Nông dân tham gia chuyển đổi số

04/10/2022, 08:25

(Báo Quảng Ngãi)- Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, tạo động lực giúp nông dân, cũng như kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) phát triển. Để nông dân, HTX tiếp cận, thích ứng nhanh với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các ngành chuyên môn. 

Đồng hành cùng nông dân
“Trước đây, mỗi khi tưới nước cho cây trồng, tôi phải kéo dây quanh vườn ươm, lại lo nước chảy mạnh làm xói đất trôi hom. Giờ thì chỉ cần bật công tắc rồi bấm giờ, cả vườn hom cây giống sẽ được cấp đủ nước, vừa hiệu quả lại đỡ lãng phí”, ông Huỳnh Minh Vinh, ở xã Thanh An (Minh Long) phấn khởi nói. Vườn ươm giống các loại cây lâm nghiệp của gia đình ông Vinh có diện tích hơn 1.500m2. Sau khi tham gia các lớp tập huấn sử dụng Internet do Hội Nông dân xã Thanh An phối hợp tổ chức, ông Vinh thường xuyên lên mạng để tìm hiểu,  học hỏi kỹ thuật sản xuất, từ đó mạnh dạn đầu tư mô hình tưới phun mưa. Thấy rõ hiệu quả mang lại, ngày càng có nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Thanh An đầu tư hệ thống tưới phun mưa. 
Chuyển đổi số là đòn bẩy quan trọng, thúc đẩy nông dân và hợp tác xã ứng dụng khoa học để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Chuyển đổi số là đòn bẩy quan trọng, thúc đẩy nông dân và hợp tác xã ứng dụng khoa học để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, phần lớn nông dân biết sử dụng điện thoại di động thông minh, nhưng lại chưa biết cách khai thác triệt để những tính năng từ thiết bị này để phục vụ cho việc sản xuất, bán hàng. Khi tham gia chuyển đối số, nông dân sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng hiệu quả các thiết bị điện tử, nhằm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với kết nối tiêu thụ sản phẩm. Khi áp dụng công nghệ số, nông dân sẽ theo dõi và cập nhật thường xuyên các thông tin thị trường, để xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất phù hợp. Điều này sẽ từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo hướng “làm những gì thị trường cần”, khắc phục được tình trạng được mùa, rớt giá, hoặc bị ép giá.
Hỗ trợ hợp tác xã chuyển đổi số
Giám đốc HTX Nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong cho biết, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý vận hành từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đã mang lại nhiều lợi ích cho các HTX. Qua các nền tảng công nghệ số, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Với lợi thế là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh, lại được quảng bá rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử nên nấm và các sản phẩm từ nấm do HTX Nấm Đức Nhuận sản xuất, chế biến ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. 
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số tại các HTX trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là hiệu quả sản xuất thấp dẫn đến nguồn tài chính hạn hẹp, cộng với đội ngũ cán bộ quản lý ở  hầu hết các HTX lớn tuổi nên ngại ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, thành viên của các HTX chủ yếu là nông dân, điều kiện và trình độ tiếp cận thông tin khoa học còn hạn chế nên gặp khó trong việc ứng dụng số vào sản xuất. 
Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) Nguyễn Thị Diễm Kiều cho rằng, để đạt mục tiêu là “sản phẩm” OCOP 5 sao cấp tỉnh, HTX sẽ phải tham gia mạnh mẽ vào chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số từ việc lập và quản lý Website, Fanpage đến xây dựng và giới thiệu tour, các sản phẩm...
Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Trường cho biết, Sở TT&TT sẽ tập trung hỗ trợ các HTX chuyển đổi số. Trong đó, hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, trước hết là các sàn Voso.vn, Postmart.vn. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn kỹ năng ứng dụng nền tảng công nghệ trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh,  quảng bá sản phẩm. Qua đó, thay đổi tổ chức và quản trị hoạt động của HTX so với phương thức quản lý truyền thống, giúp các HTX nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. 
Bài, ảnh:

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO