”, đã làm rõ và đánh giá cao việc phát huy tiềm năng, trí tuệ của các nhà khoa học và công nghệ. Xác định rõ các lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ của Thủ đô. Các chuyên gia, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô được hưởng các ưu đãi, trong đó thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ được xác nhận là thu nhập không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Đồng thời, một điểm mới quan trọng trong Dự thảo Luật sửa đổi là: Quyết định hoặc ủy quyền quyết định cho đơn vị chủ trì nhiệm vụ khoa học, chủ nhiệm dự án khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công được chuyển giao không cần bồi hoàn đối với tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ, dự án khởi nghiệp sáng tạo. Quy định này có ý nghĩa làm động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giải quyết được nhiều vướng mắc trong vấn đề chuyển giao, tài sản công và sở hữu trí tuệ. Dự thảo đã đề xuất có cơ chế hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm từ các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thành phố. Đây là điểm mới quan trọng để thúc đẩy sự phát triển Thủ đô cũng như ứng dụng các kết quả khoa học công nghệ mới từ các đề tài.
Đặc biệt, các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn Thủ đô được hưởng các ưu đãi như: Được hỗ trợ từ ngân sách thành phố kinh phí mua sắm, chi phí vận hành máy, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm; được hỗ trợ từ ngân sách TP Hà Nội kinh phí hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), phòng thí nghiệm thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Thủ đô. Có thể nói các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quy định trong Dự thảo mang tính thử nghiệm, đột phá, được kỳ vọng là động lực quan trọng để phát triển toàn diện, bền vững Thủ đô thời gian tới.
Nên sử dụng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo chung, không nên quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (việc quy định doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được nghị định của Chính phủ quy định); đồng thời, xem xét bổ sung quy định ưu tiên và chính sách hỗ trợ các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các chính sách ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp và cá nhân triển khai các hoạt động hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tương tự như ưu đãi đối với các cá nhân và doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ đã được quy định trong Dự thảo Luật lần này.
Bổ sung quy định trong Dự thảo Luật về việc hình thành Quỹ đổi mới sáng tạo của Thủ đô với các quy định phù hợp với đặc thù của lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Có thể tham khảo quy định của Quỹ NAFOSTED của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc xây dựng cơ chế hoạt động của Quỹ.
Về lĩnh vực đào tạo, đại diện Đại học Bách khoa nhận định Dự thảo Luật đã được chuẩn bị khoa học trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Luật Thủ đô thời gian qua, xác định rõ bối cảnh, vị trí, vai trò và yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Dự thảo Luật có tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với lĩnh vực đào tạo để phát triển đất nước nói chung và của Thủ đô trong thời gian tới nói riêng.
Trong Dự thảo Luật sửa đổi, về “Phát triển giáo dục và đào tạo”, việc “xây dựng cơ sở giáo dục tiên tiến hiện đại và có nhiều cấp học trên địa bàn Thủ đô” với đầy đủ các quy định liên quan đến sử dụng đất đai, trong đó có miễn thuế đất 10 năm đầu, miễn 50% thuế thu nhập, đầu tư của doanh nghiệp, liên kết quốc tế, hỗ trợ học phí cho học sinh bậc mầm non và trung học phổ thông, học bổng, cơ chế tài chính đối với giáo dục thông minh, giáo dục chất lượng cao, tiêu chí về chương trình đào tạo, tiêu chuẩn giáo viên, điều kiện thuê giáo viên nước ngoài... Đây là cơ chế rất quan trọng để phát triển giáo dục và đào tạo công lập của Thủ đô với lợi thế là trung tâm văn hóa chính trị của cả nước.
Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn chưa có quy định, có chế khuyến khích đặc thù cho các cơ sở đào tạo trình độ cao: Cao đẳng, đại học và sau đại học. Mục 2 về Phát triển giáo dục và đào tạo nên được bổ sung: "Xây dựng một số cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học, đào tạo từ cao đẳng, dự bị đại học, đại học và sau đại học theo cơ chế tự chủ thí điểm. Việc xác định chỉ tiêu, quy mô đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, để có cơ sở giá dục hiện đại, tiên tiến của Thủ đô thì việc đầu tiên cần có nhân lực đào tạo cho các cơ sở đó. Vì vậy, Dự thảo Luật cần làm rõ thêm việc đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, giảng viên và cán bộ phục vụ tại các cơ sở đó.
Xây dựng cơ sở giáo dục tiên tiến, hiện đại của Thủ đô không chỉ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho Thủ đô mà còn phục vụ cả nước và quốc tế. Do vậy, Dự thảo Luật cũng cần nhấn mạnh thêm các quy định về nguồn tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đào tạo, hợp tác giữa Thủ đô và các địa phương khác trong cả nước và hợp tác với các cơ sở giáo dục đào tạo quốc tế.
Đối với cơ sở giáo dục tiên tiến có bậc đào tạo đại học và sau đại học thì việc gắn kết giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với đào tạo là yếu tố quyết định tới chất lượng đào tạo. Vì vậy, cần làm rõ hơn các quy định về cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, xưởng thực hành thực tập, việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục với các doanh nghiệp, địa phương khác và các tổ chức quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyên giao công nghệ.
"Thủ đô là nơi tập trung các trường đại học, đội ngũ tri thức và các nhà nghiên cứu lớn nhất cả nước. Đây là nguồn lực vô giá để phát triển nền kinh tế tri thức, là đầu tàu dẫn dắt đổi mới sáng tạo của cả nước. Cần xem xét bổ sung quy định đặc thù cho phép các trường đại học tự chủ khai thác nguồn lực đất đai, cơ sở vật chất và nhân lực chất lượng cao trong liên doanh, liên kết, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học nhằm phát triển kinh tế xã hội Thủ đô nhanh và bền vững" - GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Làm rõ, bổ sung ưu đãi cụ thể về điều kiện làm việc, phát triển năng lực nguồn nhân lực chất lượng cao
Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô chính là nguồn nhân lực được đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học có uy tín trên địa bàn Thủ đô, bao gồm sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Thủ đô vẫn còn đang là các chính sách riêng của từng đơn vị.
Nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học có uy tín đóng trên địa bàn Thủ đô chính là nguồn nhân lực gần nhất, dễ dàng nhất để có thể gắn bó và phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô vẫn chưa nhận được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
Do đó, kiến nghị về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ các cơ sở giáo dục đại học có uy tín phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội đã đưa ra một số kiến nghị.
Cụ thể, tại Điều 18 Dự thảo về "Thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao", Khoản 1: Bên cạnh ưu đãi về tuyển dụng, xếp lương, bổ sung vào chức vụ lãnh đạo và các ưu đãi khác", đề nghị làm rõ, bổ sung ưu đãi cụ thể "về điều liện làm việc, phát triển năng lực". Tại Khoản 2 Điều 18: Bên cạnh người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của TP Hà Nội, đề nghị bổ sung "người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học có trụ sở chính tại TP Hà Nội".
Tại Dự thảo về "Phát triển giáo dục và đào tạo", kiến nghị bổ sung khoản quy định về "Thủ đô đầu tư phát triển và đầu tư đặt hàng đào tạo một số lĩnh vực trọng điểm, cho sơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Thủ đô có đóng góp lớn vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao"; dự án đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học có uy tín cao được hưởng các ưu đãi theo quy định và bổ sung nội dung liên quan vào khoản 3, 4 Điều này.