Thông tin trên được ông Đỗ Hữu Hưng, Chi hội Tiếp thị và Công nghệ số, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đưa ra tại Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2022 do đơn vị này tổ chức.
Chi phí cho tiếp thị số tiếp tục gia tăng trong bối cảnh người tiêu dùng chuyển dịch sang môi trường trực tuyến đang diễn ra mạnh mẽ. Theo số liệu từ eMakerter, chi tiêu cho tiếp thị số trên toàn cầu đạt khoảng 571.16 tỷ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng 16,2%.
Tiếp thị số chiếm 65,9% tổng số chi tiêu quảng cáo, tiếp thị của thế giới. Dự kiến, con số này tăng lên 785.08 tỷ USD vào năm 2025, với mức tăng trưởng trên 9% và chiếm tỷ lệ khoảng 70%.
Tại Việt Nam, tiếp thị trực tuyến có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi thương mại điện tử và các nền tảng trực tuyến trở thành xu hướng. Số liệu từ VECOM cho thấy, tiếp thị số ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 25-30% mỗi năm.
“Năm 2022, tổng chi tiêu cho digital marketing tại Việt Nam vào khoảng 2,5 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng 19%. Tức là chúng ta dành khoảng 50.000 – 60.000 tỷ đồng mỗi năm cho tiếp thị trực tuyến”, ông Hưng nói.
Tốc độ tăng trưởng của tiếp thị kỹ thuật số ở Việt Nam chậm lại so với giai đoạn trước đó do các doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu nhưng vẫn có mức tăng 2 con số. Cho đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng vẫn có khả năng duy trì trên 20%.
Theo thống kê, Facebook và Google vẫn là hai kênh đóng góp chính trong hoạt động marketing ở các doanh nghiệp, nhưng theo ông Đỗ Hữu Hưng, hiệu quả đang giảm dần. Cách đây 1-2 năm, 80% chi phí marketing dành cho Facebook và Google. Thậm chí có nhiều thương hiệu dành toàn bộ chi phí cho hai kênh này, song giờ có xu hướng giảm. Nguyên nhân do vấn đề tiếp cận dữ liệu người dùng cùng chính sách quản lý thắt chặt của các nền tảng.
Tương ứng với đó là sự bùng nổ từ những kênh mới. Trong đó phải kể đến sự bùng nổ của các kênh tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing); tiếp thị qua mạng xã hội (Social Marketing) hay trên chính sàn thương mại điện tử. Theo ông Đỗ Hữu Hưng, chi tiêu cho các kênh tiếp thị trực tuyến mới chiếm khoảng 35% chi phí và có chiều hướng tăng lên. Một số nhân tố hút nguồn tiền này phải kể đến như Shopee, Tiktok...
Duy Vũ