Công ty Điện lực Tuyên Quang đã triển khai cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử và dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đạt 100%. Mọi công đoạn của dịch vụ được thực hiện qua môi trường mạng, từ khâu tiếp nhận yêu cầu dịch vụ tới việc ký hợp đồng (thực hiện theo phương thức nhận mã OTP qua tin nhắn điện thoại, thay vì ký giấy như trước đây). Cùng với đó, Công ty đã hợp tác với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh như BIDV, Viettinbank, Agribank, Vietcombank, MB, Lienvietpostbank... và các tổ chức trung gian Bưu điện, Viettel, Payoo, VNPay, VNPT-Media, Vimo, Momo... trong việc thu tiền điện qua cổng thanh toán điện tử. Với những nỗ lực này, số khách hàng tham gia thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 71,4%.
Công nhân Điện lực Hàm Yên lắp đặt công tơ điện tử cho khách hàng.
Đặc biệt, đến hết tháng 6-2023, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã số hóa hợp đồng mua bán điện từ hợp đồng giấy sang hợp đồng điện tử đối với 274.695 khách hàng, đạt 100%. Việc số hóa hợp đồng mua bán điện giúp khách hàng không chỉ giảm thiểu số lượng thủ tục trong các giao dịch, mà thuận tiện hơn cho khách hàng khi tiếp cận các dịch vụ của ngành điện cung cấp, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại.
Ngoài ra, với việc số hóa hợp đồng sinh hoạt đã được đơn vị thực hiện 100% qua hình thức điện tử, khách hàng có thể xem, tải hợp đồng, tra cứu thông tin các dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi qua các nền tảng trực tuyến như ứng dụng chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc trên các thiết bị di động thông minh; Website chăm sóc khách hàng https://cskh.npc.com.vn), Cổng dịch vụ công quốc gia (http;//dichvucong.gov.vn)… với các tiện ích nổi bật như: Tra cứu các thông tin hoá đơn tiền điện, sản lượng điện tiêu thụ, gửi các yêu cầu và theo dõi tiến độ thực hiện các dịch vụ điện ngay trên ứng dụng như dịch vụ cấp điện mới, thanh toán hoá đơn tiền điện, hỗ trợ giải đáp thắc mắc về các dịch vụ điện…
Bà Trần Thị Hằng, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang cho biết, từ khi cài đặt và sử dụng ứng dụng chăm sóc khách hàng của ngành điện, bà đã dễ dàng tra cứu lượng điện tiêu thụ hàng ngày, hàng tháng để kịp thời điều chỉnh. Đồng thời, việc thanh toán tiền điện không còn phải vất vả đi đến trụ sở Điện lực nộp tiền như trước nữa, chỉ một vài thao tác trên điện thoại thông minh là bà đã thanh toán xong tiền điện hàng tháng.
Cán bộ Điện lực Na Hang hướng dẫn khách hàng sử dụng tiện ích dịch vụ điện trên thiết bị thông minh.
Ông Trần Xuân Hảo, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang cho biết, lợi ích thiết thực từ việc số hóa hợp đồng mua bán điện đó là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả trong lưu trữ, quản lý hồ sơ khách hàng, giúp nhân viên điện lực dễ dàng tra cứu thông tin, đặc biệt là tạo nguồn dữ liệu có thể khai thác, phân tích trên phần mềm quản lý thông tin khách hàng CMIS.
Ngoài ra, Công ty xác định hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện năng là một trong những bước quan trọng trong thực hiện lộ trình chuyển đổi số. Thời gian qua, Công ty đã chỉ đạo các Điện lực trực thuộc tích cực thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử có tính năng đo xa, đến hết tháng 6-2023 tỷ lệ lắp đặt công tơ điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 71,44%. Nhờ vậy quá trình đo đếm chỉ số điện năng tiêu dùng của khách hàng đều được tự động hóa, tránh được sai sót trong quá trình ghi chỉ số do lỗi chủ quan và việc phát hành hóa đơn cũng được nhanh chóng.
Với phương châm "lấy khách hàng là trung tâm" để cung cấp các dịch vụ có khả năng tương tác mọi lúc, mọi nơi thông qua môi trường số, đem lại sự hài lòng nhất cho khách hàng, thời gian tới Công ty Điện lực Tuyên Quang tiếp tục tăng cường ứng dụng số hoá vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó tập trung nỗ lực truyền tải thông tin dịch vụ của ngành điện đến tất cả khách hàng, giúp khách hàng nhận thức được lợi ích về sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.