Chia sẻ tại chương trình hội thảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số được tổ chức ngày 10/6, đại diện Sở TT&TT Kiên Giang cho biết, tỉnh xác định việc đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động cơ quan nhà nước là nhiệm vụ quan trọng, tạo nền tảng bảo vệ vững chắc tiến trình xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số địa phương.
Cụ thể, từ tháng 6/2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quy chế mới về quản lý, vận hành và khai thác Trung tâm dữ liệu tỉnh.
Cùng với đó, từ năm 2019, Kiên Giang đã triển khai hệ thống phần mềm phòng, chống mã độc tập trung. Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu thống kê tình hình lây nhiễm mã độc với hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT.
Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, huyện, thành phố được cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc theo mô hình quản lý tập trung. “Đây là nền tảng đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu thống kê tình hình lây nhiễm mã độc với hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, kịp thời thông tin và xử lý mã độc khi phát hiện”, đại diện Sở TT&TT nhấn mạnh.
100% các sở, ban, ngành, huyện, thành phố tại Kiên Giang đã được cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc theo mô hình quản lý tập trung. (Ảnh minh họa: Internet) |
Đáng chú ý, năm 2020, địa phương đã đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh thông tin mạng (SOC) để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm điều kiện vận hành các ứng dụng và cơ sở dữ liệu của tỉnh.
Tính đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình “4 lớp”; điều hành xử lý sự cố, giám sát mã độc tập trung có trên 2.000 máy tính của các cơ quan nhà nước kết nối, đồng bộ dữ liệu về Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia. Theo thống kê, trung bình hàng tuần ghi nhận trên 5.900 lượt nhiễm, ảnh hưởng đến trên 30 đơn vị, trên 110 thiết bị thuộc 120 loại mã độc khác nhau.
Tại Trung tâm dữ liệu tỉnh, thống kê của Sở TT&TT Kiên Giang cũng cho thấy, hiện có khoảng 20 hệ thống thông tin, dữ liệu chuyên ngành được cài đặt, vận hành. Hàng tháng ghi nhận có trên 700.000 lượt rà quét tấn công mạng vào các hệ thống thông tin, trong đó Cổng thông tin điện tử tỉnh và các cổng thành phần chiếm trên 80%. Tuy nhiên, những cuộc rà quét tấn công này đã được các thiết bị chuyên dụng chặn đứng kịp thời.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố con người, nhân lực trong đảm bảo an toàn các hệ thống thông tin, Sở TT&TT Kiên Giang cho biết, tỉnh đã xây dựng và kiện toàn lực lượng an toàn thông tin tại chỗ, thành lập “Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng” với 19 thành viên là kỹ sư CNTT tại các sở, ngành, huyện, thành phố trong tỉnh.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở TT&T Kiên Giang, công tác đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước của Kiên Giang cũng gặp không ít khó khăn, nhất là việc thu hút đội ngũ chuyên trách về an toàn thông tin do thu nhập và chính sách đãi ngộ chưa hấp dẫn.
Bên cạnh đó là khó khăn do kinh phí đầu tư trang thiết bị đảm bảo an toàn thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao; công tác quản lý đảm bảo an toàn thông tin từ tỉnh đến các địa phương thiếu cơ chế phối hợp…
Trao đổi tại hội thảo, nhấn mạnh an toàn thông tin mạng chính là công cụ để bảo vệ thành quả của chuyển đổi số, đại diện Cục An toàn thông tin chỉ rõ, trước hết các cơ quan, đơn vị cần thống nhất nguyên tắc rằng: "Hệ thống thông tin chưa được kiểm tra, đánh giá an toàn thì chưa đưa vào sử dụng. Các hệ thống dù chạy thử nghiệm nhưng chứa đựng các dữ liệu thật thì vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy định như hệ thống chính thức".
Ngoài ra, cần phân loại và phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ của 100% các hệ thống thông tin thuộc phạm vi đơn vị quản lý; đồng thời triển khai đầy đủ quy định về đảm bảo an toàn thông tin.
Vân Anh