Meta muốn kiện để cấm Voyager Labs sử dụng Facebook và Instagram. Công ty của Mark Zuckerberg cáo buộc Voyager Labs tạo hàng chục nghìn tài khoản giả mạo để thu thập thông tin người dùng.
Đơn kiện được trình lên Tòa án liên bang California (Mỹ) hôm 12/1 yêu cầu thẩm phán ban lệnh cấm vĩnh viễn đối với Voyager Labs trên các trang web của Meta. Trước đó, tờ The Guardian tiến hành cuộc điều tra cho thấy doanh nghiệp này tuyên bố có thể dùng thông tin mạng xã hội để dự đoán ai sẽ phạm tội trong tương lai.
Các hồ sơ được Trung tâm Tư pháp Brennan thu thập và chia sẻ với The Guardian chỉ ra các dịch vụ của Voyager cho phép theo dõi và điều tra mọi người bằng cách xây dựng cuộc sống kỹ thuật số và đặt ra các giả định về hoạt động của họ, bao gồm mạng lưới bạn bè.
Vụ kiện tiết lộ các chi tiết mà Meta khám phá được từ tháng 7/2022. Meta tố Voygaer sử dụng phần mềm theo dõi, dựa vào các tài khoản giả mạo để lấy dữ liệu từ Facebook và Instagram cũng như Twitter, YouTube, LinkedIn và Telegram. Voyager đã tạo và vận hành hơn 38.000 tài khoản Facebook giả mạo, thu thập thông tin từ hơn 600.000 người dùng Facebook, bao gồm bài viết, like, danh sách bạn bè, hình ảnh, bình luận và thông tin từ các hội nhóm, trang.
Những người dùng bị ảnh hưởng bao gồm nhân viên của các tổ chức phi lợi nhuận, trường đại học, tổ chức truyền thông, cơ sở y tế, lực lượng vũ trang, cơ quan liên bang, bang và địa phương cùng những phụ huynh toàn thời gian, người nghỉ hưu, nhân viên công đoàn. Không rõ khách hàng của Voyager vào thời điểm đó là ai và ai đã nhận được dữ liệu. Meta tố Voyager đã thiết kế phần mềm để che giấu sự xuất hiện trước Meta và bán dữ liệu lấy tiền.
Theo The Guardian, Voyager nằm trong một ngành công nghiệp nơi có các người chơi nổi tiếng hơn như Palantir. Mục đích của họ là dự đoán tội phạm dựa trên các hành vi và hoạt động trong quá khứ, bao gồm cả những gì chia sẻ trên mạng.
Jessica Romero, Giasmd dốc Nghĩa vụ và Hành pháp nền tảng tại Meta, nhận xét ngành công nghiệp này sở hữu nhiều năng lực kỹ thuật. Một số đặc biệt tinh vi và chưa bị giám sát hay chịu trách nhiệm.
(Theo The Guardian)