Dịch vụ công trực tuyến ‘không cửa’ Quảng Ninh vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

30/09/2022, 09:34

Quảng Ninh hướng tới giải quyết thủ tục hành chính "không cửa" vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, từng bước hình thành nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần xây dựng chính quyền số, hình thành xã hội số, công dân số.

Chính quyền và người dân kết nối 'không chướng ngại vật'

Cải cách hành chính được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm xây dựng chính quyền điện tử, trong đó, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính.

Trọng tâm là ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) nhanh, chính xác và tiện lợi nhất.

Người dân TP. Hạ Long được hướng dẫn ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính

Năm 2016 được cho là mốc thời gian nền móng chuyển đổi số ở Quảng Ninh khi thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại 13 sở, ngành và 3 địa phương (TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả và TX. Quảng Yên). 

Đến nay, 100% sở, ngành, địa phương đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (tiếp nhận, giải quyết trên môi trường mạng, trả kết quả và thanh toán trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính), tiếp tục triển khai dịch vụ công mức độ 4 (tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả và thanh toán qua môi trường mạng).

Từ đầu năm đến giữa tháng 7/2022, đã có trên 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, hơn 229 nghìn hồ sơ trong tổng số 325 nghìn hồ sơ được tiếp nhận và xử lý trực tuyến, đạt trên 70% (tăng 20% so với cùng kỳ).

Theo bà Lê Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh, Cổng dịch vụ công của tỉnh Quảng Ninh hiện cung cấp, giải quyết cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp hàng nghìn TTHC.

Những năm qua, dịch vụ công trực tuyến đã giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước thuận tiện, dễ dàng hơn và tiết kiệm.

Đồng thời, góp phần công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tiếp cận, thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến “phi” thời gian, địa giới hành chính. Tăng cường giám sát, đánh giá, kỷ luật, kỷ cương, hạn chế và phòng chống tiêu cực.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng các video clip hướng dẫn công dân thực hiện TTHC và đăng tải trên các trang mạng xã hội. Tiến tới hình thành kho dữ liệu video clip về giải quyết TTHC để tổ chức, công dân tra cứu.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh luôn có người hỗ trợ hướng dẫn người dân sử dụng các tiện ích công nghệ

Ông Nghiêm Quang Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Đại lý thuế Tùng Linh (TP. Hạ Long) cho biết, doanh nghiệp này hiện cung cấp dịch vụ cho hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nên thường xuyên thực hiện các TTHC, như thay đổi giấy phép kinh doanh, ngành nghề và các nội dung khác liên quan đến thuế; số lượng hồ sơ giao dịch khoảng 30-50 hồ sơ/tháng.

"Công ty đã thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến từ năm 2016 khi tỉnh thí điểm triển khai hình thức này. Tôi thực sự thấy rất tiện lợi và hài lòng, phương thức giải quyết TTHC tiến bộ và rất minh bạch, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp", ông Tùng cho biết.

Không 'giậm chân tại chỗ'

Cách thức cung cấp dịch vụ công đang dần được chuyển đổi từ phương thức trực tiếp, phân tán “nhiều cửa, nhiều khóa” đến trực tuyến, “không cửa”, từ đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành, cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần hình thành nền hành chính chuyên nghiệp và chất lượng.

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã cung cấp được 1.831 TTHC dịch vụ công trực tuyến, trong đó 75% dịch vụ công đạt mức độ 4 (1.387 TTHC); tạo sự công khai, minh bạch, thuận lợi, tăng tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan chính quyền các cấp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC cấp tỉnh đạt 67,7%, cấp huyện đạt 55%, cấp xã đạt 56%.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người dân quét mã QR để đánh giá chất lượng dịch vụ công trực tuyến

Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh trở thành khung tham chiếu của cả nước, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho xây dựng chính phủ điện tử; góp phần tạo dựng vững chắc thương hiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Ninh với thứ hạng các bộ chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI dẫn đầu cả nước.

Đáng chú ý, các trung tâm hành chính công toàn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai tích hợp thanh toán điện tử, biên lai điện tử qua Cổng dịch vụ công Quốc gia và nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, công dân. 

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 20 tỷ đồng được thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ công của tỉnh liên quan đến lĩnh vực đất đai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. 

Để Quảng Ninh tiến thêm những bước đột phá trong cải cách TTHC, làm tiền đề cho hành trình chuyển đổi số, bà Nguyễn Hải Vân - Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh khẳng định, Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Phần mềm trợ lý ảo trong giải quyết TTHC, hệ thống phần mềm đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân đối với cơ quan nhà nước cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Phạm Công


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO