Nhật Bản và Mỹ đồng thuận về hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng và chất bán dẫn

13/01/2023, 10:02

Khi các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tăng nhanh chóng, Nhật Bản nỗ lực kiểm soát nguy cơ để lộ lọt thông tin mật và phòng ngừa các cuộc tấn công gây hại hệ thống.

An ninh mạng và điện toán đám mây sẽ là nền tảng của mọi hoạt động trong tương lai. Ảnh minh họa: Transcosmos/TTXVN

Theo báo Mainichi, Nhật Bản và Mỹ đã đạt được đồng thuận về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng và linh kiện bán dẫn. Các nội dung cụ thể sẽ được đề cập trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến Mỹ vào ngày 13/1.

Trong chuyến thăm đến Mỹ ngày 5/1, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Nishimura Yasutoshi đã thảo luận với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo về tăng cường liên kết Mỹ-Nhật trong các lĩnh vực an ninh mạng và chất bán dẫn, giữa bối cảnh những lo ngại trong lĩnh vực đảm bảo an ninh kinh tế đối với Trung Quốc ngày càng tăng cao.     

Cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi và người đồng cấp phía Mỹ Gina Raimondo là cuộc gặp cấp Bộ trưởng đầu tiên kể từ khi Chính phủ Nhật Bản sửa đổi ba văn bản chiến lược liên quan đến đảm bảo an ninh vào tháng 12/2022. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas vào ngày 6/1, Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi cũng đã ký biên bản ghi nhớ tăng cường liên kết trong lĩnh vực an ninh mạng.

Trong chiến lược an ninh quốc gia, một trong ba văn bản đã được Chính phủ Nhật Bản sửa đổi mới đây, với nội dung tăng cường năng lực ứng phó trong không gian mạng, đã được chú trọng và việc thúc đẩy liên kết giữa Nhật Bản và Mỹ là điều kiện tiên quyết để thực hiện các nội dung này.     

Trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng, Nhật Bản đang nỗ lực kiểm soát các nguy cơ để lộ lọt thông tin mật và phòng ngừa các cuộc tấn công gây hại hệ thống.

Mỹ cũng đang thúc đẩy xây dựng cơ chế yêu cầu chứng nhận an toàn đối với các cơ quan của chính phủ khi mua sắm các hệ thống phần mềm. Trong biên bản ghi nhớ giữa hai nước, các cơ quan thuộc Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ hợp tác để xây dựng các tiêu chuẩn an toàn tương tự như Mỹ.

Các nỗ lực đi đầu trong việc tăng cường an ninh mạng của Chính phủ Nhật Bản được kỳ vọng sẽ lan tỏa đến các doanh nghiệp tư nhân và góp phần giảm thiểu nguy cơ tấn công mạng vào tất các cả chủ thể.

Trong bài diễn thuyết ngày 5/1 tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi cũng đề cập đến các văn bản chiến lược mà Chính phủ Nhật Bản mới sửa đổi và một lần nữa nhấn mạnh rằng chính sách an ninh của Nhật Bản cho đến thời điểm này đã có sự thay đổi lớn khi nước này quyết tâm tăng cường một cách cơ bản năng lực quốc phòng. Để thực hiện được mục tiêu này, hợp tác Mỹ-Nhật có vai trò rất quan trọng.

Dự kiến Mỹ và Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng và An ninh (2+2) vào ngày 11/1 và Thủ tướng Fumio Kishida sẽ đến thăm Nhật Bản và hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 13/1. Đây sẽ là hai sự kiện khẳng định hơn nữa hợp tác giữa Mỹ và Nhật Bản trên cơ sở các văn bản chiến lược mới sửa đổi.

Trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ hiện nay không thể thiếu chất bán dẫn. Ảnh: TTXVN

Chất bán dẫn - sản phẩm không thể thiếu trong các thiết bị kỹ thuật cao - cũng là chủ đề chính trong hợp tác Nhật Bản và Mỹ. Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Gina Raimondo, Bộ trưởng Nishimura đã khẳng định tầm quan trọng của các quy định về xuất khẩu nhằm ngăn chặn nguy cơ lộ lọt kỹ thuật ra nước ngoài.

Mỹ đang thể hiện quan ngại lớn về việc các kỹ thuật tiên tiến bị chuyển trái phép sang Trung Quốc và được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự. Hiện tại, Mỹ đang yêu cầu Nhật Bản và một số quốc gia khác thúc đẩy chủ trương áp dụng các quy định kiểm soát xuất khẩu thiết bị chế tạo sang Trung Quốc.

Về cuộc hội đàm với Bộ trưởng Raimondo, Bộ trưởng Nhật Bản chỉ chia sẻ rằng: “Chúng tôi đã trao đổi khá chuyên sâu”. Tuy nhiên trong bài diễn thuyết tại CSIS, Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi đã nói rằng: “Chúng tôi sẽ đối phó với việc lạm dụng kỹ thuật trọng yếu và việc chuyển giao bất hợp phát kỹ thuật mới ra nước ngoài. Chúng tôi sẽ trao đổi quan điểm với các nước liên quan, tiêu biểu là Mỹ và thực hiện quản lý xuất khẩu một cách nghiêm khắc, trên cơ sở điều phối mang tính quốc tế”.         

Nhật Bản và Mỹ khẳng định tăng cường hợp tác trong việc phát triển linh kiện bán dẫn. Tại Nhật Bản, công ty Rapidus mới được thành lập với sự góp vốn của 8 doanh nghiệp lớn như Toyota, đang tìm cách tăng cường năng lực sản xuất chất bán dẫn thông qua liên kết với một số công ty, trong đó có IBM của Mỹ.

Trong buổi thảo luận giữa Rapidus và IBM, Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi và Gina Raimondo cũng tham dự và thể hiện quan điểm thúc đẩy tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai bên trong một số lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất thiết bị chế tạo, Trung Quốc là thị trường lớn và việc tăng cường hạn chế xuất khẩu sẽ tạo áp lực về mặt lợi nhuận. Công ty Tokyo Electron của Nhật Bản dự kiến doanh thu trong quý I/2023 sẽ giảm 250 tỷ yen so với thời điểm tháng 5/2022 và chiếm một nửa trong phần doanh thu sụt giảm được hình thành từ nguy cơ hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc.

Một lãnh đạo của Tokyo Electron đã chia sẻ sẽ thường xuyên đánh giá tình hình và đưa ra phản ứng phù hợp/.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO